Michelle Benvenisti sống ở TP New York (Mỹ). Cô từng bị nhiễm Covid-19 rất nặng. Sau khi bình phục, cô muốn tặng huyết tương của mình cho các bệnh nhân có nhu cầu. Dưới đây là chia sẻ của cô về những ngày tự điều trị tại nhà: 

Trong thời gian chống lại Covid-19, tôi bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ chết. Và thậm chí còn tệ hơn thế - tôi đã nghĩ sẽ chết trong cô đơn. Bất cứ ai độc thân cũng đều có thể lo lắng về việc làm thế nào nhận được sự giúp đỡ nếu xảy ra điều gì đó nghiêm trọng. Covid-19 đã biến nỗi sợ hãi đó thành một thực tế với tôi.

{keywords}

Ảnh minh họa: RCGP

Covid-19 là một căn bệnh cô độc. Mọi người đều phải chiến đấu một mình ở một mức độ nào đó. Những người trong khu hồi sức cấp cứu hiếm khi có người đến thăm. Nếu đang sống với người khác, bạn phải tự cô lập trong căn phòng riêng biệt để không lây bệnh.

Những người sống một mình bị nhiễm Covid-19 như tôi phải tự chiến đấu với cuộc chiến tình cảm, tinh thần và thể chất. Tôi là một người phụ nữ độc lập. Tôi sống ở New York, đã đi đến hơn 50 quốc gia và tự chăm sóc bản thân. Nhưng chiến đấu với căn bệnh này lẻ loi trong căn hộ của tôi đã tạo ra những thử thách tôi không bao giờ tưởng tượng được. Đó là trải nghiệm khó khăn nhất, kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi.

Ngày qua ngày, tôi phải vật lộn với những vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Hơi thở của tôi rất nông, tôi không muốn ngủ vì sợ sẽ không thức dậy được nữa. Tôi bị sốt, chóng mặt, ớn lạnh, viêm phổi, khát nước, buồn nôn, phát ban, chán ăn, mất khứu giác và lo lắng. Cơ thể tôi chưa bao giờ yếu tới như vậy. Tôi cảm thấy mình chỉ còn 10% sinh lực so với bình thường. 

Một ngày, tôi thức dậy và nghĩ mình đã khá hơn nên đi tắm. Nhưng tôi ngất đi, ngã quỵ xuống sàn nhà vệ sinh. Khi tỉnh lại, tôi nhận ra đã làm đổ đủ thứ khi cố lết tới sofa.

Tại thời điểm đó, tôi nhận thấy phải tìm kiếm các nguồn hỗ trợ. Dưới đây là 3 yếu tố tôi giúp tôi chiến thắng căn bệnh đáng sợ này: 

Dựa vào công nghệ để duy trì kết nối

Tôi thật may mắn khi có một gia đình tuyệt vời - bố mẹ, hai anh trai, một em gái. Tôi khám bệnh từ xa với các bác sĩ. Người thân thường xuyên trò chuyện qua video để xem tôi có cải thiện sức khỏe không.

Em gái đã giúp tôi thực hiện bài tập thở qua Facetime. Sau lần bất tỉnh trong nhà tắm, tôi sợ điều đó xảy ra một lần nữa. Bởi vậy, tôi mở điện thoại khi đi tắm để em gái hỗ trợ khi có bất trắc.

Chia sẻ kinh nghiệm trên mạng xã hội cũng là một cách rất hữu ích để tôi cảm thấy được kết nối với những người khác. Ban đầu, tôi do dự khi làm như vậy, nhưng sau vài tuần, tôi đã đăng câu chuyện của mình cùng với lời đề nghị giúp đỡ những bệnh nhân Covid-19.

Tôi đã nhận được phản hồi, giúp đỡ, tình cảm của mọi người. Đó là một món quà. Bởi vậy, ngay cả khi mệt mỏi, tôi vẫn cố trả lời các cuộc gọi và tin nhắn. Tôi biết mình cần phải thu hút sức mạnh và sự hỗ trợ bằng mọi cách có thể.

Chấp nhận sự giúp đỡ từ xa

Có thể có những người muốn giúp bạn, vì vậy hãy nói đồng ý khi họ đề nghị. Hoặc nếu bạn cần một cái gì đó - hãy hỏi. Đây là một trong những khó khăn cho tôi. Ở tuổi của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ dựa dẫm vào bố mẹ nhiều như vậy. Người mẹ 78 tuổi và người bố 82 tuổi của tôi sống gần đó. 

Tôi đã sụt cân nhanh chóng và không còn đủ sức để bồi bổ. Bố mẹ sẽ để những món ăn bổ dưỡng trong một chiếc túi treo bên ngoài tòa nhà của tôi. Tôi đi xuống cầu thang để lấy đồ, tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đeo khẩu trang, găng tay và xịt khử khuẩn. Tôi đã giảm gần 8 kg. Nhưng tôi thực sự tin rằng nỗ lực của gia đình đã giúp tôi sống sót.

Quan tâm tới sức khỏe tinh thần

Virus SARS-CoV-2 tác động rất lớn về mặt cảm xúc. Vì vậy, ngay cả khi bị ốm, tôi vẫn phải nhắc nhở bản thân về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Mỗi lần tôi nghe hoặc đọc một câu chuyện buồn về Covid-19, tôi càng thêm lo lắng và khó thở hơn. Thay vào đó, tôi xem các chương trình về động vật, thiên nhiên và buộc bản thân phải lạc quan với những lời động viên của bạn bè.

Tôi mất 26 ngày để phục hồi 60% sức lực. Thông thường mất 14 ngày để khỏi bệnh, nhưng các triệu chứng của bạn càng nặng thì càng mất nhiều thời gian hơn.

Loại virus này làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của tôi - chết một mình - và tôi vẫn còn lo lắng vì điều đó. Tôi không biết sẽ mất bao lâu để tôi cảm thấy ổn hơn, vì vậy tôi đang cố gắng rèn luyện tính kiên nhẫn và chăm sóc bản thân.

Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết xét nghiệm lần thứ hai có kết quả âm tính và được phép ra ngoài nhưng vẫn phải đảm bảo giãn cách xã hội. Tôi biết mình là một trong những người may mắn sống sót sau khi nhiễm Covid-19. Tôi cũng vô cùng hạnh phúc khi có gia đình và bạn bè luôn ở bên cạnh tôi trên mỗi bước đường.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

An Yên (Theo Webmd)

Hiệu quả vắc xin Pfizer và AstraZeneca phai dần như thế nào?

Hiệu quả vắc xin Pfizer và AstraZeneca phai dần như thế nào?

Dưới đây là các biểu đồ cho thấy hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19 hoặc giúp bệnh ít trở nặng và tử vong.