Sinh ngày 16/3/1926 tại Thái Bình, Giáo sư Vũ Triệu An là người có công lớn trong ngành sinh lý bệnh học và miễn dịch học của Việt Nam. Ông trưởng thành trong lúc các phong trào thanh niên yêu nước ở Thái Bình và tưởng nhớ Cụ Phan Chu Trinh phát triển cao trào.

Bởi vậy, ông đã sớm tham gia các hoạt động do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Lê Quý Đôn. Những người cùng tham gia với ông thời đó có ông Việt Phương (sau này là thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng) hoặc nhà báo Hữu Thọ (sau này là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương của Đảng).

Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông lên chiến khu và theo học tại Đại học Y Hà Nội sơ tán tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Sau đó, ông đi thực tập phục vụ chiến trường tại Đoàn giải phẫu lưu động mặt trận phía Nam đường số 5, tại làng Phạm Xá, huyện Thanh Miện, Hải Dương (1947); Trung đoàn 42, tại Thái Bình (1948) ; Quân y Viện Khu 3, tại làng Khuốc, Thái Ninh, Thái Bình (1949).

Từ 1950 tới 1954, ông là bác sĩ điều trị Phân viện Quân y VII và V, tại làng Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

{keywords}

Giáo sư Vũ Triệu An là người thầy của nhiều bác sĩ tài năng

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, từ 1954 tới 1959, ông là Trưởng khoa Nội A3; Khoa Truyền máu Quân y viện Trung ương 108. Từ năm 1956 tới 1959, ông được biệt phái bán thời gian để xây dựng Khoa Sinh lý bệnh lý, Đại học Y Hà Nội.

Từ năm 1958, ông được giao phụ trách Bộ môn Sinh lý bệnh, Đại học Y Hà Nội; năm 1966 là Phó Chủ nhiệm và sau là Chủ nhiệm Bộ môn này. Năm 1999, ông nghỉ quản lý và làm chuyên gia cao cấp của Đại học Y Hà Nội đến năm 2004.

Khi nghỉ quản lý hoặc nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài hướng dẫn các cán bộ trẻ trong bộ môn và các nghiên cứu sinh làm các đề tài nghiên cứu khoa học. Ông còn được Bộ Y tế mời tham gia Hội đồng chuyên môn trung ương về ghép tạng.

Trong 95 năm cuộc đời, Giáo sư Vũ Triệu An có gần 70 năm phục vụ trong ngành y tế Việt Nam. Ông đã có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp giáo dục y học và nghiên cứu khoa học.

Tập hợp những công trình nghiên cứu của ông về sản xuất các chế phẩm miễn dịch học dùng cho chẩn đoán đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì năm 1998.

Không chỉ vậy, ông đã đào tạo nên nhiều học trò công tác trong các trường đại học và các viện nghiên cứu y học khắp mọi miền của đất nước. Ông đã miệt mài xây dựng nên chuyên ngành Sinh lý bệnh học - Miễn dịch học của y học Việt Nam.

Hầu hết những người đồng nghiệp và học trò đều có một cảm nhận mến phục Giáo sư An là con người có tư duy khoa học khách quan và tính tình cương trực.   

Ông để lại nhiều bài học sâu sắc, đặc biệt là tư duy biện chứng về nghiên cứu bệnh học. Ông luôn đề cao tư tưởng y học phải dựa trên trên thực chứng. Ông dạy học trò, nghiên cứu y học bắt đầu từ những nhận xét trong cuộc sống của con người nhưng cần phải qua thực nghiệm để rút ra những bằng chứng khoa học rồi mới áp dụng rộng rãi cho người bệnh.

Ông thường nhấn mạnh và ca ngợi những tấm gương của các nhà thực nghiệm y học như Claude Bernard, Ivan Pavlov…

{keywords}

Giáo sư Vũ Triệu An trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ môn Sinh lý bệnh - Miễn dịch

Tư duy trong bài nhập môn Sinh lý bệnh học của Giáo sư An chẳng những có tính lâu dài, chắc chắn trong chuyên môn y học mà còn có tính cao cả trong đạo lý y học khi thầy thuốc phải luôn cẩn trọng trước sinh mạng người bệnh.

Đạo đức y học được thể hiện tập trung và cô đọng ở hai điểm: một là phải sẵn sàng và tận tâm cứu chữa người bệnh, hai là không được phép biến sự đau khổ về thể chất và tinh thần của người bệnh thành cơ hội tạo vinh hoa phú quý cho bản thân mình.

Bác sĩ phải coi trọng thực nghiệm trước khi áp dụng cho con người và coi trọng thực chứng khách quan trong chẩn đoán và chữa bệnh là những biểu hiện tôn trọng sinh mạng của người bệnh.

Điều này không chỉ có giá trị trong quá khứ mà còn là nguyên lý tối cao của đạo đức y học. Điều này rất có ý nghĩa với các thầy thuốc trẻ hiện nay khi công nghệ cao được phát triển, người bệnh một mặt được thụ hưởng, nhưng mặt khác cũng dễ bị biến thành “vật” thử nghiệm. 

