Chị Nguyễn Thị Hương, 43 tuổi sống tại Quảng Ninh chưa bao giờ nghĩ có ngày mình mắc ung thư vú. Chị có cuộc sống tươi vui, cơ thể khoẻ mạnh nhưng tình cờ phát hiện ra bệnh trong một lần thăm khám sức khoẻ định kỳ.

“Cảm giác đầu tiên là hoang mang, sợ hãi, rất nhiều câu hỏi ngổn ngang trong đầu, tại sao lại là mình, mình sẽ ra sao, mình sắp chết sao…”, chị Hương nhớ lại.

Khi đến BV K điều trị, bác sĩ cho biết khối u của chị có kích thước khá lớn, 5x6 cm, do đó cần phải hoá trị trước khi phẫu thuật.

“Thời điểm đó tinh thần tôi như suy sụp hoàn toàn, chưa biết tiên lượng kết quả điều trị ra sao lại nghĩ cơ thể mình sẽ mất vĩnh viễn một bên vú khiến tôi vô cùng lo lắng, stress. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, rất nhiều bệnh nhân ung thư vú khác cũng có chung tâm lý này”, chị Hương chia sẻ.

{keywords}

Hình ảnh 2 bên ngực của chị Dương được tái tạo lại sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u 

 

Chị Nguyễn Thị Dương, 37 tuổi ở Thái Bình cũng được chẩn đoán ung thư vú trái, khối u 3x4 cm. Chị Dương đã trao đổi với các bác sĩ, tha thiết mong muốn vừa được phẫu thuật cắt u vừa được tạo hình thẩm mỹ lại ngực.

“Tôi luôn hy vọng sẽ có phương án này vì rất khó để chấp nhận cơ thể mình mất một bên ngực. Trước khi phẫu thuật, thực sự tôi rất lo”, chị Dương trải lòng.

TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại Vú, BV K cho biết, rất may 2 bệnh nhân nói trên đều nhập viện khi bệnh chưa tiến triển sang giai đoạn cuối, có thể can thiệp phẫu thuật kết hợp thẩm mỹ.

Theo đó, bác sĩ sẽ cắt khối ung thư, sau đó phẫu thuật tạo hình, sử dụng vạt da cơ mỡ của cơ thẳng ở bụng để tái tạo bên vú bị cắt bỏ. Phần vạt da mỡ sẽ được cắt gọt, tạo hình khéo léo để tạo thành bầu vú.

Toàn bộ mạch máu của vạt da mỡ cũng được phẫu tích, nối với mạch máu ở thành ngực để nuôi sống vú mới. Thành bụng nơi lấy vạt da mỡ bụng được tái tạo lại giống như phẫu thuật thẩm mỹ lấy mỡ bụng.

Với bên còn lại, bác sĩ sẽ nâng ngực bằng silicon để tạo sự hài hoà, cân xứng 2 bên ngực.

Sau phẫu thuật, cả chị Hương và Dương đều không giấu khỏi những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy cơ thể mình vẫn vẹn nguyên. Thêm vào đó, phần mỡ ở bụng dưới cũng trở nên thon gọn không ngờ sau khi được lấy bớt để tái tạo tuyến vú. Tuy nhiên đây là kĩ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải chuẩn bị cực kỳ công phu, phẫu tích tỉ mỉ.

TS Quang chia sẻ, nhờ những tiến bộ trong y học nên bệnh nhân ung thư vú hiện nay có thể kết hợp phẫu thuật “3 trong 1” khi vừa cắt bỏ được khối u, vừa đảm bảo thẩm mỹ ngực và thon gọn bụng.

Trước đây, bệnh nhân ung thư sẽ phải cắt bỏ cả tuyến vú khiến rất nhiều chị em tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Với những bệnh nhân không được tạo hình lại vú ngay khi phẫu thuật, sau khi vết sẹo cắt tuyến vú lành có thể tìm đến các bác sĩ phẫu thuật tạo hình tái tạo lại vú bằng bằng vạt da và mỡ bụng, vạt cơ vùng lưng, đặt túi độn ngực, giãn da sau đó đặt túi độn ngực, ghép mỡ tự thân... tùy vào mức độ tổn thương của da, tuyến và cơ nơi cắt bỏ vú.

Thúy Hạnh

Người phụ nữ nhiều năm phải nhét giẻ vào ngực vì lý do đau đớn

Người phụ nữ nhiều năm phải nhét giẻ vào ngực vì lý do đau đớn

Suốt 6 năm ròng, mỗi lần đi ra ngoài, chị Lan phải lấy giẻ nhét vào ngực, làm gì cũng gượng gạo, không dám cử động mạnh.