Khoa Cấp cứu, BV đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang vừa tiếp nhận bệnh nhi N.Q.B, 8 tuổi bị ngộ độc bia.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, đồng tử co nhỏ, hơi thở có mùi bia, kích thích đau không có phản xạ.

Gia đình cho biết, trước đó có cho con tập uống bia, đến khi bố mẹ vắng nhà, bé B. đã tự uống một lượng lớn bia trong tủ lạnh. Khi về nhà, thấy bé B. có dấu hiệu nôn mửa, lơ mơ rồi ngất lịp, gia đình lập tức đưa con trai đến bệnh viện cấp cứu.

{keywords}

Bé trai được xuất viện sau 5 ngày điều trị 

 

Qua khai khai thác tiền sử và chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ kết luận bệnh nhi bị ngộ độc bia, chỉ định truyền dịch, bù nước điện giải...

May mắn được cấp cứu kịp thời, bệnh nhi đã hồi tỉnh, lấy lại được ý thức, sau đó được chuyển tiếp sang khoa Nhi điều trị thêm 5 ngày trước khi xuất viện.

Trước đó tại Nghệ An cũng tiếp nhận bé trai 11 tuổi vào viện với tổn thương não nghiêm trọng sau khi uống hơn 1 lít rượu do bạn bè thách đố.

Trong lúc người lớn đi vắng, bé cùng với nhóm bạn rủ nhau uống rượu. Trẻ được đưa đi cấp cứu trong tình trạng loạn ý thức, vật vã, khó thở, nôn nhiều, hôn mê sâu, sốt liên tục 39 độ.

Bác sĩ cảnh báo, rất nhiều bậc phụ huynh lấy làm vui khi cho con tập thử bia, rượu từ bé với quan niệm, nếm thử một chút không ảnh hưởng gì, thậm chí còn khuyến khíc. Song bản chất, bia, rượu là chất gây nghiện, chất có hại.

Đặc biệt với trẻ nhỏ, tiếp xúc quá sớm với rượu bia sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ do cơ thể chưa phát triển toàn diện, hấp thụ kém, sẽ gây ra những bệnh về gan, thận, dạ dày… Rượu bia cũng làm giảm sút trí tuệ, trí nhớ kém, mất tập trung, ảnh hưởng đến năng lực tư duy.

Ngoài ra, nếu trẻ uống thường xuyên bia rượu, lâu dần sẽ thành quen và có thể dẫn đến chứng nghiện rượu, bia, ảnh hưởng đến tâm thần.

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từng thực hiện một cuộc khảo sát trong 5 năm tại Hà Nội với trên 15.000 người tham gia.

Kết quả giật mình khi tỉ lệ người trẻ dưới 20 tuổi nghiện rượu lên tới gần 63%; thời gian uống trên 20 năm trên 62%; uống từ 11-20 năm ở mức xấp xỉ 25%.

Trong hơn 15.000 điều tra, có tới 77,5% bị rối loạn giấc ngủ, gần 45% rối loạn trí nhớ, trầm cảm gần 30%. Đáng lưu ý có tới 13% bị ảo giác, hoang tưởng 7%.

Với những biểu hiện loạn thần do rượu, bệnh nhân buộc phải vào các khoa tâm thần, bệnh viện tâm thần điều trị.

Nguyên giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cho biết, nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, co giật, lú lẫn, sùi bọt mép như động kinh.

“Trong đó có nhiều bệnh nhân chỉ 15-16 tuổi. Thông thường nghiện rượu phải uống trên 5 năm, đồng nghĩa các cháu uống từ khi mới 10-11 tuổi. Bố uống cũng rót luôn cho con”, BS Tình dẫn chứng.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không có ngưỡng an toàn khi sử dụng rượu, bia. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định, là nguyên nhân gây ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại tràng, gan, ung thư vú..

Uống càng nhiều thì nguy cơ càng tăng và ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 đến 15 năm, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu, bia.

Thúy Hạnh

 

Lỡ uống lon bia, nghỉ bao lâu mới được lái xe theo luật mới?

Lỡ uống lon bia, nghỉ bao lâu mới được lái xe theo luật mới?

- Người dân quan tâm nếu lỡ uống 1-2 chén rượu, 1 lon bia thì cần nghỉ ngơi bao lâu để không còn nồng độ cồn trong máu.