Tư duy biện chứng trong nghiên cứu y học của ông còn được thể hiện trong việc chọn các đề tài nghiên cứu. Theo ông, “đã là nghiên cứu thì phải có cái mới, không có cái mới sao gọi là nghiên cứu”. Nghiên cứu cũng phải mang lại hiệu quả trong ứng dụng chẩn đoán và điều trị nghĩa là phải gắn với mục đích của y học và mang lại lợi ích cho người bệnh.

Giáo sư An là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam đề xuất việc sản xuất các chế phẩm sinh học, đặc biệt là các chế phẩm miễn dịch học dùng vào mục đích chẩn đoán bệnh.

Trong nhiều thành công có phát hiện ra kháng nguyên Au bằng kỹ thuật miễn dịch đối lưu trong máu người Việt Nam (sau đổi tên thành kháng nguyên HbsAg - dấu ấn để phát hiện nhiễm virus viêm gan B) và cảnh báo mức độ nhiễm virus viêm gan B cao ở người Việt Nam. Ngoài ra, còn có phát hiện kháng nguyên alpha-fetoprotein ở người ung thư gan nguyên phát - bệnh rất phổ biến ở Việt Nam.

Cụm công trình góp phần sản xuất các chế phẩm sinh học của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Ngoài tư duy biện chứng trong nghiên cứu khoa học, tính khách quan và cương trực của ông còn được thể hiện trong những dịp thảo luận học thuật  y học. Thế hệ của Giáo sư Vũ Triệu An và các bạn đồng liêu của ông đã chứng kiến các cuộc đấu tranh cho chân lý của các luận thuyết sinh y học.

Tính khách quan và cương trực của ông còn được thể hiện trong các ý kiến sắc sảo về quản lý khoa học. Có những thời điểm, các phòng thí nghiệm dưới danh nghĩa “hiện đại hóa” được xây dựng nhưng hoạt động không có hiệu quả, bị dư luận phê phán là trang bị “để làm triển lãm”.

Trong nhiều hội nghị, Giáo sư Vũ Triệu An đã phê phán những biểu hiện hình thức và lãng phí đó. Ông dậy học trò: phải có chủ đề khoa học thì mới chọn công nghệ, từ đó đi tìm loại máy thích hợp để mua.

Ngày nay, chúng ta hay nói tới chống tham nhũng và lãng phí, nhưng lãng phí trong mua sắm trang thiết bị cho khoa học được ngụy trang dưới ngôn từ như “thực hiện chủ trương hiện đại hóa cơ sở”. Ít ai biết và dám “động” đến các sự việc được mang “tính chủ trương” ấy.

Hơn nữa, trang bị nghiên cứu khoa học thường đắt tiền, không phải ai cũng thạo việc mua sắm để giám sát, ngăn cản được sự lắt léo.

Quan điểm của ông trái với việc làm của một số người lúc đó. Họ mua máy móc rồi để “đắp chiếu” vì không biết dùng với mục đích gì, chỉ nhằm khoe rằng cơ sở rất hiện đại.  Bởi vậy, sự phê phán của ông đã làm phật ý một số lãnh đạo.

{keywords}

GS Nguyễn Khánh Trạch, GS Vũ Triệu An, GS Bùi Xuân Tám đi thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Ở ông, sự khách quan và cương trực không chỉ có trong tư duy khoa học mà còn thể hiện trong quan hệ hàng ngày với bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Không bênh vực ai khi chưa rõ chứng cứ, không trù ghét ai đến mức cay nghiệt, ngay cả với người có thành kiến với mình. Có lẽ một mặt là cương trực và mặt kia là tha thứ, khoan dung; hai mặt này trong con người ông song hành và cộng hưởng với nhau.

Giáo sư Vũ Triệu An ít khi thể hiện chính kiến của mình bằng các bài viết về chính trị. Ông quan tâm nhiều hơn đến chuyên môn khoa học kỹ thuật, ông luôn kiệm lời, không phát biểu theo kiểu “a dua” khi tranh luận về thời sự - chính trị. Vì lẽ ấy nên cũng có người nghĩ ông không cởi mở về chính kiến thời cuộc. Nhưng ở ông, đạo lý y học và đạo lý chính trị có những nét biểu hiện tương đồng, đó là tính khách quan và cương trực.

Ông không phải là Đảng viên. Nhưng trong ngành y đã có Giáo sư Tôn Thất Tùng, một người thầy lớn của y học Việt Nam, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chú ở ngoài Đảng cũng là phục vụ Đảng”. Có lẽ trường hợp của Giáo sư Vũ Triệu An cũng như vậy. Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Huân chương Độc lập hạng hai mà Đảng và Nhà nước đã tặng cho ông là một minh chứng cho lập luận này.

Nói đến mục đích của môn học Sinh lý bệnh học là người ta nghĩ đến việc tìm ra quy luật trong bệnh học. Để được công nhận là quy luật thì các lập luận phải có tiêu chí khách quan và trung thực. Tính cách của Giáo sư Vũ Triệu An đã dẫn dắt ông đến với môn Sinh lý bệnh học và đã góp phần rất to lớn cho sự hình thành và phát triển môn học này trong y học ở Việt Nam. Ngược lại, say mê cống hiến cho sự phát triển của môn học này lại là cơ hội để bản lĩnh của Giáo sư An thêm kết chín và thể hiện một cách đầy đủ trước tất cả đồng nghiệp và học trò.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Học trò của Giáo sư Vũ Triệu An

TP.HCM, những ngày Thầy đã trên giường bệnh