Các triệu chứng thường gặp sau khi khỏi Covid-19

Sau khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhiều bệnh nhân vẫn rất hoang mang vì thấy tình trạng bệnh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Biểu hiện phổ biến nhất là căng thẳng, mất ngủ. Trong thời gian bị bệnh, các F0 thường tiếp nhận rất nhiều thông tin về Covid-19 (ca mắc, ca tử vong hàng ngày, các triệu chứng nguy hiểm do Covid-19…) khiến họ cảm thấy áp lực. Lo lắng quá nhiều đã làm họ bị căng thẳng, mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc, thay đổi nhịp sinh học hàng ngày.

{keywords}
Bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2.

Triệu chứng hụt hơi cũng rất thường gặp với các bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh. Họ thường cảm thấy thở không được thoải mái, cảm giác không hít vào như bình thường, đặc biệt là với các bệnh nhân Covid-19 trung bình, nặng và nguy kịch.

Ăn uống khó tiêu, đầy hơi, nóng rát vùng ngực, ợ hơi, ợ chua… là các triệu chứng về tiêu hóa thường gặp sau khi khỏi Covid-19. Những triệu chứng này làm cho bệnh nhân chán ăn khiến cơ thể trở nên suy nhược, thiếu dưỡng chất. Hơn nữa, chúng còn góp phần làm tăng thêm tình trạng mất ngủ.

Các biểu hiện khác như mệt mỏi, đau đầu, nhức mỏi người, chóng mặt nhẹ, rối loạn lo âu, hồi hộp, ho dai dẳng… cũng là các triệu chứng thường gặp trong giai đoạn hồi phục của bệnh Covid-19.

Nguyên nhân của các triệu chứng trên là gì?

Các biểu hiện nêu trên thường gọi là “di chứng sau Covid-19” hay “hội chứng hậu Covid-19”. Sở dĩ trong giai đoạn hồi phục vẫn còn tồn tại các triệu chứng trên là vì khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể người bệnh, chúng làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, tim, não, thận, thần kinh – cơ, mạch máu… Hệ cơ quan bị tổn thương nhiều nhất là hệ hô hấp.

Đối với các F0 có triệu chứng trung bình trở lên thường tổn thương phổi gây giảm khả năng trao đổi oxy khiến bệnh nhân có biểu hiện khó thở, mệt nhiều. Sau khi đã qua được giai đoạn diễn tiến của bệnh, phổi vẫn còn tổn thương. Đồng thời, cơ hô hấp cũng yếu hơn so với bình thường làm cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi. Các hệ cơ quan khác cũng bị tổn thương nên F0 khỏi bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng hồi hộp, nhức mỏi người, ho dai dẳng…

Ảnh hưởng lên não bộ kèm theo tâm lý hoang mang lo lắng trong quá trình mắc bệnh khiến cho hệ thống thần kinh bị căng thẳng, bệnh nhân thường cảm thấy đau đầu, chóng mặt.

Tâm lý của người bệnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện các triệu chứng sau khi khỏi Covid-19. Vì quá lo lắng nên họ mất ăn, mất ngủ, không ngủ đủ giấc và ăn uống kém. Ăn không đúng giờ giấc làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, bệnh nhân dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, chứng khó tiêu, chán ăn.

Nhiều bệnh nhân khi được điều trị ở khu cách ly tập trung hoặc tại bệnh viện gặp các vấn đề như chế độ ăn uống không hợp khẩu vị, lạ chỗ, đông người... Thời gian cách ly kéo dài làm họ thay đổi thói quen, ảnh hưởng đến nhịp sinh học, giấc ngủ của người bệnh. Cùng với việc tâm lý căng thẳng, lo lắng, bệnh nhân thường bị mất ngủ và làm nặng thêm tình trạng bệnh tiêu hóa sau khi khỏi SARS-CoV-2.

Cách để khắc phục “hội chứng sau Covid-19”

Các triệu chứng trên có thể tồn tại vài tuần, thậm chí có thể vài tháng sau khi khỏi Covid-19. Bệnh nhân bị khó thở nhẹ, hụt hơi phải tăng cường tập thở để các cơ hô hấp nhanh hồi phục cũng như tăng nhu cầu trao đổi oxy trong phổi.

Tuy nhiên không phải tất cả đều do tác động của virus, còn nhiều yếu tố như tâm tâm lý, môi trường tác động. Do đó, giữ tâm lý ổn định là việc rất quan trọng trong việc giảm các triệu chứng như mất ngủ, lo âu, đau đầu, hồi hộp. F0 khỏi bệnh có thể nghe nhạc nhẹ, ngồi thiền, tập yoga, tập thể dục… sẽ làm cho tinh thần thoải mái, giảm lo âu và dễ đi vào giấc ngủ.

Đối với biểu hiện về tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản, nóng rát ngực, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, ngoài việc giữ tâm lý ổn định, duy trì giấc ngủ sinh lý, bệnh nhân còn phải chú trọng thêm về chế độ ăn. Đó là không ăn chua, cay, không sử dụng các chất kích thích, không ăn các đồ ăn khó tiêu, không ăn quá no, không nên nằm sau khi ăn. Bạn cũng nên hạn chế ăn trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ và kê đầu cao khi nằm để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Việc bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn phục hồi rất quan trọng, góp phần giảm thiểu “hội chứng hậu Covid-19” bởi nó làm tăng sức đề kháng, phục hồi thể trạng suy nhược sau khi mắc Covid-19.

Tuy nhiên, khi các triệu chứng trong giai đoạn hồi phục làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cảm thấy khó chịu, nặng nề, người dân nên đi khám để giải quyết tình trạng bệnh.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Bác sĩ Nguyễn Văn Chánh (Mạng lưới thầy thuốc đồng hành)

Người mắc Covid-19 nên ăn những thực phẩm nào?

Người mắc Covid-19 nên ăn những thực phẩm nào?

Người mắc Covid-19 phải đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính. Thực đơn với 4 nhóm thực phẩm như sau: Ngũ cốc, khoai củ; Thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ; Dầu mỡ; Rau xanh và quả chín.