Chính phủ Mỹ đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu thuốc kháng virus SARS-CoV-2 và các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra loại thuốc viên mà bệnh nhân Covid-19 có thể uống tại nhà.

Năm 2020, giới chuyên môn tập trung vào phát triển vắc xin và tận dụng các loại thuốc có sẵn để phòng chống Covid-19. Sang năm 2021, trọng tâm của nhiều nghiên cứu là các loại thuốc kháng virus để điều trị cho người mắc Covid-19.

Hiện tại, vắc xin Covid-19 là công cụ mạnh mẽ giúp cứu sống người bệnh. Người đã chủng ngừa ít có nguy cơ trở nặng hoặc tử vong.

Nhưng không phải ai cũng có thể hoặc sẽ tiêm vắc xin Covid-19. Đối với một số người, chẳng hạn như người bị suy giảm miễn dịch, vắc xin không đem lại hiệu quả cao. Và bất chấp những nỗ lực của các nhà khoa học, vắc xin sẽ không bao giờ có hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn nhiễm bệnh và lây lan.

{keywords}

Ảnh minh họa

Kế hoạch 3 tỷ USD

Vào tháng 6, Chính phủ Mỹ đã khởi động Chương trình kháng virus cho các đại dịch (APP). Hơn 3 tỷ USD sẽ được đầu tư vào việc phát triển thuốc trị Covid-19.

Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, giải thích, mục tiêu của APP là phát triển các loại thuốc kháng virus dạng uống có thể dùng tại nhà ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Các giải pháp chữa bệnh hiện tại cho bệnh nhân Covid-19 tương đối hạn chế. Điều trị kháng thể do Công ty dược phẩm Regeneron sản xuất là một trong số ít cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, chi phí sản xuất đắt đỏ và phải truyền tĩnh mạch.

Rất khó để phát triển thuốc kháng virus. Mục đích của dược phẩm này để ngăn chặn virus nhân bản. Một loại thuốc kháng virus hiệu quả cần phải phá vỡ một số phần trong vòng đời của virus mà không làm rối loạn bất kỳ cơ chế quan trọng nào đối với sức khỏe của con người.

Remdesivir là loại thuốc kháng virus nhận được rất nhiều sự chú ý khi được dùng để chống lại SARS-CoV-2 vào năm ngoái. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt thuốc này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố không có bằng chứng cho thấy Remdesivir có hiệu quả ngăn ngừa tử vong ở bệnh nhân Covid-19.

Thêm vào đó, đây không phải là thuốc viên. Bệnh nhân cần truyền qua tĩnh mạch, nên buộc phải nhập viện.

Tương lai của thuốc điều trị Covid-19

Vài chục phương pháp điều trị kháng virus SARS-CoV-2 đang được phát triển. Không có gì ngạc nhiên khi những hãng dược phẩm lớn như Merck và Pfizer đã gần về đích với các loại thuốc uống đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.

Ứng cử viên của hãng Merck được gọi là Molnupiravir. Thuốc được phát triển cách đây vài năm như một chất kháng virus cúm. Các nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh hiệu quả đầy hứa hẹn của loại thuốc này với các loại virus corona khác.

Molnupiravir hiện được thử nghiệm ở giai đoạn 3. Dữ liệu rất hứa hẹn nên Chính phủ Mỹ đã đặt mua trước 1,2 tỷ USD.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, hãng Merck hy vọng loại thuốc này sẽ được FDA cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp trước cuối năm 2021.

Ứng cử viên kháng virus SARS-CoV-2 của Pfizer được đặt tên là PF-07321332. Loại thuốc này ngăn virus sao chép trong tế bào. Bệnh nhân có thể uống khi mới khởi phát bệnh.

Các thử nghiệm giai đoạn 1 đối với loại thuốc kháng virus trên bắt đầu vào đầu năm 2021. Chưa có kết quả chính thức được công bố nhưng công ty gần đây đã thông tin về giai đoạn thử nghiệm tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 8, cho thấy dữ liệu ban đầu đầy hứa hẹn.

Công ty Nhật Bản Shionogi hiện trong giai đoạn 1 thử nghiệm thử nghiệm S-217622, một loại thuốc kháng virus đường uống dành cho người mới nhiễm bệnh.

Đại dịch Covid-19 nhiều khả năng còn lâu mới kết thúc. Biến thể Delta đã nhanh chóng trở thành chủng SARS-CoV-2 phổ biến nhất trên khắp thế giới. Mặc dù vắc xin vẫn đang phát huy tác dụng nhưng rõ ràng cần nhiều công cụ hơn để chống lại Covid-19. Delta chắc chắn sẽ không phải là biến thể SARS-CoV-2 cuối cùng mà con người phải đối mặt.

Bên cạnh vắc xin ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong trên diện rộng, một loại thuốc kháng virus hiệu quả để giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ giúp thay đổi tình hình. Một liều thuốc uống tại nhà khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh có thể là cách thoát khỏi đại dịch Covid-19.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

An Yên (Theo Newatlas)

Sáng 2/8 có thêm 3.201 ca Covid-19, tiêm được 6,4 triệu liều

Sáng 2/8 có thêm 3.201 ca Covid-19, tiêm được 6,4 triệu liều

Sáng 2/8, Việt Nam ghi nhận thêm 3.201 ca Covid-19, nâng tổng số mắc cả nước vượt 157.000 trường hợp.

Tương lai của vắc xin Covid-19: Thuốc uống hoặc hít

Tương lai của vắc xin Covid-19: Thuốc uống hoặc hít

Các nhà khoa học kỳ vọng, mọi người có thể tự tiêm vắc xin tại nhà với một ống thuốc đơn giản, chi phí rẻ.