- Hạch mạc treo là hạch bạch huyết ở mạc treo của ruột. Viêm hạch mạc treo (Mesenteric lymphadenitis) là tình trạng viêm các hạch bạch huyết trong mạc treo ruột, thường do nhiễm khuẩn đường ruột gây ra. Viêm hạch mạc treo là nguyên nhân hay gặp gây đau bụng ở trẻ em và ít xảy ra ở người lớn.

 

 

Vị trí chức năng của hạch mạc treo

Trong cơ thể, hệ thống hạch bạch huyết đóng một vai trò quan trọng giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Hạch bạch huyết được phân bổ ở rải rác khắp cơ thể và là cơ quan có nhiệm vụ tiêu diệt virus, vi khuẩn và các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

{keywords}

Khi có vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể ở một vị trí nào thì nhóm hạch gần nhất với mầm bệnh có phản ứng sưng đau. Chẳng hạn khi bị viêm họng, các hạch bạch huyết ở cổ có thể sưng đau.

Trong ổ bụng, nhóm hạch bạch huyết ở mạc treo được phân bổ rải rác khắp mạc treo ruột. Mạc treo là một màng mỏng gắn kết ruột với khoang bụng, nó giúp nhu động của ruột theo phạm vi nhất định trong ổ bụng. Nếu không có mạc treo, ruột có thể bị xoay xoắn gây tắc nghẽn. Khi bị viêm dạ dày ruột, các nhóm hạch mạc treo của ruột cũng bị viêm sưng đau. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm hạch mạc treo ruột là nhiễm virut, chẳng hạn như viêm dạ dày ruột - thường được gọi là cúm dạ dày; hoặc do nhiễm vi khuẩn Yersinia có thể do ăn thịt lợn nấu chưa chín hoặc uống sữa chưa được tiệt trùng…

 

Nhận biết viêm hạch mạc treo

Viêm hạch mạc treo là bệnh thường gây đau bụng cấp hay gặp ở trẻ em, bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với những nguyên nhân gây đau bụng khác như viêm ruột thừa.

Các triệu chứng giúp nhận biết viêm hạch mạc treo là: đau bụng, bệnh nhân thường đau ở vùng bụng phía dưới bên phải, tuy cũng gặp trường hợp đau lan khắp bụng. Sốt: tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, có thể sốt vừa hay sốt cao. Bệnh nhân có thể còn bị tiêu chảy, buồn nôn và nôn thật sự. Một số trường hợp tình cờ khi khám siêu âm kiểm tra một bệnh khác lại phát hiện thấy sưng hạch bạch huyết mạc treo. Viêm hạch mạc treo thường có các triệu chứng giống như bệnh viêm ruột thừa. Nhưng không giống như viêm ruột thừa, viêm hạch mạc treo hiếm khi trở thành nguy hiểm và khỏi không để lại di chứng.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ổ bụng... có thể giúp phân biệt giữa viêm ruột thừa và viêm hạch mạc treo.

Chẩn đoán viêm hạch mạc treo dựa vào kết quả hỏi bệnh và thăm khám. Nếu trẻ có triệu chứng điển hình và không có những dấu hiệu của bệnh lý khác gây đau bụng thì có thể hướng tới viêm hạch mạc treo. Mặc dù vậy, vẫn rất khó để đưa ra được chẩn đoán xác định do hạch nằm sâu trong ổ bụng, không thể nhìn thấy hay sờ thấy được. Do đó, để chẩn đoán, trước tiên phải loại trừ những nguyên nhân khác gây đau bụng, sau đó mới hướng đến viêm hạch mạc treo. Trong các trường hợp khó chẩn đoán và khó loại trừ các nguyên nhân khác gây đau bụng, cần có thời gian theo dõi, khám lại sau vài giờ xem có sự thay đổi của các triệu chứng hay không.

Tuy không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán viêm hạch mạc treo, nhưng có một số xét nghiệm giúp cho chẩn đoán các bệnh lý khác gây đau bụng để loại trừ. Vì thế, bệnh nhân thường được làm các xét nghiệm: máu, nước tiểu hoặc chẩn đoán hình ảnh.

Trong trường hợp sau khi đã làm các xét nghiệm nhưng vẫn không thể loại trừ được những bệnh lý nguy hiểm như viêm ruột thừa, các bác sĩ có thể phải sử dụng phẫu thuật nội soi chẩn đoán. Khi dùng nội soi thăm dò ổ bụng sẽ nhìn thấy hạch mạc treo bị viêm sưng. Tuy nhiên, mục đích của nội soi chẩn đoán không nhằm chẩn đoán viêm hạch mạc treo mà là để khẳng định những bệnh lý ngoại khoa không bị bỏ sót.

Viêm hạch mạc treo thường mắc riêng lẻ và hiếm khi gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu viêm hạch mạc treo do nhiễm khuẩn bởi loại vi khuẩn nguy hiểm mà không được điều trị thì vi khuẩn có thể lây lan vào máu, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn huyết là biến chứng nặng nhất của viêm hạch mạc treo.

 

Phương pháp điều trị

Viêm hạch mạc treo có những thể nhẹ gây ra bởi một loại virus thường tự khỏi và các triệu chứng sẽ biến mất. Những trường hợp nặng hơn cần phải điều trị với các loại thuốc: giảm đau và hạ sốt; thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn nặng. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước do sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Chườm khăn ấm lên vùng bụng có thể giúp giảm bớt đau cho bệnh nhân.

Nguyễn Thu Hiền