Một tòa án ở Mỹ đầu tuần đã ra phán quyết buộc Johnson & Johnson phải trả 55 triệu USD cho một phụ nữ. Người này được cho là sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ chứa bột talc của công ty và mắc ung thư buồng trứng.


{keywords}

Phán quyết (mà J&J sẽ kháng cáo) lại tiếp tục giáng đòn mạnh vào tập đoàn đang phải đối mặt với 1.200 vụ kiện cáo buộc họ không cảnh báo đầy đủ người tiêu dùng về các nguy cơ ung thư trong sản phẩm đưa ra.

Sau ba tuần xem xét, tòa án bang Missouri đã quyết định về vụ việc của Gloria Ristesund. Theo phán quyết, bà được bồi thường thiệt hại 5 triệu USD, 50 triệu USD còn lại là để bồi thường mang tính trừng phạt. 

Người phát ngôn của J&J là Carol Goodrich cho biết, phán quyết mâu thuẫn với nghiên cứu 30 năm nay của hãng về tính an toàn của các loại mỹ phẩm chứa bột talc. Công ty này sẽ kháng cáo và tiếp tục bảo vệ sự an toàn của các sản phẩm đưa ra. 

Ristesund nói rằng, bà đã sử dụng các sản phẩm vê sinh phụ nữ của J&J (như Baby Powder và Shower to Shower Powder) trong nhiều thập niên. Theo luật sư đại diện của bà, bà bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng và phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung. 

Jere Beasley, đại diện cho Ristesund nói rằng, thân chủ của ông hài lòng với phán quyết tòa đưa ra. 

Trước đó hồi tháng 2, bồi thẩm đoàn ở Missouri đã yêu cầu tập đoàn dược khổng lồ này phải bồi thường thiệt hại cho gia đình một phụ nữ đã chết vì bệnh ung thư buồng trứng khi sử dụng các sản phẩm có chứa bột talc của công ty. 

Tổng số tiền bồi thường lên tới 72 triệu USD. Người phụ nữ xấu số được cho là đã sử dụng phấn rôm và các sản phẩm khác chứa bột Talc của Johnson & Johnson. Vụ kiện dân sự do gia đình của bà Jackie Fox tại Birmingham, Alabama theo đuổi. 

Một số nhà khoa học chỉ ra rằng, các hạt talc trong sản phẩm sử dụng có thể xâm nhập vào buồng trứng, gây ra hiện tượng viêm sưng khó chịu. Quá trình viêm sưng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Đã có nhiều nghiên cứu tìm kiếm các mối liên quan giữa bột Talc và bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy rất khác nhau khi các bằng chứng đưa ra vẫn không rõ ràng.

Thái An (Theo NBCnews)