Nam bệnh nhân 30 tuổi (Hà Nội) tới khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để đăng ký làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) do tinh trùng kém, muộn con.

Tại bệnh viện, anh ngỡ ngàng khi nhận chẩn đoán mắc ung thư tinh hoàn. Được biết, bệnh nhân bị tinh hoàn ẩn đã lâu, 1 bên tinh hoàn nằm trong bụng, không sờ thấy. Tuy nhiên, một phần do không có triệu chứng đặc biệt, một phần vì chủ quan, người bệnh không đi khám.

Ths.Bs. Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Ngoại, Tiết niệu và Nam học, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân thông tin, bệnh tinh hoàn ẩn của người đàn ông chính là nguyên nhân khiến anh mắc ung thư tinh hoàn.

Sau khi trữ đông tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn ung thư.

Bác sĩ Việt cho biết, ung thư tinh hoàn là sự phát triển khối u ác tính xuất phát từ một trong hai tinh hoàn. Căn bệnh này chiếm khoảng 1% ung thư ở nam giới, 5% ung thư đường sinh dục - tiết niệu. 

{keywords}
Hình minh họa

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư tinh hoàn, trong đó chủ yếu là do bệnh lý tinh hoàn ẩn như trường hợp người đàn ông nói trên. Theo các thống kê, khoảng 25 đến 40% số ca ung thư tinh hoàn do mắc tinh hoàn ẩn.

Bệnh tinh hoàn ẩn không khó để nhận ra. Cụ thể, nếu 1 hoặc 2 tinh hoàn không nằm dưới bìu, không thể sờ thấy hoặc 1 bên quá cao so với bên còn lại, rất nhiều khả năng bạn đã mắc bệnh này.

Tuy nhiên, nhiều nam giới do hiểu biết kém hoặc chủ quan nên không đi điều trị. Chỉ đến khi thấy các triệu chứng đau tức bụng  hoặc thấy muộn con, nhiều người đi khám thì bệnh đã tiến triển ung thư.

Những yếu tố nguy cơ khác có thể gây ung thư tinh hoàn bao gồm tiền sử quai bị gây teo tinh hoàn, tiền sử đã bị ung thư tinh hoàn 1 bên, viêm tinh hoàn - mào tinh, viêm nhiễm đường sinh dục - tiết niệu tái phát nhiều lần...

Bác sĩ Việt cho biết, ung thư tinh hoàn có tỷ lệ chữa khỏi cao hơn rất nhiều so với các bệnh ung thư khác. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến trên 70%, thậm chí trên 90%.

Phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn ung thư và nạo vét hạch (nếu có). Theo từng giai đoạn và thể bệnh, có thể phối hợp thêm hóa trị, xạ trị sau mổ. Trước điều trị, bệnh nhân thường được tư vấn trữ đông tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản trong trường hợp vẫn muốn có con.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân ung thư tinh hoàn thường không có triệu chứng đặc biệt. Một số người có cảm giác vướng víu ở bìu, có thể thấy tinh hoàn hơi đau, sờ thấy 1 bên tinh hoàn to hơn 1 chút so với bên còn lại. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường không rõ ràng nên bệnh nhân dễ bỏ qua.

Giai đoạn muộn hơn khi khối u đã phát triển lớn, bệnh nhân có thể sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau lưng do khối u di căn chèn ép vào các cơ quan khác.

Bác sĩ Việt khuyến cáo, khi thấy có triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, do ở giai đoạn đầu, bệnh này thường không gây đau hay triệu chứng đặc biệt, khối u lại nằm sâu trong tinh hoàn (như lòng đỏ trứng gà) nên rất khó để nhận biết. Cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh ung thư hoàn, theo bác sĩ Việt là nên đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ để được siêu âm tinh hoàn.

Nguyễn Liên

Chủ tịch hội Truyền nhiễm: "Chủng nCoV Đà Nẵng lây lan nhanh, độc lực không đổi"

Chủ tịch hội Truyền nhiễm: "Chủng nCoV Đà Nẵng lây lan nhanh, độc lực không đổi"

Chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ.