Chị Đặng Thị N.N., 47 tuổi, ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) là bệnh nhân 258 mắc Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam. Chị N. cùng con gái (bệnh nhân 257) và chồng (bệnh nhân 267) là các ca lây nhiễm được xác định có liên quan đến bệnh nhân 243.

Ngày 20/3, bệnh nhân 243 đến nhà chị N. chơi và ngồi nói chuyện cùng người chồng. Chị N. khi ấy vắng nhà, 2 đứa con ở tầng trên cũng không xuống tiếp xúc.

Đầu tháng 4, sau thông tin về ca bệnh 243, chồng của chị N. được đưa đến Lưukhu cách ly tập trung do thuộc diện F1. Chị N. vô cùng hoang mang, tuy nhiên đã lấy lại được bình tĩnh khi anh có kết quả âm tính nCoV trong lần xét nghiệm đầu tiên.

“Một phần, các con đều không tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 nên tôi cũng đỡ lo lắng hơn”, chị N. tâm sự. Chị và 2 con cách ly tại nhà những ngày sau đó.

{keywords}
Bệnh nhân 258 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh

Thế nhưng, linh cảm chẳng lành đến với chị N. khi tối 8/4, cô con gái út 15 tuổi bắt đầu có dấu hiệu ho, sốt, chảy nước mũi. Cả đêm hôm ấy, cô bé sốt cao không dứt. Người phụ nữ 47 tuổi thức trắng cùng con trong tâm trạng hoảng sợ. Nhấc điện thoại báo tin cho y tế địa phương, chị N. lúc này vẫn cố gắng trấn an bản thân bởi con gái không trực tiếp gặp ca dương tính.

Rạng sáng 9/4, hai mẹ con được đưa lên xe cấp cứu, chuyển cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và lấy mẫu xét nghiệm.

Một ngày sau, cháu bé có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Người phụ nữ 47 tuổi đã bật khóc ngay thời điểm nhận thông tin về con. “Tôi hoảng loạn, thương và lo cho con rất nhiều. Tôi chỉ nghĩ, giá tôi có thể chịu mọi mệt mỏi thay cháu thì tốt biết bao”, chị N. xúc động nhớ lại.

Ngày 11/4, chị N. cũng nhận tin mắc Covid-19. Bốn hôm sau, người chồng của chị có kết quả khẳng định dương tính nCoV-2 sau 2 lần test âm tính.

Những tin dữ liên tiếp ập đến khiến chị N. suy sụp. Chị thừa nhận, đây là cú sốc lớn nhất với gia đình chị từ trước đến nay.

“Cả nhà 4 người chúng tôi chưa từng có ai ốm nặng tới nỗi phải điều trị nội trú cả. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhập viện, lại rơi vào hoàn cảnh này”, chị N. tâm sự.

Buồn bã, áp lực đến “không thể diễn tả nổi” là tâm lý của chị N. trong suốt những ngày điều trị tại viện. Chị N. thức trắng nhiều đêm, tới nỗi đôi mắt thâm quầng.

Trong những ngày mệt mỏi nhất, suy nghĩ phải gượng dậy để làm gương cho con và sự cổ vũ của gia đình chính là nguồn động viên giúp người phụ nữ 47 tuổi vượt qua khủng hoảng.

Sau khi có kết quả dương tính, bác sĩ sắp xếp cho hai mẹ con chị N. ở cùng một phòng, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo khoảng cách giường bệnh 2m, hạn chế tiếp xúc. Người chồng ở cùng khoa điều trị nhưng khác phòng.

Khoảng 2 đến 3 ngày một lần, khi đi lấy mẫu xét nghiệm, chị N. có thể thoáng chút nhìn thấy chồng qua ô cửa kính phòng bệnh. Anh chị thường gật đầu động viên nhau mỗi lúc như vậy. Chị N. bảo, những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy tiếp thêm sức mạnh cho chị rất nhiều.

Mỗi ngày, khi được chứng kiến sức khỏe của chồng và con gái tiến triển tốt lên, chị N. dần gỡ bỏ được tâm lý nặng nề. Gia đình 4 người của chị với 3 người điều trị tại bệnh viện và cậu con trai cả ở khu cách ly tập trung vẫn gọi video hàng ngày để cổ vũ tinh thần lẫn nhau. Sau 14 ngày cách ly, con trai chị N. hiện đã được về nhà trong trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh.

Chị N. thú thực, phải đến khi cảm thấy tất cả người thân đều ổn, chị mới bắt đầu có được những giấc ngủ trọn vẹn.

Chị N. chỉ có triệu chứng đau rát họng khá nhẹ trong những ngày trở bệnh. Ngoài uống thuốc, chị được yêu cầu súc họng thường xuyên để loại bỏ virus. Sau khoảng hơn 1 tuần điều trị, triệu chứng của chị N. đỡ dần rồi khỏi hẳn.

{keywords}
Bệnh nhân 258 (ngoài cùng bên phải) trong buổi lễ công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 25/4

Chị có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV lần 1 ngày 20/4, lần 2 ngày 23/4 và được công bố khỏi bệnh ngày 25/4 cùng nhiều bệnh nhân Covid-19 khác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2.

Mong ước lớn nhất của chị N. là chồng và con gái mau khỏi bệnh để gia đình sớm được đoàn tụ, cùng trở lại cuộc sống bình thường.

Chị N. cũng tâm sự, bản thân chị hay cả gia đình không hề trách bệnh nhân 243. Trái lại, chị rất buồn khi đọc được những bình luận chửi bới, trách móc trường hợp này hay nhiều bệnh nhân Covid-19 khác.

“Với căn bệnh này, không ai nói trước được điều gì, anh ấy hay gia đình chúng tôi mắc bệnh cũng là điều không may mắn. Tôi mong mọi người hiểu và thông cảm cho anh ấy”, chị N. nói.

Nguyễn Liên

Bệnh nhân Covid-19 sáng chế máy rửa tay tự động khi nằm điều trị

Bệnh nhân Covid-19 sáng chế máy rửa tay tự động khi nằm điều trị

 - Chiếc máy tính cá nhân vẫn luôn sáng điện cả ngày. Giường bệnh trở thành bàn làm việc. Tiến sĩ Dũng đã khiến hơn 1 tháng điều trị trong khu cách ly của mình trở nên vô cùng ý nghĩa.