Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, bản thân ông rất ngạc nhiên khi chỉ trong thời gian ngắn, một số bệnh viện trông giống như công viên.

Bệnh viện xanh-sạch-đẹp

TS. Lokky Wai- Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ, ông đã đến thăm một số bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh thành khác, chứng kiến sự quá tải từng đè nặng lên các dịch vụ quản lý chất thải y tế.

{keywords}

Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam

“Tuy nhiên, môi trường trong các cơ sở y tế Việt Nam những năm qua đã được cải thiện trong bối cảnh toàn ngành y tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách”, TS. Lokky Wai nhấn mạnh. Đồng thời, ông đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế khi triển khai hoạt động xây dựng bệnh viện xanh-sạch-đẹp với những kết quả đáng khích lệ. Kế đó là chương trình cải thiện hệ thống quản lý chất thải y tế.

Với vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Dự án Hỗ trợ Xử lý Chất thải Bệnh viện, sau 5 năm triển khai và nỗ lực đồng hành các cơ sở y tế, đã giúp cho hơn 200 bệnh viện từ trung ương đến địa phương thay đổi được môi trường y tế của mình.

Đã có những thay đổi rất đáng hoan nghênh; một số bệnh viện thậm chí trông giống như công viên.

{keywords}

Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM tận dụng mọi khoảng trống để làm vườn hoa

Ngoài ra, WHO khuyến cáo Bộ Y tế cần chú trọng tới việc đào tạo, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải y tế vì bệnh viện sẽ không thể sạch nếu bệnh nhân và người nhà không hợp tác. Trên thực tế, trong 5 năm qua, Dự án Hỗ trợ Xử lý Chất thải Bệnh viện đã tập huấn và liên tục cập nhật kiến thức cho gần 7.000 cán bộ quản lý cùng các cán bộ chuyên trách thuộc các lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường, công an và nhân viên vận hành của các bệnh viện tại khắp 63 tỉnh/thành để họ có đủ năng lực xử lý chất thải bệnh viện.

Song song với đào tạo, 7 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chi tiết đều đã hoàn thiện để giúp cho họ tự quản lý, vận hành máy móc hiệu quả. Đặc biệt, Ban Quản lý Dự án và Cục Quản lý Môi trường Y tế đã thực hiện hàng loạt chương trình truyền thông như sản xuất video clip để chiếu tại sảnh/hành lang bệnh viện, thiết kế poster, tờ rơi, tờ hướng dẫn dán tại những vị trí đặt thùng rác, tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn cho đội ngũ y bác sĩ cùng bệnh nhân và người nhà biết cách phân loại chất thải... với mong muốn cả cộng đồng cùng chung tay xây dựng môi trường y tế an toàn – sạch sẽ.

Sử dụng nước thải qua xử lý để trồng cây, nuôi cá

TS.Lokky Wai cho biết, WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế nhân rộng mô hình dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường trên phạm vi toàn quốc, lồng ghép với quản lý chất thải y tế nhằm giúp các cơ sở y tế sớm đạt được mục tiêu của phong trào bệnh viện xanh-sạch-đẹp.

{keywords}

Chòi ngồi mát tại Bệnh viện Đa khoa Giá Rai (Bạc Liêu) được xây ngay cạnh Khu Xử lý nước thải

Từ năm 2016, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh được Cục Quản lý Môi trường Y tế giao thí điểm mô hình Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường trong bệnh viện (Wash), dưới sự chỉ đạo và giám sát của Bộ và sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội. Dựa trên kinh nghiệm của các đơn vị này, 1 bộ tài liệu Hướng dẫn Quản lý, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong bệnh viện đã được biên soạn nhằm giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

WHO cũng sẽ định hướng, tham vấn Cục Quản lý Môi trường Y tế xây dựng chính sách, khung quy chế có tính đến các công ước quốc tế như Công ước Basel, Công ước Stockholm, Công ước Minamata, khuyến khích xây dựng các hệ thống xử lý chất thải toàn diện, tổng hợp (đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy) sử dụng công nghệ mới tiên tiến (ví dụ như thay lò đốt rác thải y tế bằng các lò hấp, lò vi-sóng…).

{keywords}

Khu xử lý nước thải của Viện Bỏng đã không còn mùi và bắt đầu xanh hóa

Đặc biệt, sau khi Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Y tế triển khai dự án Hỗ trợ Xử lý Chất thải Bệnh viện từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới, nhiều bệnh viện từ chỗ xả thẳng nước thải ô nhiễm ra môi trường đã sử dụng chính nguồn nước thải đã qua xử lý để tưới cây, trồng rau, nuôi cá, như: Bệnh viện Đa khoa Giá Rai (Bạc Liêu), bệnh viện Đa khoa Phước Long (Bạc Liêu); bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh viện Nhi Hải Dương, bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị Nghệ An, Viện Bỏng Quốc gia...

Trong 10 sự kiện nổi bật nhất năm 2016 của Bộ Y tế, việc triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh, trong đó có hoạt động xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp cùng những những tiêu chí bắt buộc phải có như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế, đã được sự ghi nhận tốt từ phía cộng đồng cũng như các chuyên gia quốc tế.

Doãn Phong