Trong 2 giờ, các chuyên gia đã giải đáp mọi thắc mắc về bệnh dại, tư vấn cách xử trí đúng khi bị chó mèo nghi dại cắn...

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Tại Việt Nam, bệnh dại (chủ yếu từ chó) đã lưu hành trong nhiều năm, cướp đi nhiều mạng sống. Riêng giai đoạn từ năm 2011-2015, mỗi năm có khoảng 400.000 người bị chó nghi mắc dại cắn và khoảng 90 người tử vong do bệnh dại; tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Theo Bộ Y tế, về cơ bản nước ta đã khống chế được bệnh dại trên toàn quốc, với số trường hợp tử vong do bệnh dại đã giảm xuống còn khoảng dưới 100 trường hợp tử vong/năm vào những năm 2010 trở lại đây. Tuy nhiên, số tỉnh có ca bệnh dại không giảm và vẫn còn một số tỉnh, thành có số tử vong cao do dại. Phí tổn điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hiện vẫn ở mức hơn 300 tỷ đồng mỗi năm (chưa kể tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân).

Các chuyên gia vệ sinh dịch tễ cho rằng, sở dĩ bệnh dại chưa thể loại trừ, là do đàn chó nuôi ở Việt Nam chưa giảm; chó chủ yếu nuôi thả rông, không rọ mõm, không được tiêm phòng. Ngay cơ quan thú y cũng không thống kê được số ổ dịch chó dại và số chó chết vì bệnh dại. Nhiều người không thấy nguy cơ mất mạng vì chó cưng mà mình nuôi; đa số không biết xử lý vết thương cho đúng khi bị chó dại hoặc nghi dại cắn.

{keywords}

Bà Hoàng Thị Bảo Hương, Phó TBT Báo VietNamNet tặng hoa các khách mời. Ảnh: LAD

Để giải đáp mọi thắc mắc của bạn đọc về bệnh dại, cung cấp những thông tin hữu ích về căn bệnh nguy hiểm này, từ đó chung tay khống chế và loại trừ bệnh dại, báo VietNamNet phối hợp Bộ Y tế tổ chức Giao lưu trực tuyến Phòng chống bệnh dại.

Khách mời:

- PGS.TS Hoàng Văn Tân - Phó chủ nhiệm thường trực Dự án khống chế & loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bộ Y tế.

- ThS. Nguyễn Thị Hường - Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm , Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

- TS. Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Nhận biết dấu hiệu bệnh dại, sơ cứu đúng

Nguyễn Xuân Thắng , Nam - 50  Tuổi

Khi bị chó dại cắn, người bệnh cần phải làm gì ngay ?Khi nào cần tiêm vacxin phòng bệnh dại ? Xin cảm ơn !

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Người bị động vật (chó) nghi dại cắn phải sơ cứu rửa ngay vết thương bị cắn bằng cách: xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào với nước và xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 10-15 phút (tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy); Sau đó rửa lại bằng cồn hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.

Tại gia đình có thể sử dụng các thứ sẵn có trong nhà như xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm, rượu, cồn để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. (Lưu ý là không bôi dầu hỏa, dầu cao hoặc đắp lá, đắp thuốc kín vết thương).

Sau khi sơ cứu vết thương, việc cần làm tiếp theo là:  người bị chó cắn đến ngay các “Điểm tiêm văc xin phòng dại” để được khám, xử lý tiếp vết thương (nếu cần) và tiêm văc xin điều trị dự phòng bệnh dại.

{keywords}

Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: LAD


Xuân Ánh, Nam - 44  Tuổi

Nếu trẻ con vô tình bị chó, mèo mắc bệnh dại cào xước mà không nói với người thân thì nguy cơ mắc bệnh mà không tiêm phòng sẽ rất cao đúng không ạ? Có cách nào để biết sớm các trường hợp mắc bệnh dại hay không?

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Đúng là như vậy. Trong số các ca tử vong do bệnh dại trong 5 năm qua, có một vài trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình và đã bị tử vong do mắc bệnh dại. Đầu năm 2016 cũng có 1 cháu trai (13 tuổi, dân tộc Tày ở xã Mường Bảng, Mai Sơn, Sơn la) bị chó cắn vào đầu nhưng không nói với gia đình và đã bị chết do bệnh dại (ngày 15/1/2016).

