Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng

Tháng 9 là lúc học sinh trở lại trường học cũng là thời điểm thuận lợi để các bệnh về hô hấp, tay chân miệng tăng mạnh. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), số ca mắc bệnh này tăng gấp 1,5 lần từ trung tuần tháng 9 trở lại đây. Theo đó, Khoa Nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50 ca điều trị nội trú.

Số lượng bệnh nhi đông, bệnh viện phải bố trí thêm giường đảm bảo công tác điều trị. Bên cạnh đó, hàng ngày tại Khoa Khám bệnh cũng có phòng khám sàng lọc cho trẻ đến khám tay chân miệng.

{keywords}

Số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh. Ảnh: Liên Anh

Ngồi trông con ngủ và theo dõi triệu chứng giật mình của con, chị Duyên (28 tuổi, ngụ Bình Dương), mẹ của bé L.T.H.Đ. (14 tháng tuổi), cho biết, trước khi nhập viện con chị được khám tại phòng mạch tư vì có vết lở trong miệng.

Tại đây, bé được chẩn đoán nhiệt miệng nên được cho thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, sau 1 đêm, bé có biểu hiện sốt và vết loét miệng nhiều hơn khiến bé biếng ăn. Chị cho con nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Bác sĩ chẩn đoán con chị bị tay chân miệng và phải nhập viện.

“Trước giờ bé nhà tôi chưa bị bệnh này bao giờ, mới đi học được 6 ngày thì bị bệnh. Sau khi nhập viện, tôi cũng có gọi cho cô giáo ở trường để khử trùng lớp học tránh lây bệnh cho các bé khác”, chị Duyên chia sẻ.

Chị Thơ (24 tuổi, ngụ Tây Ninh) mẹ của bé N.Q.N. (3 tuổi) biết hiện tại đang vào thời điểm dịch bệnh tay chân miệng tăng nên chị cũng tự phòng bệnh cho con bằng cách uống nhiều nước cam, rửa đồ chơi và vệ sinh nhà cửa thường xuyên… Chị làm tất cả các biện pháp phòng ngừa nhưng cậu bé vẫn không tránh khỏi. 

“Ở nhà bé sốt vào buổi chiều dù đã được uống thuốc hạ sốt nhưng tình trạng không thuyên giảm. Bởi vậy, tôi cho bé nhập viện ngay trong đêm để kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị tay chân miệng phải điều trị nội trú. Sau nhập viện 1 ngày các ban đỏ nổi dày đặc ở bàn tay và bàn chân dù trước đó không có triệu chứng gì. Sau 4 ngày, hiện bé cũng đã ổn nên bác sĩ sắp cho xuất viện về nhà”, chị Thơ nói.

Không may mắn như hai trường hợp trên, ngồi chờ ở ngoài phòng cấp cứu, anh Hùng (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) là ba của bé T.B.N. (4 tuổi) lo lắng vì con vẫn đang nằm truyền dịch. Anh cho biết, trước nhập viện 1 ngày, bé than đau họng và đau bụng.

Gia đình đưa bé đi kiểm tra tại phòng khám gần nhà. Bé được chẩn đoán viêm họng, rối loạn tiêu hóa nên chỉ cho thuốc uống rồi về. Tuy nhiên, sau đó chiều cùng ngày, gia đình phát hiện tay và chân bé có nổi mụn đỏ nên tiếp tục quay trở lại phòng khám để kiểm tra. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng và khuyên đến bệnh viện để được thực hiện các xét nghiệm.

{keywords}

Tay chân bé N.Q.N nổi nhiều mụn nước. Ảnh: Liên Anh

“Bác sĩ ở phòng khám tư vấn phải cho bé nhập viện nên tôi đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, con tôi được bác sĩ chẩn đoán mắc tay chân miệng phải nhập viện theo dõi. Tuy nhiên, sau đó, bác sĩ thông báo bé trở nặng phải truyền dịch”, anh Hùng nói.

Bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, bé N. được nhập viện trong tình trạng sốt cao, run chi. Tại bệnh viện, bé được uống hạ sốt nhưng đi đứng vẫn loạng choạng, run chi không giảm.

“Tình trạng này là biến chứng của tay chân miệng nên chúng tôi đã cho bé chuyển vào phòng cấp cứu để truyền thuốc đặc hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng bệnh. Hiện bé vẫn được tiếp tục theo dõi huyết áp, nhịp thở và các dấu hiệu giật mình”, bác sĩ Quy cho hay.

Theo bác sĩ Quy, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể tồn tại ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường, người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, cho biết, thời gian gần đây số ca tay chân miệng đang có xu hướng tăng. Trẻ mắc tay chân miệng có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Bệnh tay chân miệng có 2 mùa dịch. Đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5 và đợt 2 từ tháng 9 tới tháng 12. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ và cả những người tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

Bác sĩ phải tìm thuốc thay thế

Theo phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành, thuốc phenobarbital là loại quen dùng của các bác sĩ nhi khoa trong điều trị tay chân miệng, co giật, động kinh ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hiện loại thuốc này đang có nguy cơ đứt hàng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, một chuyên gia hàng đầu về nhiễm tại TP.HCM cho biết, hiện tất cả các bệnh viện điều trị theo phác đồ có phenobarbital đều thiếu. Vì lô thuốc cuối cùng được nhập có hạn sử dụng đến ngày 24/9, nếu còn cũng không thể nào dùng được.

{keywords}

Bé N. đang được truyền dịch tại phòng cấp cứu vì chuyển biến nặng hơn lúc nhập viện

Thông tin từ một số nhà cung cấp cho biết, hiện thuốc đã ngưng sản xuất. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn phải chờ cơ quan quản lý dược nhà nước thông báo mới biết được tình hình.

Thuốc phenobarbital nằm trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng, thuốc giúp cho em bé bị tay chân miệng độ 2B nằm yên để tránh các mức độ biến chứng. Ngoài tay chân miệng, thuốc có thể sử dụng cho bệnh khác như động kinh và đặc biệt là co giật ở trẻ sơ sinh.

Ưu điểm của thuốc là thời gian điều trị được lâu, ít gây ảnh hưởng cơ quan hô hấp. Theo bác sĩ Khanh, dù có một số thuốc an thần thay thế nhưng phải truyền liên tục như vậy, em bé dễ suy hô hấp hơn buộc phải thở máy, lúc này sẽ tăng thêm biến chứng cho trẻ, đồng thời can thiệp nhiều hơn, tốn kém hơn.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện bệnh viện cũng đang gặp tình trạng tương tự là thiếu thuốc phenobarbital. Lãnh đạo bệnh viện có đề xuất nhập thuốc nhưng được phản hồi không nhập được và bệnh viện cũng chuẩn bị các phương án sử dụng thuốc an thần khác để thay thế. Tuy nhiên, theo bác sĩ Châu Việt, hiệu quả thuốc khac không được như mong đợi vì có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trung tuần tháng 9, thành phố ghi nhận gần 600 ca bệnh tay chân miệng, tăng 50,2% so với trung bình 4 tuần trước. Hiện thành phố chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng nhưng số ca bệnh đang tăng nhanh tại các quận, huyện trên địa bàn.

Liên Anh

Bé 1 tuổi mắc tay chân miệng tổn thương não, 3 dấu hiệu sớm báo bệnh nặng

Bé 1 tuổi mắc tay chân miệng tổn thương não, 3 dấu hiệu sớm báo bệnh nặng

Bé trai 16 tháng được đưa đến bệnh viện cấp cứu ở ngày thứ 2 khi xuất hiện các cơn co giật, li bì, được chẩn đoán mắc tay chân miệng giai đoạn 2b.