Ngày 28/1, Bệnh viện Dã chiến số 1 Hải Dương (đặt tại TTYT TP. Chí Linh) được thành lập với mục đích thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngày 28/2, Bệnh viện Dã chiến số 1 giải thể, 65 bệnh nhân Covid-19 cuối cùng chuyển sang Bệnh viện dã chiến số 3 (Trường ĐH Sao Đỏ cơ sở 2) tiếp tục theo dõi.

Sự kiện này đánh dấu bước chuyển quan trọng, đưa TP Chí Linh sẵn sàng trở lại trạng thái bình thường sau ngày 2/3. TTYT TP. Chí Linh sẽ trở lại hoạt động khám, chữa bệnh bình thường cho hơn 170.000 người dân tại Chí Linh.

Ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc TTYT TP. Chí Linh, đã có những chia sẻ với VietNamNet sau sự kiện đặc biệt này. 

{keywords}
Ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc TTYT TP. Chí Linh trước thời điểm các lượt bệnh nhân Covid-19 cuối cùng rời Bệnh viện dã chiến số 1 - Ảnh: Nguyễn Liên

Ngày các lượt bệnh nhân Covid-19 cuối cùng rời khỏi Bệnh viện dã chiến số 1 cũng vừa tròn 1 tháng kể từ thời điểm TTYT TP. Chí Linh gấp rút giải phóng bệnh nhân thường, thành lập Bệnh viện dã chiến. Cảm xúc của ông hiện tại như thế nào?

Tôi rất vui vì Bệnh viện dã chiến số 1 đã có chiến thắng vẹn tròn. Chiến thắng thứ nhất là tất cả hơn 300 bệnh nhân Covid-19 chúng tôi tiếp nhận đều có sức khỏe rất tốt. 24 ca diễn tiến nặng được phát hiện sớm, chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị, tới nay đều an toàn.

Chúng tôi đã cho ra viện 186 bệnh nhân. 65 bệnh nhân cuối cùng chuyển sang cơ sở mới chỉ có một số trường hợp tổn thương phổi rất nhẹ, không có rối loạn đông máu, kết quả xét nghiệm đều bình thường. Hiện một số người đã âm tính SARS-CoV-2 từ một tới hai lần.

Niềm vui thứ hai là không có nhân viên y tế nào bị lây chéo. Thành công này làm cho kết quả điều trị trọn vẹn hơn.

Cuối cùng, niềm vui lớn nhất là việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân Chí Linh sẽ trở lại bình thường, không “tạm bợ” như thời gian vừa qua nữa. 28/2 cũng là sinh nhật tôi. Đây là món quà sinh nhật lớn nhất, ý nghĩa nhất từ trước tới nay tôi nhận được.

Thời gian qua, chúng tôi vẫn khám từ xa, kê đơn và gửi thuốc cho các bệnh nhân mạn tính không thể vào viện điều trị. Tôi luôn nói với nhân viên, đừng bỏ mặc người dân trong lúc hoạn nạn. Bởi nếu đi rồi, họ có thể không quay lại với mình nữa mà chỉ lên tuyến trên điều trị.

{keywords}
 
{keywords}
Các bệnh nhân Covid-19 cuối cùng rời Bệnh viện dã chiến số 1 chiều 28/2 - Ảnh: Nguyễn Liên

Kế hoạch cụ thể của TTYT. TP Chí Linh trong thời gian tới, khi Bệnh viện dã chiến số 1 giải thể là gì, thưa ông?

Chiều ngày 28/2, sau khi chuyển hết bệnh nhân đi, chúng tôi cho khử khuẩn toàn bộ bệnh viện lần 1. Sáng ngày 1/3, tiến hành khử khuẩn lần 2, chiều 1/3 sẽ phun lần 3. Việc khử khuẩn được giao cho quân đội.

Ngay khi nhận quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 1, tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng kế hoạch cho “hậu chiến” sau Covid-19. Từ ngày 25 Tết (ngày 6/2), 1/3 nhân lực của bệnh viện (gần 100 người) được cho nghỉ tại nhà, trong đó có một Phó Giám đốc.

Ngay khi Bệnh viện dã chiến số 1 hoàn thành sứ mệnh, nhóm y bác sĩ tham gia điều trị Covid-19 (khoảng 150 người) đi cách ly tập trung, nhóm dự bị này sẽ triển khai công tác khám chữa bệnh cho nhân dân Chí Linh.

Nhân lực sắp tới đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân Chí Linh ở mức bình thường. Một số kỹ thuật cao như mổ nội soi, nội soi đại tràng, dạ dày, tạm thời chúng tôi chưa triển khai được.

Để đảm bảo an toàn tối đa, sau ngày 2/3, khi Chí Linh bước vào trạng thái bình thường mới, TTYT TP. Chí Linh sẽ triển khai 1 phòng khám trong 1 - 2 tuần, sau đó mới tiếp nhận bệnh nhân.

Điều lo lắng lớn nhất của ông khi TTYT TP. Chí Linh trở lại hoạt động bình thường là gì?