Hiện nay vẫn chưa có cách nào để phát hiện sớm được bệnh dại trên người. Các xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh dại chỉ thực hiện được vào thời kỳ phát bệnh của bệnh dại.

Trần Bá Bình An , Nam - 33  Tuổi

Tôi nghe nói chích ngừa dại sẽ gây mất trí nhớ, điều này có đúng không. Xin các chuyên gia giải thích dùm vấn đề này. Ngoài ra, khi chích ngừa dại thì con người có bị tác dụng phụ gì không? Xin cám ơn

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Vắc xin dại tế bào thế hệ mới hiện nay khi tiêm phòng không ảnh hưởng đến trí thông minh của người bệnh và không thể gây ra bệnh dại vì chủng vi rút dại trong vắc xin đã bị bất hoạt hoàn toàn.

Có thể có một số phản ứng ở mức độ nhẹ xảy ra sau khi tiêm văcxin dại như: đau, quầng đỏ, sưng  ngứa và nổi cứng tại nơi tiêm. Ở một số người cũng có thể có các triệu chứng toàn thân như: sốt vừa, đau đầu, chóng mặt, đau cơ, khớp, buồn nôn. Nhưng tất cả các phản ứng này chỉ là tạm thời và sẽ tự khỏi, hiếm khi cần đến thuốc. Bệnh nhân tiêm văc xin dại cần biết về các phản ứng phụ có thể xảy ra này, nhưng họ phải được tư vấn rằng phải tiếp tục tiêm văc xin ngay cả khi có những phản ứng phụ tại chỗ hoặc toàn thân.

Lê Văn Thành , Nam - 31  Tuổi

Bác sĩ cho tôi hỏi, khi bị chó hoặc mèo cắn, vậy có cách nào mình nhận biết được chó, mèo đó bị dại. Và cơ thể mình khi bị chó, mèo dại cắn có những biểu hiện gì?

Ông Nguyễn Ngọc Tiến: Thông thường, chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, đến gần chủ miễn cưỡng hoặc trái lại, tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi; hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí. 

Các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài. Vết thương nơi bị cắn ngứa, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu. Chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, dãn đồng tử, con vật có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được; chó bắt đầu chảy nước dãi, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt, cắn vu vơ, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng (2 - 3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người. Đôi khi cũng gặp trường hợp thể dại câm tức là không lên cơn dại điên cuồng, con vật có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa người hoặc hai chân sau, liệt cơ hàm... 

Người bị lên cơn dại thường có biểu hiện như sau:

- Đau hoặc ngứa ở vết cắn.

- Sốt, mệt mỏi kéo dài 2-3 ngày.

- Sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.

- Vật vã, kích thích, mất ngủ hoặc có biểu hiện liệt.

- Tăng tiết nước bọt, vã nhiều mồ hôi.

Nguyệt Hằng , Nữ - 46  Tuổi

Các nguồn lây nhiễm bệnh dại là gì thưa chuyên gia? Cháu tôi ở nhà trọ sinh viên, bị chuột cắn vào chân có cần xử lý gì không? Cách xử lý như thế nào xin chuyên gia hướng dẫn giúp

 ThS Nguyễn Thị Hường: Các nguồn lây nhiễm bệnh dại cho con người chủ yếu là do bị chó dại cắn (95%) còn lại là mèo và các súc vật khác. Đến nay chưa ghi nhận TH nào bị bệnh dại do chuột cắn. Tuy nhiên, Chuột có thể truyền nhiều bệnh cho con người ví dụ như bệnh dịch hạch, bệnh sốt xuất huyết do virus Hanta.... bạn nên đưa cháu đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể và điều trị nếu cần.

Bạn có thể xử lí vết cắn trước khi đến cơ sở y tế bằng cách: rửa vết thương dưới vòi nước chảy bằng xà phòng, tuyệt đối không nặn máu từ vết thương.

Nguyễn Thị Thúy , Nữ - 23  Tuổi

Giáo sư cho em hỏi, có thể tiêm phòng bệnh dại trước khi bị động vật dại cắn không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không bởi em thấy ngày nay nhiều người vẫn đi tiêm vác xin phòng chống ung thư, viêm gan B, sởi, quai bị...

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Có thể tiêm vắc xin phòng bệnh dại trước khi bị chó cắn (tiêm phòng trước phơi nhiễm). Việc tiêm này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, vắc xin dại vẫn được chỉ định tiêm phòng trước phơi nhiễm cho một số đối tượng có nguy cơ cao tiếp xúc với bệnh dại như: những người làm trong phòng thí nghiệm có tiếp xúc với virus dại, cán bộ thú y, người chăm sóc thú, người làm nghề giết mổ chó mèo...

