- Nhiều quan niệm tẩm bổ cho trẻ sai lầm cần phải thay đổi. Một số món ăn phụ huynh cứ nghĩ vô cùng bổ dưỡng, ra sức ép con nhưng lại thành… hại con.

ThS.BS Hoàng Thị Tín, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã cảnh báo như trên.

Không phải cứ màu đỏ là bổ máu

Một trong những quan niệm sai lầm nhất của phụ huynh là ra sức ép trẻ ăn canh củ dền cho bổ máu. Sở dĩ vậy vì từ bao lâu nay, trong dân gian cứ nghĩ món gì màu đỏ, giống màu máu, ăn vào sẽ tốt cho ai thiếu máu.

Không chỉ đem củ dền nấu canh, nhiều mẹ còn luộc lên, chiết lấy nước pha sữa cho bé mà không biết việc này có thể làm trẻ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

{keywords}
Ăn củ dền nhiều có trẻ có nguy cơ bị ngộ độc.

Bác sĩ Tín giải thích: “Rau dền, củ dền có màu đỏ đẹp không phải chứa chất bổ máu, mà do là muối nitrat. Ngộ độc có liên quan đến rau củ là ngộ độc chất nitrat có trong thành phần một số loại rau củ, trong quá trình tiêu hóa, chế biến, bảo quản chuyển thành nitrit, oxy hóa hemoglobin tạo Methemoglobin trong máu. Chất Methemoglobin vượt ngưỡng sẽ làm hồng cầu không vận chuyển được oxy tới các tế bào. Vì thế, một số trẻ, đặc biệt ở trẻ nhỏ, sau khi ăn củ dền, nước củ dền chứa 1 lượng lớn nitrat, dễ bị ngộ độc, xuất hiện triệu chứng xanh tái, khó thở”.

Rau củ càng có màu sắc sặc sỡ thì càng chứa nhiều nitrat.

Bên cạnh đó, việc hâm đi hâm lại canh, hoặc ăn rau đã luộc để tủ lạnh làm tăng lượng nitrat biến thành nitrite trong rau. Nitrite ngoài vấn đề có thể gây ngộ độc, khi vào trong cơ thể có thể kết hợp với gốc amine tự do tạo thành nitrosamines. Khi cơ thể tích tụ lượng nitrosamines lớn có thể dẫn tới ung thư.

Tẩm bổ thành hại con

Ngoài củ dền, phụ huynh không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi ăn mật ong. Trong mật ong có nhiều vi khuẩn yếm khí, ăn vào trẻ dễ bị nhiễm khuẩn nặng, có thể gây tử vong.

Một thực phẩm khác được các mẹ coi là món thập toàn đại bổ, săn lùng, dành dụm để đầu tư cho con là tổ yến.

Bản thân tổ yến rất tốt, chứa nhiều a xít amin thiết yếu (cơ thể không tự tạo ra được, phải ăn vào để bổ sung). Tuy nhiên, tổ yến lại hay được chế biến với đường (chè tổ yến, tổ yến chưng đường phèn). Nhiều nghiên cứu cho thấy, không nên cho trẻ con ăn đường đơn vì sẽ làm trẻ biếng ăn.

Một sai lầm khác là nhiều phụ huynh thường xuyên cho con ăn đồ nướng, chiên. Cách chế biến thức ăn cho trẻ an toàn nhất là luộc và hấp. Không khuyến nghị cho trẻ ăn thường xuyên món nướng và món chiên vì thực phẩm khi chế biến ở nhiệt độ cao có thể thay đổi cấu trúc và sản sinh những chất có hại cho cơ thể, tăng nguy cơ ung thư về sau.

Bác sĩ Tín nhắn nhủ: “Thực phẩm dù có tốt mấy cũng phải ăn đa dạng để cân đối sao cho đủ 5 thành phần: Đạm, đường, chất béo, vitamin, và khoáng chất. Trong bữa ăn của trẻ, chất béo nên chiếm từ 25-30%, đạm 12-15%, chất bột đường 55-65% tổng năng lượng. Đa số phụ huynh tưởng cho con ăn càng nhiều đạm càng tốt, nhưng thực ra cơ thể trẻ khi chuyển hoá đạm quá độ sẽ bị mất canxi qua đường tiểu, và tăng gánh nặng cho thận”.

Bản thân thực phẩm, rau, củ, quả không có hại mà do cách chế biến, liều lượng sử dụng của chúng ta chưa đúng.

Thanh Huyền