- Vùng vẫy, hoảng loạn, tuyệt vọng trong cuộc chiến giảm cân là câu chuyện của rất nhiều chị em phụ nữ. Thừa cân quá mức chẳng những ảnh hưởng tới sức khỏe mà chất lượng sống của họ và người thân cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vật vã giảm cân

Chị Nguyễn Thanh Thảo (tên nhân vật đã được thay đổi), 50 tuổi, chủ một công ty kinh doanh mỹ phẩm tại quận 7, TP.HCM từng quay cuồng, vật vã, đau khổ tìm mọi cách giảm cân.

Giai đoạn cao điểm nhất chị Thảo nặng tới 97kg. Để giảm được 30kg chị đã phải trải qua biết bao đau đớn cùng cực cả về tinh thần lẫn thể xác.

{keywords}
Giảm cân là cuộc chiến khốc liệt đầy căng thẳng. (Ảnh minh họa)

“Cách đây vài tháng tôi vẫn còn nặng 97kg. Trọng lượng cơ thể nặng nề khiến tôi đi lại khó khăn. Các khớp chân, tay của tôi đau nhức vì bị quá tải. Tôi thường xuyên chóng mặt, nhức đầu bởi huyết áp cao. Tất cả bệnh tật như đổ hết xuống tôi, nào là máu nhiễm mỡ, sỏi mật, tiểu đường…”, chị Thảo nhớ lại.

Tuy nhiên, điều làm chị Thảo ám ảnh hơn cả là bề ngoài ngoại cỡ của mình: “Là phụ nữ, doanh nhân thành đạt thì hình thức đóng vai trò hết sức quan trọng. Tôi không thể mặc vừa các đồ thời trang đẹp đẽ. Ngay cả họp lớp tôi còn không dám đi, tôi không chịu nổi ánh nhìn của mọi người”.

Một người béo phì, cả nhà stress

Dù có người chồng hết mực yêu thương nhưng chị Thảo mặc cảm, chọn cách co rút lại rồi tự làm tổn thương chính mình.

Anh Dũng, chồng chị, không thể quên được chuỗi ngày khó khăn nhất: “Cô ấy né tránh chuyện quan hệ vợ chồng, tự đóng cửa, nhốt mình trong phòng. Tôi và các con lo quá, gõ cửa thì cô ấy cáu bẳn, thậm chí la hét, ném đồ”.

Cả gia đình bị stress theo, không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề, việc kinh doanh của công ty cũng bị bỏ bê. Nghe bạn bè khuyên bảo, anh Dũng đưa vợ đi khám bác sĩ tâm lý, càng buồn hơn khi biết vợ bị bệnh trầm cảm.

“Bác sĩ nói vợ tôi đang trong trạng thái tâm lý nguy hiểm, rất dễ tự tử. Sợ vợ làm chuyện dại dột, tôi nghỉ hẳn ở nhà để trông nom cô ấy. Đệm được kê khắp nơi dưới mặt đất đề phòng cô ấy nhảy lầu. Hễ nghe tiếng động lạ trong phòng là tôi chạy vào ngay”, anh Dũng kể.

Cảm thấy không thể kéo dài tình trạng như vậy, anh Dũng khuyên vợ giảm cân. Ngoài các biện pháp can thiệp, anh cũng đồng hành tập luyện cùng để vợ thêm động lực.

Chị Thảo cho biết mình đã từng đi phẫu thuật lóc mỡ, hút mỡ tay, vô cùng đau đớn. Vết mổ phải 2-3 tháng sau mới hết thâm. Sau ca mổ tay phải của chị cử động khó khăn, bị tê bì, tối nào cũng phải nhờ chồng xoa bóp.

Chị còn uống nhiều loại thuốc giảm cân, xuống còn 86kg xong lại bị tăng trở lại.

Cuối cùng, chị Thảo tham gia liệu trình giảm cân khoa học, kết hợp giữa luyện tập và chế độ ăn uống hợp lý. Nhờ kiên trì mà sau vài tháng chị đã giảm từ 97kg còn 67kg.

Đừng chờ béo phì mới lo giảm cân

Trường hợp của chị Thảo không phải duy nhất. TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM từng tư vấn cho những phụ nữ thừa cân béo phì quá mức, muốn làm phẫu thuật thắt dạ dày.

Tuy nhiên, khi trò chuyện với các bệnh nhân của mình, bác sĩ Tâm đều giải thích rất kỹ: “Muốn giảm cân được trước tiên phải xác định vững vàng về tư tưởng. Chị thực sự muốn giảm cân chưa, có lường trước hết những khó khăn phải đối mặt? Bởi giảm cân bền vững phải có sự kết hợp giữa chế độ ăn uống và luyện tập. Tất cả các giải pháp giảm cân kiểu ép xác chỉ mang tính nhất thời mà còn tiêu cực cho sức khỏe”.

Muốn giảm cân an toàn phải thỏa mãn được 3 yếu tố: Kiên trì, liệu trình giảm ăn từ từ (ăn bằng 2/3 bình thường và bớt tinh bột chứ không bỏ hẳn, hạn chế đồ dầu mỡ, chiên xào), kết hợp vận động.

Bác sĩ Tâm nhắn nhủ các chị em: “Thừa cân béo phì đang là một vấn nạn của phụ nữ sau 35. Bởi bắt đầu từ độ tuổi này, cơ thể không còn chuyển hóa tốt như trước, dễ tích mỡ hơn.

Đừng chờ béo phì mới lo giảm cân mà chị em cần luôn ý thức trong việc ăn uống. Bởi khi nhìn thấy rõ bị béo phì thì dù có ép cân cách mấy cũng vẫn ở mức mập mạp hơn bình thường, không thể trở lại dáng hình gọn gàng như cũ được”.

Thanh Huyền