{keywords}

PGS.TS Hoàng Văn Tân giải đáp các thắc mắc của bạn đọc. Ảnh: LAD

Công Tú Dương , Nam - 32  Tuổi

Bác sĩ cho em hỏi khi bị bệnh dại rồi thì có cách nào chữa không hay chỉ chờ chết ạ? Bệnh dại có lây từ người này sang người khác không?

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh dại một khi đã phát bệnh. Hầu như không thể làm gì được ngoài việc giữ cho bệnh nhân giảm đau đớn, lo sợ và ra đi nhẹ nhàng hơn.

Bệnh dại không lây trực tiếp từ người sang người vì bệnh nhân bị bệnh dại rất hiếm khi cắn người khác, tuy nhiên trong nước bọt của người bị dại có chứa nhiều vi rút dại nên khi chăm sóc người bệnh dại cần chú ý tránh tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của bệnh nhân.

Nguyễn Thu Phương , Nữ - 25  Tuổi

Tôi nghe nói, bị dơi cắn cũng có thể bị bệnh dại? Điều này có đúng không ạ? Các nguồn lây bệnh dại là gì thưa chuyên gia?

ThS Nguyễn Thị Hường: Bên cạnh động vật nuôi như chó mèo hay các súc vật khác thì một số động vật hoang dã cũng có thể truyền bệnh dại cho người trong đó có dơi. Tuy nhiên ở Việt Nam, hệ thống giám sát dịch bệnh của Bộ Y Tế và Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn chưa phát hiện sự lưu hành virus dại trên động vật hoang dã. 

Phạm Thanh Tâm , Nữ - 45  Tuổi

Cho em hỏi, khi bị chó lạ cắn, bản thân mình không biết con chó nó ở đâu thì có nên đi tiêm phòng ngay không? Trong trường hợp muốn đến kiểm tra xem vết cắn có phải súc vật dại không thì cơ sở y tế nào có khả năng kiểm tra đúng ạ? Cần làm những xét nghiệm gì ạ?

ThS Nguyễn Thị Hường: Khi bị chó lạ cắn mà bạn không thể theo dõi được tình trạng cuả con chó do không biết nó ở đâu thì bạn cần đến cơ sở y tế để tiêm phòng ngay. Hiện tại không có xét nghiệm nào có thể xác định được liệ bạn có bị mắc bệnh dại hay không ngay sau khi bị cắn. thường thì chỉ khi người bệnh bị lên cơn dại mới cho kết quả xét nghiệm dương tính. Vì vậy bạn không nên đến các thầy lang để chẩn đoán có phải bệnh dại hay không bằng các biện pháp lạc hậu như là đắp thuốc vào vết cắn ...

{keywords}

ThS Nguyễn Thị Hường trả lời trực tuyến tại tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh: LAD


Tiêm vắc-xin phòng dại, lợi hay hại

Viet Nga , Nữ - 30  Tuổi

Nhiều người cho rằng, tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó cắn sẽ khiến người bệnh không thông minh, thậm chí bị dại theo. Điều này có thật hay không? Mức độ nguy hiểm của vắc xin phòng dại là như thế nào?

ThS Nguyễn Thị Hường: Các loại vắc xin phòng bệnh dại cho người thế hệ cũ từ nhiều năm trước thường gây ra nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên đến nay chưa ghi nhận một TH nào bị mắc bệnh dại hoặc ảnh hưởng đến trí tuệ do tiêm vắc xin. Hiện nay, các vắc xin thế hệ mới rất an toàn và có hiệu quả cao, hầu như không gây ra tác dụng phụ cho người sử dụng. Nếu có thì chỉ là tác dụng phụ nhẹ tùy theo loại vắc xin nhưng không đáng kể. Các Vắc xin thể hệ mới hầu như không có chống chỉ định đối với bất cứ TH nào kể cả đối với phụ nữ có thai hay cho con bú.

Vì vậy các bạn nên đến cơ sở ý tế để được tư vấn và tiêm phòng (Nếu cần) khi bị chó mèo cắn.

