Ngồi ở Hà Nội điều hành mổ tim ở Phú Thọ

Nhiều năm trước, PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền - một chuyên gia đầu ngành về tim mạch, thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại “cấp cứu khẩn” từ các đồng nghiệp. Bệnh nhân của họ gặp sự cố bất ngờ khi đang trong phòng mổ tim. Lúc ấy, những chỉ dẫn từ xa qua chiếc điện thoại di động đã giúp nhiều đồng nghiệp của ông giữ được mạng sống cho người bệnh.

{keywords}
Ca phẫu thuật tim ở Phú Thọ được bác sĩ Nguyễn Sinh Hiền chỉ đạo từ Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một ca mổ tim ở Việt Nam được “điều khiển từ xa”.

Chiều 6/8/2020, PGS Hiền có cơ hội chi viện từ xa cho các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong một ca mổ tim với công nghệ Telehealth do Tập đoàn Viettel phát triển chứ không phải Telephone như trước đây.

Bệnh viện đa khoa Phú Thọ tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 55 tháng tuổi mắc tim bẩm sinh thông liên thất, có chỉ định phẫu thuật tim mở. Em có thể trạng gầy yếu và bị viêm phổi, viêm phế quản liên tục trong suốt những năm đầu đời.

PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - trực tiếp điều hành ê-kíp phẫu thuật cho bệnh nhi. Ông hướng dẫn chi tiết từng bước phẫu thuật viên cần thực hiện như gây mê nội khí quản, vị trí mổ mở, cách chọn vật liệu vá lỗ thông…

Sau khi mở tim, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền bất ngờ khi lỗ thông có đường kính gần 2 cm. “Quá lớn so với cân nặng của bé”, ông nói. Bởi vậy, bác sĩ này luôn theo dõi từng động tác của các phẫu thuật viên, liên tục hướng dẫn để cuộc mổ diễn ra thuận lợi. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa ê-kíp ở Phú Thọ và chuyên gia tim mạch ở Hà Nội đã giúp cuộc mổ thành công.

Điều đặc biệt của ca mổ này đó là vị thuyền trưởng của ê-kíp không đứng trong phòng mổ tại Phú Thọ mà đang ở Trung tâm điều hành khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đặt tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Công nghệ đặc biệt này đã xóa bỏ khoảng cách hơn 100 km giữa các bác sĩ. Hình ảnh, âm thanh giữa 2 điểm cầu sống động như họ đang đứng cạnh nhau trong phòng mổ.

Trước đây, nếu là “công nghệ Telephone”, để hỗ trợ cho những cuộc phẫu thuật như thế này, PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền phải cử một đoàn công tác tới tận cơ sở. Còn giờ đây, bác sĩ Hiền có thể hỗ trợ các đồng nghiệp của mình từ những nơi rất xa và ca mổ tim ở Phú Thọ cũng là ca mổ tim được điều hành trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam.

Khi công nghệ phát triển, không bác sĩ, bệnh nhân nào bị ‘bỏ lại phía sau

Câu chuyện của PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và cô bé không may mắc bệnh tim bẩm sinh đã minh chứng cho sự tiến bộ của công nghệ trong hệ thống y tế ở Việt Nam.

{keywords}
Telehealth do Viettel phát triển đem lại lợi ích cho cả 3 đối tượng: Chuyên gia đầu ngành - Bác sĩ tại bệnh viện tuyến dưới - Bệnh nhân.

Trước đây, để điều trị cho bệnh nhân này có 2 cách lựa chọn: Một là bệnh nhân phải chuyển lên tuyến cuối. Hai là bác sĩ tuyến cuối phải về bệnh viện tỉnh trực tiếp cầm dao mổ. Họ không thể hỗ trợ các đồng nghiệp mổ từ xa khi trong tay chỉ có “điện thoại cục gạch”, cao cấp hơn là smartphone với Internet, E-mail. Tuy nhiên, điểm hạn chế của các công nghệ này là họ chỉ có thể đảm nhiệm vai trò tư vấn, không thể kiểm soát tiến trình khi phẫu thuật viên thực hiện ca mổ, khó tiên lượng khả năng thành công.

Với Telehealth của Viettel, các chuyên gia tuyến cuối không cần ngồi trong phòng mổ vẫn trở thành trưởng kíp, kiểm soát chi tiết diễn biến ca phẫu thuật, từng động tác của bác sĩ, đảm bảo khả năng thành công cao hơn. Không những thế, cùng lúc, một ê-kíp bác sĩ đa chuyên khoa có thể cùng nhau hỗ trợ nhiều ca mổ ở nhiều nơi khác nhau.

Rõ ràng, Telehealth đem lại lợi ích cho cả 3 đối tượng: Chuyên gia đầu ngành - Bác sĩ tại bệnh viện tuyến dưới - Bệnh nhân. Cụ thể, công nghệ này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, sức lực của bác sĩ, tận dụng nguồn lực cơ sở vật chất ở tuyến dưới, tránh sự quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời đảm bảo người bệnh được điều trị tốt nhất.

Mặc dù vậy, công nghệ chỉ là phương tiện. Sự phát triển của công nghệ đã giúp các bác sĩ xóa mờ khoảng cách địa lý. Nhưng điểm cốt yếu để Telehealth có thể phát huy tác dụng, ứng dụng thường xuyên vào việc khám chữa bệnh, đó là xóa dần khoảng cách chuyên môn giữa các bác sĩ.

Ê-kíp bác sĩ ở các điểm cầu có thể làm việc với nhau khi họ tương đồng về năng lực. Trước khi ca mổ ngày 6/8 diễn ra, 4 năm trước, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã đến các trung tâm tim mạch hàng đầu ở Việt Nam học tập. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội lại lên tận nơi để cầm tay chỉ việc. Ca mổ thành công là “trái ngọt” họ được tận hưởng sau nhiều năm cùng nhau làm việc, cố gắng.

Cùng với Telehealth, thời gian tới, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch sẽ không cần rời Hà Nội, họ chỉ cần đến Trung tâm điều hành khám chữa bệnh từ xa, để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tiến bộ khoa học với các đồng nghiệp bất cứ lúc nào. Những bác sĩ tuyến dưới cũng có thể tranh thủ thời gian làm việc để nâng cao năng lực chuyên môn tốt hơn.

“Tôi mất 15 năm học tập để được cầm dao mổ tim. Nhưng tôi tin rằng, với sự phát triển của công nghệ, quá trình này của các đồng nghiệp sẽ ngày càng rút ngắn”, PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền chia sẻ.

Thu Hằng