Nhiều F0 phản ánh bị “bỏ quên”

Trao đổi với VietNamNet, anh Nguyễn Văn An, quận Hai Bà Trưng cho biết gia đình 6 người của anh có 3 thành viên mắc Covid-19. Một F0 mang bệnh nền, chưa tiêm vắc xin Covid-19 đã được đưa đi điều trị tập trung sau 3 ngày chờ đợi.

Tuy nhiên, 2 F0 còn lại là vợ con anh sau 4 ngày vẫn chưa nhận được sự tư vấn, giúp đỡ từ nhân viên y tế địa phương. “Hai mẹ con cùng có triệu chứng ho và sốt, vợ tôi thì đôi lúc có khó thở, SPO2 dưới 90. Mấy ngày qua, gia đình chỉ dùng thuốc tự mua có sẵn trong nhà, không được phát thuốc hay hướng dẫn dùng thuốc thế nào cả”, anh An tâm sự.

Anh cho biết, điều gia đình quan ngại nhất là vấn đề cách ly, khử khuẩn như thế nào để tránh lây chéo cho các thành viên còn lại trong nhà cũng chưa nhận được sự tư vấn. Hiện nay, anh An cùng những người còn lại tự lên tầng trên để cách ly với 2 F0.

“Dù có cách ly theo tầng, chúng tôi vẫn hoang mang, chưa kể trong số F1 còn cháu nhỏ chưa được tiêm vắc xin”, anh nói. Người đàn ông cũng chia sẻ, gia đình hiểu sự vất vả của nhân viên y tế nên không muốn đòi hỏi, tuy nhiên rất mong nhận được sự quan tâm, hướng dẫn để yên tâm điều trị, cách ly tại nhà.

Chị Trần Mai Anh, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai thì tâm sự, gia đình chị có 3 người, trong đó người chồng và con trai 4 tuổi đã là F0. Hiện bé sốt theo cơn và có ho, còn chồng chị xuất hiện sổ mũi, đau họng và ho nhiều. Thấy con sốt cao, chị báo y tế phường nhưng gần 2 ngày vẫn chưa thấy ai tới nên rất lo lắng.

“Gia đình chúng tôi đã chuẩn bị đủ thuốc rồi, chỉ mong được kiểm tra sức khỏe và có phác đồ, hướng dẫn điều trị. Nhân viên y tế có hẹn qua nhưng vẫn chưa thấy đâu”, chị Mai Anh nói.

Phạm Hải Linh (23 tuổi), F0 ở huyện Thanh Trì vừa được đưa đi điều trị tập trung tại một Trạm y tế lưu động sau vài ngày tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Linh tâm sự, ban đầu cô nghĩ vào trạm y tế sẽ có nhân viên theo dõi sức khỏe hàng ngày và phát cho thuốc uống. Tuy nhiên, ở khu điều trị, cô chỉ được phát đồ dùng vệ sinh cá nhân, phát cơm hàng ngày chứ không được cấp thuốc hay thăm khám.

Linh có triệu chứng ho và đã báo cáo, nhưng không thấy nhân viên y tế phản hồi nên tự dùng thuốc ho mang theo từ nhà. Cô được dặn dò, nếu có triệu chứng bất thường thì thông báo ngay cho trạm y tế lưu động.

“Với tình hình thế này thì mình nghĩ cách ly, điều trị tại nhà còn tốt hơn. Phòng mình có 4 người, không quá bất tiện nhưng đồ ăn thì khá ít cho 1 người đang bệnh”, cô cho hay.

{keywords}
Nhân viên y tế tại quận Hoàng Mai tới phát thuốc cho F0 trên địa bàn - Ảnh: N.Liên

Y tế phường làm việc gấp 4-5 lần để đáp ứng công việc khi F0 tăng

Thông tin với VietNamNet ngày 21/12, một lãnh đạo ngành y tế quận Hai Bà Trưng cho biết đã có chỉ đạo trạm y tế phường quan tâm sâu sát hơn tới các F0 đang cách ly điều trị tại nhà. Hiện quận đã đưa vào triển khai phần mềm quản lý F0 tại cộng đồng. Vị này cũng cho hay, do số lượng thuốc có hạn, F0 sẽ được phân loại và “không phải trường hợp nào cũng được phát thuốc”.

Một trạm phó trạm y tế tại quận Hoàng Mai chia sẻ, trạm hiện có 10 nhân viên, thực hiện cùng lúc rất nhiều công việc, ngoài theo dõi, chăm sóc F0 điều trị tại nhà còn tiêm vắc xin Covid-19, lấy mẫu trường hợp ho sốt cộng đồng, khoanh vùng xử lý ca nhiễm mới, làm các công việc hành chính,… chưa kể một số lượng lớn F1 đang cách ly tại nhà cũng cần theo dõi, quản lý.

Mỗi ngày, y tế phường còn tiếp nhận và giải đáp, tư vấn rất nhiều thắc mắc cho bà con,… “Rất vất vả vì người thì mỏng, việc thì nhiều. Giai đoạn này, chúng tôi hôm nào cũng đi sớm về muộn”, chị tâm sự.

Theo lãnh đạo Trung tâm y tế quận Hoàng Mai, các trạm y tế phường hiện đảm đương cùng lúc rất nhiều nhiệm vụ, chỉ với đội ngũ nhân lực từ  8-10 người ở mỗi trạm y tế sẽ là gánh nặng rất lớn. “Cán bộ y tế hiện phải làm việc gấp 4-5 lần so với khối lượng công việc bình thường, hầu như không có ngày nghỉ”, vị này nói.