Thanh Hoa , Nữ - 48  Tuổi

Cách đây 12 năm, cháu họ tôi bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại. Sau đó cháu lên đại học rồi phát bệnh tâm thần. Cả nhà cứ bảo đó là do ngày xưa tiêm vắc xin phòng dại nên bị ảnh hưởng đến thần kinh. Xin chuyên gia giải đáp giúp. Xin cảm ơn

ThS Nguyễn Thị Hường: Người bị mắc bệnh tâm thần do rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên không có nguyên nhân nào là do tiêm vắc xin phòng dại nhất là từ sau năm 2000, Việt Nam đã nhập các vắc xin thế hệ mới với độ an toàn và hiệu quả cao. Vắc xin thế hệ mới này là vắc xin bất hoạt hầu như không gây ra tác dụng phụ và được khuyến cáo sử dụng cho hầu hết mọi người. Vì vậy nếu cháu của bạn bị phát bệnh tâm thần cần đưa cháu đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần khám để tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng bệnh để phục hồi.

Tran Toan , Nam - 35  Tuổi

Trong thời gian tiêm phòng dại có phải kiêng khem gì không thưa chuyên gia?

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Trong thời gian tiêm phòng dại (điều trị dự phòng bệnh dại) không được sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như các thuốc dạng steroids, chloroquine (thuốc chống sốt rét) và các thuốc điều trị ung thư.

Không hạn chế chế độ ăn hay loại thức ăn nào trong đợt điều trị bằng vắc xin.

Chu Thanh Nga , Nữ - 25  Tuổi

Em năm nay 25 tuổi, và từng bị chó dại cắn cách đây 3 tháng. Em có đi tiêm phòng. Tuy nhiên, hiện giờ em muốn mang thai nhưng rất lo lắng không hiểu sau khi tiêm một thời gian ngắn như vậy thì có ảnh hưởng đến việc mang thai và sự phát triển của thai nhi hay không ạ. Bác sĩ tư vấn giúp em, hiện em đang rất băn khoăn.

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe và thai nhi vì vắc xin dại tế bào hiện nay rất an toàn có thể sử dụng tiêm phòng trước khi bị chó cắn và có thể tiêm được cho phụ nữ có thai kể cả đang cho con bú.

{keywords}

Các chuyên gia tích cực giải đáp các câu hỏi về bệnh dại. Ảnh: LAD


Van Anh , Nữ - 35  Tuổi

Bệnh dại có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người? Tác dụng phụ của tiêm vắc xin phòng dại là gì? Cách khắc phục?

ThS Nguyễn Thị Hường: Theo số liệu diều tra các TH tử vong do dại của Bộ Y tế, hầu như tát cả các TH tử vong là do không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm không đủ liều, không kịp thời sau khi bị động vật cắn. 

Người bị nhiễm virus dại nếu không được tiêm phòng đúng, đủ liều và kịp thời thì sẽ bị mắc bệnh dại. Khi đã có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng (lên cơn dại) thì không thể chữa trị được nữa và tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Hiện nay Việt Nam đã nhập các vắc xin phòng bệnh dại thể hệ mới rất an toàn và hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Lê Diệu Hương , Nữ - 26  Tuổi

Ngoài tiêm vắc xin bệnh dại thì có thể điều trị bệnh dại bằng thuốc tây hay thuốc nam không thưa bác sĩ?

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Biện pháp duy nhất để điều trị dự phòng bệnh dại là tiêm vắc xin (và huyết thanh kháng dại) dại ngay sau khi bị chó cắn. Cho đến nay các loại thuôc tây, thuốc nam hay thuốc đông y đều không thể chữa được bệnh dại.

Nguyễn Thị Huệ , Nữ - 40  Tuổi

Bác sĩ cho em hỏi, nếu bị động vật dại cắn thì thay vì tiêm phòng, có biện pháp nào khác không? Hay có cách nào xử lí tại chỗ để không phải đi tiêm phòng không? Vì em nghe nói tiêm vác xin phòng chó dại rất độc hại đến sức khỏe, có phải không ạ?

ThS Nguyễn Thị Hường: Nếu bị dộng vật mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn thì biện pháp điều trị duy nhất là tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Cách xử lí tại chỗ khi bị động vật mắc bệnh dại cắn là rửa vết thường bằng xà phòng với nước sạch sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

Hiện nay Việt Nam đã nhập vắc xin phòng dại cho người thế hệ mới rất an toàn và hiệu quả, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho người sử dụng. Vắc xin phòng dại cho người được chỉ định cho hầu hết mọi người.

