Sáng 21/5, bé N.Đ. B. (hơn 2 tháng tuổi) được mẹ vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để khám với triệu chứng sốt cao. Sau thăm khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm tai giữa và có nhiễm trùng máu nhẹ. Sau đó, cháu B. được kê đơn thuốc kháng sinh và cho về nhà uống.

Chiều cùng ngày, sau khi uống thuốc của bác sĩ kê, cháu sốt cao, quấy khóc liên tục.

Ngày 22/5, cháu B. bỏ bú và khóc không ngừng nên gia đình đưa cháu vào nhập viện tầm 21h30 tại Khoa Hồi sức Cấp cứu - Chống độc.

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, cháu N.Đ.B nhập viện cấp cứu vào lúc 21h44 phút ngày 22/5 do khó thở, tím tái, bỏ bú. Trẻ chưa phát hiện có tiền sử bệnh lý, dị ứng.

Trước đó 7 ngày, trẻ tiêm phòng vắc xin 6 trong 1. Sau tiêm, trẻ ổn định. Ngày 21/5, lúc 8h35, trẻ đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An với các triệu chứng lâm sàng quấy khóc, không sốt.

{keywords}
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Trẻ được chỉ định nội soi tai mũi họng, kết luận viêm tai giữa cấp ứ mủ trái, viêm mũi xuất tiết... 

Bác sĩ đã giải thích cho gia đình về tình trạng bệnh của trẻ và yêu cầu nhập viện điều trị nhưng người thân không đồng ý. Sau đó, bác sĩ đã kê đơn thuốc điều trị ngoại trú về nhà uống.

Đồng thời, bác sĩ dặn dò người nhà đưa trẻ tái khám khi có các biểu hiện bất thường nặng lên.

Tối 21/5, cháu B. sốt cao trên 39 độ C, người nhà sử dụng thuốc hạ sốt chứ không đưa trẻ đi khám lại. Sáng 22/5, trẻ quấy khóc nhiều, bú kém, người nhà không sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ kê trước đó.

Đêm 22/5, trẻ sốt cao, đột ngột xuất hiện tím tái, thở nấc, bỏ bú. Gia đình đưa trẻ vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng thở rên è è,  da môi tím, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt…

Cháu B. được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng, theo dõi tim bẩm sinh. Trẻ được xử trí hút đờm hầu họng, thở oxy, chuyển Khoa Hồi sức tích cực chống độc lúc 21h48. 

Tại đây, bác sĩ đã giải thích tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Sau khi nghe bác sĩ giải thích người nhà đã ký xác nhận.

Quá trình theo dõi và điều trị, trẻ tiếp tục được hồi sức cấp cứu, bù toan chuyển hóa. Lúc 23h, trẻ được đăng ký truyền máu huyết tương tươi đông lạnh và hồng cầu khối cùng nhóm.

{keywords}
Người thân đau đớn khi cháu B. tử vong

Đến 0h30 ngày 23/5, tình trạng trẻ không cải thiện, mạch yếu, môi tím, được xử trí thêm vận mạch Noradrenalin, nhưng diễn biến bệnh nặng dần.

Đến 3h cùng ngày, trẻ được cấp cứu ngừng tuần hoàn, sau 25 phút, trẻ tái lập tuần hoàn nhưng tiên lượng xấu. Đến 6h, cháu B. tử vong.

Bước đầu, Hội đồng chuyên môn bệnh viện đã tiến hành họp và đưa ra kết luận, quá trình thăm khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân ngày 21/5 được thực hiện đúng quy chế chuyên môn.

Quá trình thăm khám, chẩn đoán và xử trí cấp cứu bệnh nhân từ lúc nhập viện đến lúc tử vong đều đúng quy trình.

Hội đồng chuyên môn kết luận nguyên nhân tử vong: Sốc không hồi phục chưa rõ nguyên nhân. 

Đại diện Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, sau khi trẻ tử vong, bệnh viện rất muốn làm rõ nguyên nhân bằng cách giải phẫu tử thi. Bệnh viện đã làm thủ tục mời pháp y Công an tỉnh và pháp y Bộ Công an. Tuy nhiên, gia đình thương con không muốn mổ xẻ để được an táng.

Hiện, Sở Y tế Nghệ An đang phối hợp với bệnh viện cùng các cơ quan chức năng tiêp tục làm rõ.

Quốc Huy

Bốn trẻ tử vong vì tay chân miệng, có dấu hiệu này cần đưa đi viện ngay

Bốn trẻ tử vong vì tay chân miệng, có dấu hiệu này cần đưa đi viện ngay

Biến chứng tay chân miệng có thể xảy ra ngay ngày thứ nhất, nếu không phát hiện kịp thời, trẻ có thể tử vong.