Để giảm bớt sự quá tải cho y tế phường, Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai đã có phương án huy động lực lượng cán bộ y tế của các phòng khám đa khoa trên địa bàn tăng cường cho công tác lấy mẫu, làm xét nghiệm đến điều tra, truy vết và điều trị F0 tại cộng đồng. 

{keywords}
Nhân viên y tế dặn dò một gia đình có F0 điều trị tại nhà - Ảnh: N.Liên

“Cần nhanh chóng tăng cường nhân lực cho y tế phường”

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, TP nên nhanh chóng tăng cường nhân lực cho y tế phường, có thể kêu gọi các bệnh viện tư nhân, nhà thuốc, các thầy thuốc nghỉ hưu, tình nguyện viên,… tham gia hỗ trợ. Đồng thời, phân chia đầu việc rõ ràng để lực lượng y tế phường không phải cùng lúc đảm đương quá nhiều nhiệm vụ.

“Ví dụ, vấn đề giám sát và hướng dẫn cách ly, hậu cần cho F0, khoanh vùng,… có thể giao cho lực lượng khác như tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng. Vấn đề giải đáp, tư vấn bệnh cho F0 nên huy động nhóm y bác sĩ, dược sĩ có kinh nghiệm đã nghỉ hưu hoặc nhân viên y tế các phòng khám tư trên địa bàn tham gia”, PGS Hùng nêu ý kiến.

Ông nhấn mạnh, khi số nhiễm lớn, điều rất quan trọng là phải có nhiều kênh thông tin, liên lạc thường trực 24/24, giao trách nhiệm rõ ràng để người bệnh có thể xin tư vấn từ xa, yêu cầu hỗ trợ khi cần.

“Dù có triển khai biện pháp nào thì việc đảm bảo đời sống sinh hoạt, sức khỏe, tính mạng người dân vẫn phải đặt lên hàng đầu. Nếu để bệnh nhân ở nhà mà gọi đến mấy tiếng đồng hồ vẫn không được giải đáp thì không ổn. Khi mắc bệnh, tâm lý họ rất lo lắng, cần sự tư vấn chính thức”, PGS Hùng chia sẻ.

Về vấn đề triển khai trạm y tế lưu động để điều trị tập trung F0, PGS Hùng nêu quan điểm, các đơn vị này chỉ nên nhận nhiệm vụ thu dung, cấp cứu ban đầu những F0 điều trị tại nhà trở nặng (có biểu hiện khó thở, sốt cao…). Đặc biệt, trạm y tế lưu động phải được bố trí đủ nhân lực, tránh trường hợp một vài nhân viên y tế chăm sóc cả trăm F0.  

“Khi điều trị tập trung, cán bộ y tế không chỉ thăm khám mà còn phải lo về mặt hậu cần, chăm sóc hàng ngày cho người bệnh. Nếu số F0 quá lớn, trạm lưu động quá tải có thể dẫn đến “tác dụng ngược”, tức là bệnh nhân không được chăm sóc đầy đủ, thậm chí có nguy cơ tăng chuyển nặng. F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tốt nhất là tự cách ly, theo dõi y tế tại nhà để tránh quá tải cho trạm y tế lưu động”, PGS Hùng nói.

Cũng theo ông, mỗi người dân cần chủ động lập phương án về nơi cách ly, hậu cần, thuốc men (thuốc hạ sốt, vitamin)… phòng tình huống bản thân, gia đình nhiễm Covid-19.

Rộng hơn, từng tòa nhà, khu nhà, tổ dân phố nên hỗ trợ người dân xác định trước trường hợp nào đủ điều kiện cách ly tại nhà để sẵn sàng đáp ứng khi có F0.

“Nếu có ca nhiễm rồi mới chờ y tế, chính quyền tới khảo sát thì sẽ rất mất thời gian, thậm chí có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh do phải chờ đợi chính quyền ra quyết định hình thức cách ly tại nhà hay tập trung”, PGS Hùng cho hay.

“Quan trọng nhất, ngành y tế cùng chính quyền cơ sở phải có phương án đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân như chuẩn bị và phát đủ các túi thuốc, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn, thăm khám cho F0 khi họ cần hỗ trợ. Bên cạnh có, đảm bảo đáp ứng vận chuyển, thu dung bệnh nhân nếu họ chuyển nặng”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Hải Bình

Hà Nội thêm 1.646 ca Covid-19, với 483 F0 trong cộng đồng

Hà Nội thêm 1.646 ca Covid-19, với 483 F0 trong cộng đồng

Sở Y tế Hà Nội hôm nay công bố 1.646 trường hợp Covid-19 với 483 ca cộng đồng, 1.074 trường hợp đã cách ly từ trước và 89 người trong khu phong tỏa.

Hà Nội thêm 1.704 ca Covid-19, F0 cao nhất tại Đống Đa, Hoàng Mai

Hà Nội thêm 1.704 ca Covid-19, F0 cao nhất tại Đống Đa, Hoàng Mai

Ngày 21/12, Hà Nội ghi nhận 1.704 ca Covid-19, trong đó có 485 ca ở cộng đồng, 1.130 ca tại khu cách ly và 89 ca trong khu phong tỏa.