Bệnh lý mãn tính đường hô hấp thường gặp

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện có trên 300 triệu người bị hen suyễn. Đây cũng là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Hằng năm có khoảng 250 nghìn người tử vong do bệnh hen suyễn. Ước tính tới năm 2025, trên thế giới sẽ có thêm 100 triệu người mắc căn bệnh mãn tính này. Tại Việt Nam hiện cũng có hơn 4 triệu người mắc hen suyễn, hơn 3000 người tử vong mỗi năm.

Mặc dù là một vấn đề sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả các nhóm tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng nhưng có khoảng 78% số bệnh nhân mắc hen suyễn không biết hen có thể kiểm soát được; 75% không biết về các thuốc điều trị hen; 55% không biết cách ngừa cơn hen và 50% không biết nguyên nhân gây ra hen suyễn...

{keywords}
 

Ngày 5/5 hàng năm - ngày thế giới phòng chống bệnh hen suyễn là một sự kiện thường niên do Sáng kiến toàn cầu về bệnh hen suyễn (GINA) tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức và tình trạng chăm sóc bệnh nhân hen suyễn trên toàn thế giới.

Năm nay chủ đề của ngày thế giới phòng chống bệnh hen suyễn năm 2020 là “Enough Asthma Deaths” - “Quá đủ những cái chết vì bệnh hen suyễn” phản ánh thực trạng hen suyễn đang trở thành căn bệnh mạn tính đáng báo động và một trong những căn bệnh hàng đầu gây ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội, với số ca tử vong có xu hướng tăng.

Dự phòng và điều trị hen đúng cách

Theo các chuyên gia y tế, những nguyên nhân phổ biến gây bệnh hen có thể là do di truyền hoặc các yếu tố tự phát như: gắng sức, thay đổi thời tiết, viêm đường hô hấp, khói (khói thuốc lá, khói than), nhiễm lạnh, hóa chất, bụi nhà, bụi công nghiệp, tiếp xúc vật nuôi, cảm xúc, thuốc, thức ăn, liên quan thai nghén. Trong đó các yếu tố gây tác động cơn hen nhiều nhất là thay đổi thời tiết (85,2%), gắng sức (gần 70%), nhiễm lạnh (53,2%), viêm đường hô hấp…Bệnh nhân hen cũng thường mắc các bệnh dị ứng kèm theo như viêm mũi dị ứng, mề đay, dị ứng thức ăn, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa…

Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích trên, phế quản người bệnh sẽ bị co thắt, phù nề, chứa đầy chất nhầy gây tắc nghẽn làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, tái đi tái lại nhiều lần và thường xảy ra nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm.

Theo các chuyên gia y tế, việc phòng ngừa tất cả các yếu tố khởi phát cơn hen có thể rất khó; tuy nhiên, người bệnh nên tránh các tác nhân này để kiểm soát các cơn hen cấp, không làm bệnh tăng nặng.

Kiểm soát hen được đảm bảo bằng việc bệnh nhân thực hiện tốt 3 vấn đề:  Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên;  Dùng thuốc cắt cơn khi lên cơn hen cấp tính; Duy trì sử dụng các thuốc dự phòng hen thường xuyên.

Trẻ em có tỉ lệ mắc bệnh hen cao gấp đôi so với người lớn, để phòng ngừa hen suyễn cho trẻ, chuyên gia y tế khuyến cáo cần tránh tiếp xúc với các yếu tố ảnh hưởng như: ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, nấm mốc, khói thuốc lá, không cho trẻ chơi các trò chơi hoặc làm việc gắng sức. Loại bỏ các dị nguyên đường hít bằng cách không nuôi chó, mèo, gián, thú nhồi bông, phấn hoa, nước lau nhà... Những trẻ bị hen suyễn do thức ăn thì cần loại bỏ thức ăn đó ra khỏi thực đơn của trẻ.

Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống các thực phẩm sạch, ăn nhiều trái cây, tăng cường vitamin, giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm khuẩn hô hấp.

Ngọc Minh