Cách đây không lâu, hàng loạt người dân từng chia sẻ câu chuyện của cô gái trẻ ở TP.HCM “trở về từ cõi chết” do tắm gội đêm. Cô gái chia sẻ, vì đi làm về mệt nên ngủ quên, 10h đêm mới tỉnh dậy đi tắm, gội đầu.

Thế nhưng khi vừa gội đầu xong, bước ra cửa nhà tắm, cô thấy đầu óc quay cuồng, choáng váng, nhức bưng bưng, không thể nhận thức được, tay chân có dấu hiệu tê lại.

{keywords}
Nhiều người có thói quen tắm đêm


Ngay lập tức, cô gọi mẹ cạo gió nhưng cũng không đỡ, sợ bị đột quỵ nên gia đình đưa cô vào BV cấp cứu. Sau 3 tiếng được truyền dịch, bóp tay chân, truyền dịch, sức khoẻ cô dần ổn định.

Tắm đêm có gây đột quỵ?

TS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định tắm gội đêm là nguy cơ gây đột quỵ mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy ngâm mình trong nước lạnh đột ngột có thể kích hoạt dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc mất trí nhớ thoáng qua.

Theo TS Chính, các tài liệu y khoa trên thế giới cho thấy đột quỵ thay đổi theo mùa, tỉ lệ mắc đột quỵ cao hơn hẳn vào mùa đông. Bệnh nhân bị đột quỵ vào mùa đông cũng có tiên lượng xấu hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn hẳn.

Bằng chứng, những ngày mùa đông, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ chuyển vào khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai thường tăng 10-15%, trung bình 35-45 ca/ngày, trong đó tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong cũng tăng hơn ngày thường.

Trong nghiên cứu mang tính bước ngoặt, người ta nhận thấy rằng nhiệt độ giảm 5 độ C sẽ khiến tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ tăng thêm 7%.

"Đặc biệt, các thống kê chỉ ra đột quỵ xảy ra nhiều nhất vào thời điểm ban ngày từ 8-12h. Ban đêm cũng xảy ra nhưng không thường xuyên”, TS Chính nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những người có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là rung nhĩ, thì đột quỵ có thể xảy ra bất cứ khi nào và bất cứ thời điểm nào.

Về hiện tượng chóng mặt, choáng váng sau tắm gội đêm, TS Chính cho rằng đó là do hiện tượng giãn mạch vì tắm nước nóng. Đây là hiện tượng khá phổ biến trong mùa lạnh.

{keywords}
TS. Lương Quốc Chính (giữa)


“Khi thời tiết lạnh, mạch máu luôn co lại. Khi tắm, nhất là tắm vào ban đêm bằng nước ấm, mạch máu khi đó sẽ giãn ra khiến máu ở trung tâm dồn ra ngoại vi đột ngột gây hiện tượng “ăn cắp máu”. Đây là nguyên nhân làm giảm lượng máu đến tim, đến não, gây hiện tượng choáng váng, ngất xỉu sau tắm. Hiên tượng này khác với đột quỵ”, TS Chính giải thích.

Đây cũng là lý do khi đi tắm thuốc bắc, ngâm mình trong bồn nước nóng thuốc bắc, nhiều người cảm thấy lâng lâng, choáng váng tưởng bị say thuốc.

Tắm đúng cách vào mùa đông

Để tránh hiện tượng choáng váng sau tắm, cần làm quen với nước từ từ bằng cách để vùng chân, tay tiếp xúc với nước trước rồi mới đến toàn thân, tránh hiện tượng bị lạnh đột ngột.

Nhiệt độ nước lý tưởng để tắm là bằng nhiệt độ cơ thể (37 độ C), không quá nóng, quá lạnh và cần tắm ở nơi kín gió. Ngoài ra, mọi người nên vận động nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể trước khi tắm. Sau khi ngâm mình trong nước nóng, cần đứng dậy một cách từ từ.

TS Chính cũng khuyến cáo người dân không nên tắm quá khuya trong thời tiết lạnh giá. Không nên tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

Trường hợp bị choáng váng sau tắm, cần nằm nghỉ ngơi, nằm đầu thấp giúp máu phân bố lại tốt hơn và hiện tượng choáng váng sẽ hết sau một khoảng thời gian ngắn.

Thúy Hạnh

 

Trung Quốc không dùng an cung phòng đột quỵ, người Việt coi như thần dược

Trung Quốc không dùng an cung phòng đột quỵ, người Việt coi như thần dược

Tại Trung Quốc - “quê hương” của an cung cũng không dùng loại thuốc này để ngừa đột quỵ, chưa kể trong thuốc có thạch tín, thủy ngân, bệnh nhân không nên dùng.