- Dư luận bức xúc vì sao đúng quy trình, bệnh nhân vẫn tử vong nhưng theo các bác sĩ, trường hợp này có thể do tai biến y khoa.

Tiểu phẫu cũng có rủi ro

Vụ việc bệnh nhân Trần Thị Là tử vong sau ca mổ gãy chân tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng là tâm điểm của dư luận tuần qua.

Phía bệnh viện đã giải thích “bệnh nhân được mổ đúng quy trình, thậm chí sớm hơn các ca khác” song nhiều ý kiến cho rằng giải thích này chưa hợp lý, bệnh nhân chờ 9 ngày mới được mổ là quá lâu.

{keywords}

Tắc động mạch phổi là một trong những biến chứng đáng sợ nhất của ngoại khoa với tỉ lệ tử vong cao

Độc giả tên Sơn thắc mắc: “Cứ cho các bác sĩ đã làm đúng. Vậy đúng quy trình vẫn tử vong thì cái quy trình này có hình thù thế nào? Ai sinh ra nó? Và tại sao cứ phải thứ 6 mới mổ phiên? Vì làm theo nó mà vẫn có người chết, vậy người ký ban hành quy trình có trách nhiệm gì không?”.

“Chuyện cũng đã xảy ra rồi nhưng tôi thấy gãy xương đến 9 ngày mới được mổ mà bác sĩ bảo còn sớm thì tôi thấy không hợp lý lắm. Gãy xương đau và nhức lắm!”, độc giả Trần Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Bạn Phạm Văn Bình thì cho rằng việc mổ gãy chân không khó nhưng lại chết người là sự việc rất đáng tiếc. Các bác sĩ cần nghiêm túc nhận thiết sót.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng dư luận đã không nhìn nhận khách quan từ cả 2 phía. Vì thực tế, bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, kể cả tiểu phẫu cũng đều có rủi ro.

“Nếu tất cả đều đổ tại bác sĩ thì ai dám hành nghề y nữa”, độc giả Khương Đức Dục viết.

Bạn đọc Tuấn Dũng giải thích rõ hơn: “Gãy xương đùi không phải là mổ cấp cứu, trừ trường hợp gãy xương hở lòi xương ra ngoài, nếu không bác sĩ sẽ dùng tạ kéo chân khoảng 5-7 ngày để giảm nề, giảm di lệch vùng gãy, kiểm tra và điều trị các bệnh khác có sẵn của bệnh nhân, khi nào toàn thân ổn định thì mới mổ”.

Là người làm trong ngành y, trước sự việc đáng tiếc nói trên, bạn Hoàng Quang chua chát so sánh: “Một ngày tai nạn giao thông chết 30-40 ca không sao. Bác sĩ cứu sống hàng nghìn người một năm nhưng tai biến y khoa một vài ca là chấm hết sự nghiệp!”.

Vì sao mổ chân lại tắc phổi?

Nhiều bác sĩ cũng cho rằng khả năng bệnh nhân Là bị tai biến tắc động mạch phổi là rất lớn.

TS Hoàng Bùi Hải, trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - người có nhiều năm nghiên cứu và điều trị bệnh nhân tắc động mạch phổi giải thích rõ thêm, tắc động mạch phổi là một cấp cứu nghiêm trọng, một trong những biến chứng đáng sợ nhất của ngoại khoa, tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện tượng xảy ra khi một động mạch phổi chính hoặc một trong các nhánh của nó bị tắc do cục máu đông, hoặc tắc do khí, mỡ, tế bào u, nước ối.

Trường hợp hay gặp nhất là tắc do cục máu đông di chuyển từ tĩnh mạch sâu lên tim phải rồi từ tim phải đẩy lên động mạch phổi, gây tắc, làm rối loại cân bằng thông khí và tưới máu, dẫn tới suy tim phải cấp, giảm oxy máu gây đột tử, ngừng tuần hoàn.

Tai biến này thường xảy ra ở những trường hợp chấn thương sau mổ, phẫu thuật cần băng ép caro khi mổ, những người bị tai biến mạch máu não phải nằm bất động kéo dài hoặc vừa trải qua hậu phẫu trong vòng 3 tháng, người có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu, tăng huyết áp, đi ô tô, máy bay đường dài...

Theo BS Hải, để dự phòng huyết khối, thường sau tai nạn 3 ngày nên siêu âm mạch máu chi dưới trước khi mổ, để loại trừ khả năng đã có huyết khối. Tuy nhiên với những bệnh nhân có nguy cơ tăng đông bẩm sinh thì việc này có thể xảy ra sớm hơn.

Đồng quan điểm, BS Võ Xuân Sơn cho rằng, trong những cuộc mổ vào xương, hoặc có sử dụng xi măng sinh học, nguy cơ của biến chứng này tắc động mạch phổi tăng lên gấp nhiều lần, do có thêm sự hiện diện của các giọt mỡ, hoặc các hạt xi măng thêm vào so với các cục máu đông và các bọt khí ở các cuộc mổ thông thường.

TS.BS Dương Trọng Hiền, Phó trưởng khoa Cấp cứu tiêu hoá cho biết, tai biến tắc động mạch phổi đang có xu hướng tăng lên nhiều do chế độ ăn của người Việt thay đổi.

“Với những bệnh nhân nằm lâu rất dễ tạo ra các huyết khối ở tĩnh mạch, khi khối huyết bong ra sẽ trôi về tim, theo mạch máu lên phổi gây tắc mạch phổi”, BS Hiền giải thích.

Theo BS Hiền, tai biến tắc động mạch phổi vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Trong năm 2015, tại bệnh viện Việt Đức có 6 trường hợp gặp tai biến này sau mổ chấn thương.

“Với những trường hợp có nguy cơ mắc tai biến này, các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp dự phòng bằng cách đi tất chống giãn mạch, dùng thuốc chống đông... Nếu bệnh nhân đó nghi ngờ, có thể làm siêu âm để kiểm tra”, BS Hiền thông tin.

Thúy Hạnh