Trong vòng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường ở Việt Nam là 211%, cao gấp 3 lần tỉ lệ gia tăng trung bình của thế giới. Mỗi ngày có 150 người Việt chết vì đái tháo đường, cao gấp 7 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Bệnh đái tháo đường là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nhưng lại ít được chú ý tại Việt Nam. Các chuyên gia cảnh báo, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỉ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 5 triệu người mắc bệnh này nhưng phần lớn (65%) không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường...

Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, trước đây, bệnh ĐTĐ typ 2 thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi. Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ ngày càng nhiều. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân ĐTĐ typ 2 mắc bệnh ở lứa tuổi còn rất trẻ: 11 - 15 tuổi, không chỉ ở thành phố lớn như Hà Nội mà ở cả tỉnh miền núi như Phú Thọ. Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh ở lứa tuổi thiếu niên. Đây là yếu tố nguy cơ cao của bệnh ĐTĐ typ 2.

Đái tháo đường đang thực sự là gánh nặng của xã hội khi số người bị bệnh không ngừng gia tăng, chi phí điều trị bệnh cũng là vấn đề nan giải với thời gian điều trị kéo dài. Theo thống kê, mỗi năm, nước ta tốn khoảng 3 đến 6% ngân sách của ngành y tế để dành cho việc chữa trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Đối với những bệnh nhân nằm viện, chi phí điều trị bệnh có khi lên tới con số hàng trăm triệu đồng.

{keywords}
Tháp dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường

Tuy nhiên, theo Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) và Hội Nghiên cứu Đái tháo đường châu Âu (EASD), người bệnh đái tháo đường có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để có sức khỏe, sức đề kháng tốt. Nhờ đó, bệnh tiểu đường có thể “ngủ yên”, không sinh ra nhiều biến chứng và người bệnh tiểu đường sống bình thường như những người không mắc bệnh.

10 dấu hiệu phổ biến cảnh báo bị Đái tháo đường:

Khát nước và đi tiểu nhiều

Sụt cân đột ngột

Suy nhược, mệt mỏi

Da khô, ngứa hoặc có vảy

Ngứa ran hoặc tê

Đói liên tục

Chậm lành vết thương

Nhìn mờ

Nhiễm trùng thường xuyên

Khó chịu, cau có

D.Minh (tổng hợp)