Hán Văn Nội , Nam - 38  Tuổi

Tiêm vắc xin phòng dại đúng quy trình thì bao gồm những gì? Hay chỉ cần đến nói bị chó dại cắn là các cơ sở sẽ tiêm cho mình ngay ạ?

ThS Nguyễn Thị Hường: Khi bạn bị chó cắn việc đầu tiên cần làm là rửa vết thường bằng xà phòng với nước sạch sau đó bạn nen đến ngay cơ sở ý tế để được khám, tư vấn. Dựa trên tình trạng vết thương của bạn cũng như tình trạng của con chó cắn bạn (chó nhà hay chó lạ không theo dõi được) mà nhân viên y tế sẽ đưa ra những tư vấn phù hợp. 

- Đối với vết thương độ 1 (sờ, cho động vật ăn hoặc bị động vật liếm trên da lành) thì sẽ không điều trị.

- Đối với vết thương độ 2 ( vết xước, vét cào, liếm trên da bị tổn thương hoặc niêm mạc) nếu tại thời điểm cắn người mà con vật bình thường thì cần tiêm vắc xin dại ngay và dừng tiêm sau ngày thứ 10 nếu con vật vẫn khỏe mạnh bình thường. Nếu tại thời điểm cắn và trong vòng 10 ngày con vật có triệu chứng như là vật vã, hung dữ, chảy dãi, hoặc bỏ đi mất tích... thì cần tiêm vắc xin dại ngay và đủ liều.

- Đối với vết thương độ 3: (Vết cắn, cào, chảy máu): nếu tại thời điểm cắn người mà con vật bình thường thì cần tiêm vắc xin dại ngay và dừng tiêm sau ngày thứ 10 nếu con vật vẫn khỏe mạnh bình thường. Nếu tại thời điểm cắn và trong vòng 10 ngày con vật có triệu chứng như là vật vã, hung dữ, chảy dãi, hoặc bỏ đi mất tích..thì phải tiêm huyết thanh kháng dại cùng lúc với vắc xin phòng dại.

Nguyễn Trần Tuấn , Nam - 51  Tuổi

Khi bị chó cắn,phải đi tiêm phòng ngay hay theo dõi con chó một tuần nếu khi thấy chó có biểu hiện bệnh mới đi tiêm.Một số thầy lang có biện pháp thử xem có phải chó dại cắn không, liệu có tin tưởng không?

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Khi bị chó cắn cần phải đến khám và tiêm phòng dại ngay kết hợp theo dõi biểu hiện bệnh của con chó trong vòng 10 ngày, nếu sau 10 ngày chó vẫn khỏe mạnh bình thường thì có thể dừng tiêm các mũi sau. Hiện nay vẫn chưa có cách nào để phát hiện sớm được bệnh dại trên người. Các xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh dại chỉ thực hiện được vào thời kỳ phát bệnh của bệnh dại.

{keywords}

PGS.TS Hoàng Văn Tân tại tòa soạn VietNamNet. Ảnh: LAD


Việt Nam tích cực kiểm soát bệnh dại

Đỗ thị Tú , Nữ - 50  Tuổi

Có rất nhiều trường hợp sau khi bị chó cắn đến tận cả nửa năm mới phát bệnh, vì sao lại như vậy? Tỷ lệ dại ở mèo có đúng là chỉ 3% hay không? Tại sao vắc xin dại lại phải tiêm định kỳ hàng năm cho chó thì tỷ lệ bảo hộ mới có, vì theo cơ chế thì khi đã tiêm lần 1, nhắc lại thì kháng thể bảo hộ tốt phải lưu hành trong người con vật lâu hơn.

TS. Nguyễn Ngọc Tiến: Trường hợp bạn nêu là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên đây không phải là trường hợp phổ biến. Thông thường, một người sau khi bị chó dại cắn trung bình sau 1 đến 3 tháng sẽ phát bệnh, trường hợp ngắn nhất khoảng 10 ngày, dài nhất khoảng 1 năm. 

Thời gian phát bệnh sau khi bị chó dại cắn sẽ phụ thuộc vào vị trí của vết cắn. Nếu vết cắn càng gần thần kinh trung ương ( ví dụ: như cắn vào vùng đầu, mặt..) thì thời gian phát bệnh càng nhanh hơn.

