Lễ tang của Diệp đã bắt đầu được tổ chức tại quê nhà Hải Hậu, Nam Định từ chiều nay 29/11.

Ông Nguyễn Quốc Phòng, bố của Diệp cho biết, con gái ra đi vào lúc 1h30’ rạng sáng ngày 29/11. Trước đó, cô đã về quê được hơn 1 tuần, đang trong thời gian chờ đợi để được ghép gan lần 2.

Ngày 16/12 tới đây là sinh nhật của Diệp, nhưng cô đã không thể đón sinh nhật lần thứ 25 của mình.

Ông Phòng chia sẻ, những ngày cuối đời, Diệp rất yếu do ngoài xơ gan nặng còn mắc thêm bệnh xuất huyết dạ dày. Biết mình khó qua khỏi, Diệp nói với bố mẹ: “Bệnh của con có lẽ không sống được lâu nữa. Con biết ơn bố mẹ vì đã chăm sóc con đến tận giờ này và cũng xin lỗi vì không thể tiếp tục ở bên bố mẹ”.

{keywords}
Chân dung bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp - người đầu tiên được ghép gan tại Việt Nam - Ảnh: FBNV

Nguyễn Thị Diệp sinh năm 1995, là con gái út của vợ chồng ông Phòng. Ngay khi sinh ra, cô được phát hiện teo đường mật, năm 3 tuổi phải phẫu thuật nối đường mật với ruột. Năm 9 tuổi, bệnh tình chuyển biến xấu, Diệp bị biến chứng xơ gan, buộc dừng lại việc học để lên Hà Nội điều trị.

"Tôi cứ ngỡ con sẽ không qua khỏi”, bà Phạm Thị Thoa, mẹ của Diệp kể lại. Thế nhưng, may mắn sau đó đã mỉm cười với Diệp và gia đình khi cô được chọn để thực hiện ca ghép gan tại Học viện Quân Y. Người phù hợp để hiến gan cho cô là bố ruột.

Thời gian chuẩn bị cho ca phẫu thuật đúng vào những ngày giáp Tết, hai bố con phải nằm cách ly tại viện để theo dõi. Khi đó, Diệp lấy những lời động viên của bố để có thêm sức mạnh: "Chỉ cần qua ca phẫu thuật này, con sẽ không còn đau nữa”.

Sáng 31/1/2004, Diệp và bố được đưa vào phòng phẫu thuật. Giáo sư, tiến sĩ Lê Thế Trung -  nguyên giám đốc Học viện Quân y khi ấy là chỉ huy kíp mổ. Để tiến hành ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên, các y bác sĩ Học viện Quân y – Bệnh viện Quân y 103 phải chuẩn bị trong 5 năm, cử nhiều chuyên gia đi nước ngoài học ghép gan, miễn dịch, huyết học... Trong ca mổ, các chuyên gia Nhật Bản, đứng đầu là GS M. Makuuchi cũng có mặt để hỗ trợ.

Sau 15 giờ phẫu thuật, giáo sư Trung rời phòng mổ. Ông xúc động khi ca mổ thành công ngoài mong đợi. "Gan tách ra từ bố ghép vào con vừa khớp với nhau, màu sắc hồng hào, khỏe mạnh", giáo sư nói sau ca mổ năm ấy.

{keywords}
Diệp và bố sau ca ghép gan lịch sử tháng 1/2004 - Ảnh: NVCC

Giai đoạn nguy hiểm nhất trong thời kỳ hậu phẫu là 40 ngày đầu tiên. Diệp phải chống đỡ với ba đợt thải ghép cấp và hai lần biến chứng do mang trong mình bộ phận lạ. Sau 2 tháng, sức khỏe cô khá hơn, tăng 2 kg, các chỉ số đều tốt.

Từ sau ca mổ, Diệp luôn nhắc nhở bản thân phải giữ gìn và bảo vệ lá gan bố dành tặng. Sức khỏe tốt lên cũng giúp cô gái rụt rè ngày trước nhanh chóng hòa nhập, tự tin và năng động hơn.

Khi tốt nghiệp Trung cấp Quân y, Diệp được Bệnh viện Quân y 103 nhận vào làm việc tại Khoa Dược. Công việc của cô là bốc thuốc, cân thuốc, phân loại thuốc. Diệp được đồng nghiệp ưu tiên làm việc trong giờ hành chính, không phải trực đêm. Cô vẫn uống thuốc chống thải ghép và đều đặn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi tháng.

Một năm gần đây, sức khỏe của cô gái trẻ chuyển biến xấu. Ban đầu, cô thấy mệt mỏi, bụng chướng và đi ngoài nhiều, tuy nhiên tưởng do ăn uống khó tiêu nên chủ quan không đi khám. Một thời gian sau, thấy bụng chướng to bất thường, Diệp thông báo cho bác sĩ và được chỉ định xét nghiệm ngay, kết quả phát hiện men gan tăng cao, có dịch trong ổ bụng. Sau hội chẩn, bác sĩ kết luận Diệp bị xơ gan, cần nhập viện gấp.

Từ đó đến nay, cuộc sống của Diệp gắn với giường bệnh. Do sức đề kháng quá yếu, cô chỉ ăn được vài thìa cơm mỗi bữa, còn lại phải phụ thuộc vào truyền đạm, abumin, cách một ngày truyền 2 lọ huyết tương. Sức khỏe Diệp giảm sút nghiêm trọng, có lúc vừa về nhà lại phải nhập viện cấp cứu.

{keywords}
Diệp thời gian điều trị tích cực tại Phòng Cấp cứu, khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân Y 103. Sức khỏe cô yếu hơn, toàn thân và mắt nhuộm một màu vàng - Ảnh: T.An

Phó giáo sư Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103, cho biết, Diệp là trường hợp ghép gan có kết quả dài nhất ở Việt Nam tính đến nay. Bệnh nhân đã sống với lá gan ghép trong hơn 16 năm. Song, gan ghép cũng có tuổi thọ, những diễn biến của Diệp có lẽ là điều khó tránh khỏi.

Các bác sĩ đã tính đến việc sẽ ghép gan lần 2 cho Diệp, nhưng do sức khỏe chưa thể đáp ứng cho cuộc đại phẫu, cô được đưa vào danh sách chờ ghép. So với ghép gan lần một, bác sĩ dự đoán trong lần tái ghép, Diệp sẽ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn do cô còn mắc bệnh động kinh, hệ miễn dịch đã suy giảm.

Thời gian nhập viện khi bệnh diễn tiến nặng, Diệp vẫn lạc quan động viên mọi người tin vào y học. Nắm chặt tay mẹ, cô nói "con phải sống", bởi không muốn dừng lại ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Tuy nhiên, cô đã không thể chờ đợi đến ngày có thể được ghép gan lần 2.

Nguyễn Liên

Bệnh nhân đầu tiên ghép gan ở Việt Nam qua đời

Bệnh nhân đầu tiên ghép gan ở Việt Nam qua đời

Thời gian gần đây, bệnh nhân được phát hiện có tình trạng men gan tăng cao, xơ gan. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị nhưng các dấu hiệu không thuyên giảm.