Tính đến ngày 18/12, Việt Nam đã có 222 cơ sở sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.

222 cơ sở này đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận. Như vậy, tính từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Quản lý Dược đã cấp chứng nhận GMP-WHO cho 11 cơ sở sản xuất thuốc.

{keywords}
Một trong những nhà máy sản xuất thuốc tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP

Cụ thể: Công ty TNHH Sun Garden Việt Nam; Công ty Cổ phần Dược phẩm Thành Phát; Công ty cổ phần dược phẩm PQA; Công ty cổ phần dược vật tư y tế Hà Nam; Công ty TNHH MTV Traphacosapa; Công ty TNHH dược phẩm Hà Thành; Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco); Công ty TNHH Novaglory; Công ty cổ phần đông nam dược Trường Sơn; Công ty TNHH Nippon Chemiphar Việt Nam; Công ty TNHH Mekophar. 

Được biết, để phù hợp những tiêu chuẩn quốc tế về GMP và thúc đẩy việc xuất khẩu và hợp tác với các nước trên thế giới trong lĩnh vực này, Bộ Y tế đã quyết định, từ ngày 1/7/2008, các cơ sở sản xuất thuốc tân dược đã được phép sản xuất phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP-WHO.

Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu triển khai áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn này.

GMP (Good Manufacturing Practices) là hướng dẫn thực hành sản xuất tốt, áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dược phẩm nhằm kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến.

T.Thư