Theo thống kê, tỷ lệ dại ở mèo chưa có số liệu thống kê chính xác. Ở Việt Nam chủ yếu dại là ở chó.

Vắc xin phải tiêm đúng định kỳ vì thời gian bảo hộ sau khi tiêm phòng vắc xin dại là 1 năm, nếu sau thời gian này mình không tiêm nhắc lại thì con vật dễ bị mắc bệnh dại vì đã hết kháng thể bảo hộ.

Lan Hiền , Nữ - 19  Tuổi

Xin ông cho biết bệnh dại ở Việt Nam đã được giải quyết đến đâu rồi? Mới vừa rồi facebook xôn xao vụ tranh luận rọ mõm/không rọ mõm chó trên phố đi bộ. Phía chủ chó nói có những loại không cần rọ mõm vì đã tiêm phòng đầy đủ và giống chó hiền, không cắn người. Ý kiến của ông/bà về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Tiến: Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình 1 năm có khoảng 70-80 người bị tử vong do bệnh dại và khoảng 400.000 ngàn người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng. Hiện nay, chính phủ dự kiến triển khai chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 để giảm thiểu số người bị tử vong và bị chó cắn.

Theo quy định, tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của chính phủ, việc thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 ngàn đồng.

Theo quy định, tại Nghị định số 05/2013/NĐ-CP của chính phủ, cấm thả rông chó ở những nơi công cộng, những nơi đông dân cư ở khu đô thị. Đồng thời, ở nơi công cộng, khu đông dân cư, khu đô thị phải nhốt, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Hơn nữa,bệnh dại cũng có thể lây cho người qua viết thương hở khi bị chó nghi mắc bệnh dại liếm.

Ngay cả khi chó đã được tiêm phòng vắc xin dại mà cắn người thì người bị chó cắn vẫn phải đến nơi tiêm phòng để được xử lý y tế.

Do vậy, bạn nên tuân thủ các quy định về quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại của chính phủ. 

{keywords}

Ông Nguyễn Ngọc Tiến đang trả lời câu hỏi bạn đọc VietNamNet. Ảnh: LAD


Thanh Minh , Nam - 51  Tuổi

Nguồn thú nuôi nhập ngoại vào nước ta hiện nay rất lớn. Cục YTDP biện pháp gì để kiểm soát và đảm bảo được nguồn dịch không xâm nhập vào nước ta?

Ông Nguyễn Ngọc Tiến: Theo quy định, tất cả chó nhập khẩu đều phải được kiểm dịch theo quy định, 

"1. Chó cảnh nhập khẩu vào Việt Nam từ vùng lãnh thổ, nước không có bệnh dại phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận là không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại và chó có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước không có bệnh dại ít nhất 06 tháng trước khi xuất khẩu.

2. Chó cảnh nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước có bệnh dại phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận chó không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại và chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại và đang còn miễn dịch". 

Nguyễn Huy Hoàng , Nam - 28  Tuổi

Tôi thấy ở phố nhà tôi, có chạy lung tung ra đầu ngõ nhưng chẳng có bịt mõm. Vậy cho tôi hỏi, có cơ quan chức năng nào kiểm soát việc chó ra đường phải bịt mõm để ngăn chặn tình trạng bị chó dại cắn. Mà tôi thấy khi mua chó về nhà vẫn thấy bình thường nhưng nguyên nhân vì sao tự nhiên chó lại bị dại ạ?

Ông Nguyễn Ngọc Tiến: Theo quy định, tại nghị số 05/2013/ NĐ-CP, Đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quy định việc bắt giữ; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi (phạt từ 100.000 đến 300.000 ngàn đồng theo quy định tại nghị số 167/2013/NĐ-CP); tiêu hủy chó trong trường hợp sau 48 giờ, kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.

Chó bị phát bệnh dại là do không tiêm phòng vắc xin dại và thường bị những con chó dại khác tấn công.

Nguyen Nga , Nữ - 30  Tuổi

Thưa chuyên gia, theo tôi thấy ở các nước Tây Âu, việc ôm, hôn vật nuôi là một điều rất bình thường; nhưng ở nước ta thì lại rất hạn chế vì nguy cơ lây bệnh từ vật nuôi là rất cao? Vậy xin bà cho biết lý do của sự khác nhau này có phải là do họ không sợ hay do công tác phòng ngừa của ta không tốt?