Tôi nghĩ bệnh viện vẫn là nơi rủi ro về lây nhiễm rất lớn vì khi ốm đau, ho, sốt, người ta sẽ đi khám. Nhiều bệnh nhân không biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm mới phát hiện mắc Covid-19. Nếu không thực hiện phòng chống dịch thật tốt, để lọt bệnh nhân thì có thể bệnh viện lại phải đóng cửa.

Hiện chúng tôi đã xây dựng phương án phân luồng rất kỹ. Người bệnh tới khám được sàng lọc 3 vòng, vòng ngoài cổng, cửa phòng khám và vòng trong. Bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 sẽ có lối đi riêng, khu khám bệnh riêng.

{keywords}
Các bệnh nhân Covid-19 được Bệnh viện dã chiến số 1 công bố khỏi bệnh ngày 21/2 - Ảnh: Phạm Công

Bản thân ông và các đồng nghiệp tại TTYT TP. Chí Linh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm nào sau 1 tháng điều trị bệnh nhân Covid-19?

Một trong những bài học giá trị nhất với chúng tôi là về điều trị và xây dựng kế hoạch. Thực tế điều trị bệnh Covid-19 khác rất xa với các bệnh thông thường. Chẩn đoán bệnh này không phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng mà phụ thuộc vào hình ảnh cắt lớp và xét nghiệm.

Chúng tôi nhận ra chỉ có chụp Xquang cắt lớp mới xác định được tổn thương phổi nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, điều mà Xquang thường không thể làm được. Từ kết quả này, bác sĩ mới tiên lượng nên điều trị theo hướng nào, có cần cho dùng kháng sinh ngay hay không.

Thứ hai, phải có xét nghiệm mới khẳng định được bệnh nhân mệt do tâm lý, do thay đổi chế độ ăn, thiếu nước,… hay do đông vón mạch máu để cho sử dụng thuốc chống đông.

Chúng tôi cũng nhận ra việc xây dựng kế hoạch cho lực lượng vòng trong, vòng ngoài, hậu cần, hành chính rất quan trọng. Thực tế, TTYT Chí Linh đã xây dựng các kế hoạch cho việc xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 từ trước đây rất lâu nên không quá rối về vấn đề sắp xếp nhân lực.

Ngay với đội lấy mẫu, cách đây 6 tháng, chúng tôi đã cho tất cả điều dưỡng đi học về công tác lấy mẫu. Đồng thời, mời từ các trạm y tế cơ sở mỗi nơi 2 nhân viên đi học cùng để trong trường hợp cần thiết có thể huy động. Đợt vừa rồi, đội lấy mẫu có lúc huy động lên tới 100 người, tất cả những nhân viên này đều tham gia.

{keywords}
Nhân viên TTYT TP. Chí Linh trước giờ lên đường lấy mẫu cộng đồng ngày 14/2 - Ảnh: Phạm Công

Ông đánh giá như thế nào về quan điểm hoàn toàn có thể giữ bệnh nhân Covid-19 điều trị ở tuyến huyện? Những bệnh viện tuyến huyện nên có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng tốt nhất nếu dịch bùng phát?

TTYT. TP Chí Linh là cơ sở y tế tuyến huyện. Sau thời gian trực tiếp xây dựng và vận hành Bệnh viện dã chiến, tôi khẳng định tuyến huyện đủ khả năng điều trị Covid-19. Tất nhiên, phải “mở ngoặc” là những ca diễn tiến từ trung bình trở về nhẹ.

Với bệnh nhân nặng, phải thở máy hay chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) thì vẫn phải chuyển tuyến trên, tuy nhiên những trường hợp đó không nhiều.

Theo tôi, tuyến huyện nếu muốn điều trị bệnh nhân Covid-19 tốt cần được các bệnh viện tuyến trung ương (như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai,…) tập huấn từ trước. Mỗi cơ sở tuyến huyện cử một kíp y bác sĩ đi học, ít nhất phải có từ 2 bác sĩ, 3-4 điều dưỡng được tập huấn.

Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, kíp này có thể triển khai điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn tại chỗ. Trường hợp diễn tiến nặng sẽ chuyển tuyến hoặc mời bác sĩ tuyến trung ương hỗ trợ.

Bệnh viện tuyến huyện nào cũng có Khoa Lây (Khoa Truyền nhiễm) với khoảng vài chục giường bệnh. Khu này có thể đáp ứng điều trị trước mắt nếu số lượng bệnh nhân không nhiều, khi dịch bùng mạnh mới nhờ Trung ương chi viện. Tôi nghĩ nếu làm tốt vấn đề này, các cơ sở y tế tuyến huyện sẽ không còn bị động.

Đặc biệt, có một việc quan trọng và nên làm ngay là tập huấn lấy mẫu cho nhân viên y tế địa phương, tập huấn càng rộng càng tốt. Việc chủ động về lấy mẫu, người lấy mẫu, chủ động về điều trị là điều rất nên làm.

Nguyễn Liên

Những bệnh nhân cuối cùng rời khỏi Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương

Những bệnh nhân cuối cùng rời khỏi Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương

Hôm nay 28/2, Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương (TTYT TP. Chí Linh) đã chuyển 65 bệnh nhân Covid-19 cuối cùng sang Bệnh viện dã chiến số 3 (Trường ĐH Sao Đỏ cơ sở 2).