Nữ sinh này sinh năm 2004, trú tại xã Dương Hưu, huyện Sơn Động, Bắc Giang. Em là 1 trong 2 học sinh bị sốc phản vệ nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở Bắc Giang.

Trao đổi với VietNamNet chiều 2/12, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân đã ngừng can thiệp ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) từ ngày 30/11, cũng không còn phải thở máy. Đến nay, trẻ tỉnh táo, có thể tiếp xúc, nói chuyện được.

“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang theo dõi tiến trình phục hồi tim mạch người bệnh và loại trừ các biến chứng có thể xảy ra sau này, giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sức khỏe”, đại diện bệnh viện thông tin.

Ngày 24/11, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Các bác sĩ cho biết, thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nguy kịch, tính mạng bị đe dọa bởi tim ở thể trạng rất yếu ớt. Ngay lập tức, kíp cấp cứu tiến hành quá trình hỗ trợ tim phổi (kỹ thuật ECMO) và điều trị tích cực. May mắn, nữ sinh đáp ứng điều trị tốt, dần hồi phục.

Trường hợp sốc phản vệ nặng còn lại là một học sinh nam, sinh năm 2005, cùng nhập viện Bạch Mai hôm 24/11. Tuy nhiên, do diễn tiến quá nặng, ngày 28/11, bệnh nhân không qua khỏi dù cũng được can thiệp cấp cứu tương tự.

Sở Y tế Bắc Giang đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn, đánh giá nguyên nhân tử vong. Sau khi phân tích các yếu tố dựa trên kết quả báo cáo điều tra, qua hồ sơ bệnh án, giấy tờ lưu có liên quan, Hội đồng thống nhất kết luận nguyên nhân dẫn đến diễn biến nặng của bệnh nhân là phản vệ độ 4 do phản ứng quá mẫn của cơ thể với vắc xin Covid-19. Hội đồng chuyên môn cũng loại trừ nguyên nhân do chất lượng vắc xin, thực hành tiêm chủng.

Từ tháng 11/2021, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em trên quy mô toàn quốc với loại vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất. Việc tiêm chủng được thực hiện trước với trẻ từ 16-17 tuổi, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm cho trẻ.

Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em triển khai tương tự chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi. Các điểm tiêm đặt tại trạm y tế xã/phường, các trường học, trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, tới ngày 30/11, có 10.673 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm.

Trên cả nước cũng xảy ra một số vụ việc trẻ gặp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Covid-19, trong đó có 3 học sinh tử vong ở Bắc Giang, Hà Nội và Bình Phước. Nguyên nhân tử vong đều được xác định liên quan đến phản ứng phản vệ độ 4, không do chất lượng vắc xin và thực hành tiêm chủng.

Bảo An

Thêm 22 học sinh phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở Thanh Hóa

Thêm 22 học sinh phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở Thanh Hóa

Ngoài 86 học sinh ở huyện Hoằng Hóa phải nhập viện do phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19, một số huyện ở Thanh Hóa cũng xảy ra tình trạng trên.