ThS Nguyễn Thị Hường: Điều này là do sự khác biệt về văn hóa và quan điểm trong việc nuôi thú trong gia đình. Ở Châu Âu, người dân thường nuôi và coi các con vậy như một người bạn hoặc là thành viên trong gia đình hơn là coi con vật như một công cụ để hỗ trợ sản xuất bảo vệ tài sản, cung cấp thực phẩm. do đó người phương tây thường có xu hướng thể hiện tình cảm với vật nuôi trong nhà như chó, mèo, ngựa.....thông qua sự tiếp xúc gần gũi với con vật như ôm hôn vuốt ve, nói chuyện....Trong khi đó, phần lớn người Chấu Á nói chung và nước ta nói riêng thường nuôi xúc vật với nhiều lí do nhất là để tăng thu nhập cung cấp thực phẩm, hỗ trợ sản xuất hoặc bảo vệ tài sản.

Bên cạnh đó tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi ở các nước phát triển rất cao cũng như việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi cũng được tuân thủ chặt chẽ. Do đó tỷ lệ dịch bệnh của vật nuôi ở các nước này tương đối thấp, qua đó giảm thiểu lây nhiễm cho con người. Ví dụ: Châu Âu đã loại trừ bệnh dại trên động vật và trên người từ hàng chục năm nay trong khi đó ở Châu Á thì bệnh dại vẫn là bệnh lây truyền từ động vật nguy hiểm bậc nhất. Ở Việt Nam, hiện nay bệnh dại vẫn là một bệnh gây nhiều ca tử vong nhất trong số các bệnh truyền nhiễm.

Cho dù động vật được tiêm phòng và phòng bệnh chặt chẽ, các chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên tiếp xúc quá gần gũi với vật nuôi vì có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm nhiều loại mầm bệnh từ vật nuôi như virut, vi khuẩn, kí sinh trùng... Ngược lại các mầm bệnh từ con người cũng có thể lây truyền cho động vật, khi xâm nhập vào cơ thể động vật các mầm bệnh này có thể đột biến, tái tổ hợp thành những mầm bệnh có độc lực cao gây nguy cơ lớn đến sức khỏe con người ví dụ đại dịch cúm vào đầu thế kỉ 20 là do lợn bị nhiễm virut cúm của người, sau đó virut này đã biến đổi thành chủng virut độc lực cao, lây truyền sang người và gây đại dịch làm hàng chục triệu người tử vong.

Thanh Long , Nam - 36  Tuổi

Mục tiêu của Việt Nam là chấm dứt bệnh dại trong thời gian tới. tuy nhiên, theo tôi được biết thì ở khu vực nông thôn, người dân hầu như vẫn thả rông chó và ít khi tiêm vắc xin cho chó mèo. Vậy nhà nước có biện pháp nào giải quyết tình trạng này? Khi tuyên bố chấm dứt bệnh dại thì có cần tiêm phòng vắc xin cho chó mèo hàng năm nữa hay không? Cảm ơn chuyên gia

Ông Nguyễn Ngọc Tiến: Mục tiêu của thế giới là kiểm soát bệnh dại vào năm 2030. Mục tiêu của Việt Nam là kiểm soát bệnh dại vào năm 2021, do vậy, chính phủ dự kiến triển khai chương trình quốc gia " Khống chế và tiến tới lọai trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021" để đạt được mục tiêu này. Theo đó, chính phủ sẽ chỉ đạo áp dụng các giải pháp tổng thể bao gồm: quản lý đàn chó nuôi, hàng năm tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức người dân trong phòng chống bệnh dại và nhiều giải pháp khác. 

Thanh Tú , Nữ - 31  Tuổi

Chuyên gia có thể tiết lộ số lượng người bị chó mèo thả rông cắn trong năm qua? Có cách nào cấm tiệt được tình trạng thả rông chó mèo để ngăn ngừa hiểm họa bệnh dại không?

Ông Nguyễn Ngọc Tiến: Theo thống kê, tại Việt Nam, trung bình một năm có khoảng 70-80 người bị tử vong do bệnh dại và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đến cơ sơ y tế điều trị dự phòng.

Hiện nay, chính phủ vẫn ban hành quy định cấm thả rông chó mèo nơi công cộng. Tuy nhiên, ý thức của một số chủ nuôi chó vẫn còn hạn chế và vi phạm quy định này. Để cấm triệt để tình trạng này, thì nên tăng cường các biện pháp tuyên truyền để mọi người tuân thủ quy định của chính phủ đồng thời tăng cường chế tài xử lý vi phạm.(trách nhiệm xử lý này thuộc UBND cấp xã, phường, thị trấn).

