Tháng 2 đến tháng 6 hàng năm được xem là mùa của dịch thuỷ đậu, vốn là một bệnh thông thường, tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, thủy đậu sẽ gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm.

Theo kinh nghiệm của chị Vân (quận 3, HCM) trong gia đình nếu có người mắc bệnh thuỷ đậu thì vấn đề vệ sinh cần được lưu tâm hàng đầu, hạn chế gió, lạnh và đồng thời phải cung cấp thêm chất bổ dưỡng để tăng sức đề kháng cho người bệnh. Người bệnh cũng cần chú ý nghỉ ngơi ở nhà từ 7-10 ngày, không nên đi ra ngoài để tránh lây lan cho người xung quanh. Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ mắc căn bệnh này thì ba hoặc mẹ cần phải nghỉ làm để chăm sóc trẻ, điều này ít nhiều gây xáo trộn sinh hoạt chung của cả gia đình.

Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo chị Vân, nếu trẻ bị nặng thì cha mẹ không được chủ quan mà phải đưa con đến các cơ sở y tế để được điều trị và theo dõi kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có như bội nhiễm, sốc nhiễm trùng…

Hiện nay, chủng ngừa vacxin được xem là phương pháp hiệu quả nhất có tác dụng ngăn ngừa và phòng tránh thủy đậu tính tới thời điểm này.
Tiêm phòng vac-xin là biện pháp đơn giản để phòng ngừa bệnh thủy đậu

Cha mẹ có thể tiến hành chích ngừa thủy đậu cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 - 6 tuần. Tuy nhiên, theo khuyến cáo mới nhất của Ủy Ban Tư Vấn Tiêm Chủng của Hoa Kỳ, trẻ em chỉ chích một liều thì khả năng phòng bệnh chưa tuyệt đối, do đó trẻ em và người lớn cần tiêm 2 liều vacxin để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ đến các bệnh viện sản nhi, trung tâm y tế dự phòng tại tất cả các quận huyện trên toàn quốc để được các bác sĩ tư vấn về bệnh thuỷ đậu và chủng ngừa ngay trước khi trẻ bị lây bệnh.

(Thông tin giáo dục này được cung cấp bởi hội Y học dự phòng Việt Nam với sự tài trợ của VPĐD GlaxoSmithKline)

Khánh Hạ