Tại Hội thảo về Dân số và phát triển ngày 24/12, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế suốt 14 năm qua, tỉ lệ tăng dân số trung bình từ 1,05-1,15%/năm và hiện quy mô dân số đạt gần 96,5 triệu người.

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68%.

Chất lượng dân số cũng được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện…

Thứ trưởng nhìn nhận, ngành dân số đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, công tác dân số trong tình hình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.

{keywords}

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ ra hàng loạt thách thức về công tác dân số trong tình hình mới

“Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình để ổn định quy mô dân số, nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là nâng cao chất lượng dân số và phải đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", Thứ trưởng Sơn phân tích.

Thứ trưởng nêu rõ, 4 vấn đề đáng lưu tâm hàng đầu hiện nay là tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hoá dân số và chất lượng dân số thấp.

Trong đó, mức sinh tại các vùng miền, tỉnh, thành phố chênh lệch rất lớn, thậm chí một số tỉnh ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống rất thấp, điển hình tại TP.HCM tỉ lệ sinh chỉ có 1,39 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (năm 2019).

Trong khi đó nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên lại có mức sinh rất cao, như Hà Tĩnh, Nghệ An ở mức 2,75-2,83 con.

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại nước ta vẫn diễn ra ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Năm 2006, tỉ lệ giới tính khi sinh của nước ta là 109 bé trai/100 bé gái, 2013 tăng lên 113,8/100, 2018 tiếp tục lên 114,9/100, 2019 giảm nhẹ xuống 111,5/100.

Ở Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, tỉ lệ này chỉ ở mức 110-111/100. Nếu xét toàn châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc với tỉ lệ 117-118 trai/100 bé gái.

Việt Nam cũng có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới nhưng chưa có hệ thống giải pháp để thích ứng, trong khi lợi thế dân số vàng chưa được khai thác và phát huy hiệu quả.

Từ năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu bước vào già hoá dân số khi tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm xấp xỉ 10%. Đến 2018 đã tăng lên 11,95%. Năm 2019, tỉ lệ này tiếp tục chạm mốc 14%, trong đó người trên 65 tuổi xấp xỉ 8%.

Tính toán cho thấy, nếu không có các chính sách can thiệp, đến năm 2038, tỉ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta sẽ tăng lên trên 20%, tương đương 21 triệu người, trong đó người trên 65 tuổi chiếm trên 14%. Khi đó, Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn dân số già.

Như vậy, Việt Nam chỉ mất 30 năm chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang dân số già trong khi các nước có nền kinh tế phát triển mất nhiều thập kỷ, chậm chí hơn 1 thế kỷ.

Về chất lượng dân số, dù lực lượng trẻ vẫn đang chiếm gần 70% nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển đất nước. Tuổi thọ người Việt tăng nhanh nhưng có tới hơn 43% người trên 60 tuổi có vấn đề sức khoẻ, khuyết tật. Trung bình số năm đau ốm là 7,3 năm (chiếm 10% tuổi thọ).

Thứ trưởng Sơn nhìn nhận, một số cơ chế, chính sách về dân số còn chậm đổi mới, chưa có các chính sách để kiểm soát mất cân bằng giới tính, nâng cao chất lượng dân số, tận dụng dân số vàng…

Do vậy Thứ trưởng Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố cần quan tâm, dành nguồn lực để hỗ trợ công tác dân số, đáp ứng kịp thời các yêu cầu từ thực tiễn.

Thúy Hạnh

Việt Nam có thể phải nhập khẩu cô dâu từ châu Phi

Việt Nam có thể phải nhập khẩu cô dâu từ châu Phi

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đang nhập khẩu cô dâu từ Việt Nam nhưng 30 năm nữa, Việt Nam có thể phải nhập khẩu cô dâu từ châu Phi.