Hồng Anh , Nữ - 36  Tuổi

Ông bà có thể cho biết, các hình thức xử lý hành vi thả rông chó không sử dụng các biện pháp phòng ngừa như rọ mõm. Ngoài ra, việc thực thi các chế tài phụ thuộc vào điều gì? Nếu hàng xóm nhà tôi cứ thả rông chó, ảnh hưởng đến các con tôi, tôi có thể phản ánh tới cơ quan nào?

ThS Nguyễn Ngọc Tiến: Đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quy định việc bắt giữ; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi( bị phạt 100.000 đến 300.000 ngàn đồng theo quy định tại nghị định số 167/2013/NĐ-CP); tiêu hủy chó trong trường hợp sau 48 giờ, kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.

Nếu hàng xóm thả rông chó, bạn có thể phản ánh đến UBND xã, phường, thị trấn nơi bạn sinh sống.

linh nga , Nữ - 30  Tuổi

Xin chuyên gia cho biết kế hoạch triển khai của cục YTDP trong công tác đẩy mạnh tuyên truyền tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó mèo trong cộng đồng dân cư được Cục thực hiện như thế nào?

ThS Nguyễn Ngọc Tiến: Trong những năm qua, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ y tế phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, các tổ chực quốc tế như tổ chức y tế thế giới WHO, tổ chức FAO, cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ USAID...triển khai nhiều hoạt động truyền thông trong cộng đồng về phòng chống bệnh dại, tổ chức ngày Thế giới phòng chống bệnh dại vào ngày 28/9 hàng năm tại các tỉnh trọng điểm về bệnh dại, đặc biệt là tuyên truyền chủ nuôi chó chấp hành tiêm phòng dại hàng năm cho đàn chó và quản lý chó nuôi để giảm việc chó cắn người. Do vậy, số lượng người bị tử vong do bệnh dại và số người bị chó cắn đi điều trị dự phòng đã giảm rất nhiều so với những năm trước đây. Trong giai đoạn tới, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các hoạt động truyền thông nhằm phát huy các kết quả đạt được trong thời gian qua với mục tiêu đến năm 2021 sẽ kiểm soát được bệnh dại ở Việt Nam.

Nguyễn Thanh Thủy , Nam - 52  Tuổi

Theo tôi, các giải pháp phòng chống bệnh dại của chúng ta giống như bắn bia xung quanh điểm 10, đó là gắn trách nhiệm phòng chống bệnh dại vào người đứng đầu từ trung ương đến địa phương? Ông/bà nhận xét gì về quan điểm này?

ThS Nguyễn Thị Hường: Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người do dó cần có sự phối hợp của nhiều ngành trong công tác phòng chống bệnh dại đặc biệt là hai ngành y tế và thú y, bên cạnh đó có các ngành khác như Giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông phòng bệnh vì hơn 50% bệnh nhân dại là trẻ em.

Nguồn gây bệnh dại cho người là từ động vật, do đó các biện pháp phòng chống bệnh dại trên động vật đóng vai trò quyết định, không có bệnh dại trên động vật thì sẽ không có bệnh dại trên người. Trong công tác phòng chống dại trên động vật thì tiêm vắc xin dại cho động vật là biện pháp có hiệu quả cao, chi phí thấp. Bên cạnh đó, cần quản lý đàn chó nuôi hiệu quả, không thả rông chó và rọ mõm khi cho chó ở nơi công cộng.

Hiện tại, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đang phối hợp rất chặt chẽ ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng chống dại. Hai Bộ đã xây dựng kế hoạch liên ngành quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người và động vật cho giai đoạn 2017-2021, phấn đấu đến năm 2030 có thể loại trừ được bệnh Dại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ có sự nỗ lực của 2 ngành Y tế và Thú y thì không đủ để đạt được mục tiêu này, công tác phòng chống bệnh dại cần có sự cam kết của tất cả các cơ quan, ban ngành và cộng đồng. Qua kinh nghiệm quản lý công tác phòng chống dại ở Việt Nam, tôi thấy vai trò của chính quyền các cấp đặc biệt quan trọng trong việc kêu gọi và kết nối cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet