Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trường hợp bệnh nhân 1347 mới được ghi nhận tại TP.HCM về bản chất không phải là ca “lây lan trong cộng đồng”, mà đúng hơn là “lây lan ra cộng đồng”.

“Ở một số nước như Mỹ, Pháp, Anh, Braxin,… cụm từ “lây lan trong cộng đồng” hiện được sử dụng với người không rõ mắc bệnh từ nguồn nào. Còn trường hợp này, tôi cho rằng nên gọi là “lan ra cộng đồng”. Bệnh nhân 1347 khác với các trường hợp phát hiện ở Bệnh viện Bạch Mai, hay Bệnh viện Đà Nẵng trước đây, khi dịch đã lây lan ra nhiều người rồi nhưng chúng ta vẫn chưa biết nguồn lây từ ai”, ông Nga phân tích.

Theo đó, do đã xác định được F0, F1, F2 của bệnh nhân 1347, nếu việc khoanh vùng, dập dịch và ý thức đề phòng của nhân dân được thực hiện tốt, dịch bệnh hoàn toàn có thể khống chế.

PGS Nga cho hay, bệnh nhân 1347 là trường hợp rất đáng tiếc khi F0 của người này – bệnh nhân 1342 trước đó đã vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly. Các trường hợp trên đặt ra bài học cho chính người thực hiện cách ly và các cấp quản lý người cách ly. Trong đó, ý thức người cách ly là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo dịch không lây lan ra cộng đồng.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - Ảnh: N.Liên

Đưa ra dự đoán về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam giai đoạn tới, PGS Nga cho rằng dịch bệnh có thể khốc liệt hơn vào mùa đông. Lý do là bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, trung bình 1 ngày có gần 600.000 ca nhiễm mới, nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam là rất lớn.

Bên cạnh đó, ở điều kiện thời tiết lạnh, virus sẽ tồn lại trong môi trường, không khí lâu hơn, khả năng lây lan cao hơn. Nguyên lý này có ở rất nhiều bệnh cúm khác, không chỉ riêng Covid-19.

Số bệnh nhân tới khám do các bệnh cúm thông thường tăng trong mùa đông cũng có thể khiến ngành y tế vất vả hơn trong việc phân loại, cách ly, phân luồng để không bỏ sót người mang mầm bệnh Covid-19.

“Năng lực kiểm soát dịch bệnh và điều trị của chúng ta không là vô hạn, bởi vậy nếu để dịch bùng phát, tình hình sẽ rất khó khăn”, PGS Nga nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng sau ca nhiễm mới ở TP.HCM. Về bản chất, bệnh nhân 1347 vẫn được phát hiện trong quy trình giám sát sau cách ly của ngành y tế, tức không nằm ngoài sự kiểm soát của y tế cơ sở.

Ông Tuyên cho hay, ngay khi nhận thông tin bệnh nhân 1347 lây nhiễm Covid-19 từ người đang cách ly (là tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines), Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TP. HCM yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời dừng đưa các tổ bay vào khu cách ly của Vietnam Airlines ở TP.HCM. Khu cách ly này hiện đã được tiêu độc, khử trùng. Tất cả trường hợp cách ly tại đây đều được đưa về khu cách ly tập trung của TP.HCM. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Ảnh: N.Liên

Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo nhân dân TP.HCM và các công nhân đang cư trú ở TP.HCM cần chú ý thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế, nguyên tắc 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế, đặc biệt là vấn đề đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người.

Những trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần cần đến các cơ sở y tế khai báo để được giám sát, xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 kịp thời.

Nguyễn Liên

Cách ly 2 nhân viên quán cà phê ở Đồng Nai tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19

Cách ly 2 nhân viên quán cà phê ở Đồng Nai tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19

2 người ngụ ở Đồng Nai làm việc cho một quán cà phê ở TP.HCM tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 thứ 1347 vừa được cơ quan chức năng đưa đi cách ly.

Giáo viên nhiễm Covid-19 tiếp xúc gần 146 người, TP.HCM cách ly 235 người

Giáo viên nhiễm Covid-19 tiếp xúc gần 146 người, TP.HCM cách ly 235 người

Liên quan tới bệnh nhân 1342 (tiếp viên của Vietnam Airlines) và bệnh nhân 1347, TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 235 người liên quan, trong đó 157 người cách ly tập trung, 72 người cách ly tại nhà.