PGS. TS Nguyễn Vũ Trung, PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Trưởng Bộ môn Vi sinh và Bộ môn Vi sinh - Ký sinh trùng lâm sàng, Đại học Y Hà Nội chia sẻ với VietnamNet về các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 hiện có cũng như giá trị của chúng.

Có 2 nhóm kỹ thuật xét nghiệm chủ yếu để phát hiện nhiễm SARS-CoV-2: một loại phát hiện virus thông qua vật liệu di truyền (acid nucleic-ARN) của virus và một loại phát hiện đáp ứng miễn dịch của cơ thể với virus này.

Kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của virus

Hầu hết các kỹ thuật phát hiện vật liệu di truyền của virus là kỹ thuật sinh học phân tử, dựa vào nguyên lý khuếch đại gen (acid nucleic-ARN) của SARS-CoV-2. Kỹ thuật thường dùng nhất là PCR (Phản ứng chuỗi trùng hợp).

Các kỹ thuật này phát hiện sự có mặt của ARN virus trong mẫu bệnh phẩm từ người (người bệnh/hoặc người nghi ngờ) nhiễm virus. Loại bệnh phẩm thường dùng nhất là dịch ở họng mũi (tỵ hầu) và họng miệng (khẩu hầu).

Người ta dùng dụng cụ chuyên dụng - tăm bông đưa vào mũi với độ sâu nhất định để lấy dịch tỵ hầu và đưa vào họng miệng của bệnh nhân để lấy dịch ở đây.

Khả năng phát hiện virus ở dịch họng mũi cao hơn ở dịch họng miệng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, để phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR, nên lấy cả hai loại bệnh phẩm này. 

Người ta để chung cả hai loại dịch từ một người vào một ống có môi trường bảo quản. Môi trường này được vận chuyển về phòng xét nghiệm để xử lý, tách vật liệu di truyền, thực hiện kỹ thuật PCR để phát hiện sự có mặt của virus trong bệnh phẩm.

Với bệnh nhân bị viêm phổi, ngoài hai loại dịch kể trên, một số loại dịch tiết ở đường hô hấp dưới như đờm, dịch rửa phế quản…cũng có thể được dùng để xét nghiệm.

Một điều cần lưu ý là, khả năng cũng như tỷ lệ phát hiện SARS-CoV-2 ở từng loại bệnh phẩm, từng lần lấy bệnh phẩm sẽ khác nhau ngay cả ở cùng một người và khác nhau giữa người này với người khác.

Đặc biệt, khả năng phát hiện được virus cũng thay đổi qua các giai đoạn của bệnh. Một số bệnh nhân bị viêm phổi có thể có kết quả âm tính khi lấy dịch họng mũi, họng miệng nhưng lại có kết quả dương tính với xét nghiệm dịch ở đường hô hấp dưới hoặc bệnh phẩm khác như phân chẳng hạn.

Như vậy, độ nhạy của xét nghiệm trong thực tế của bất cứ kỹ thuật nào rất khó xác định chính xác (và chắc chắn là không được 100% như là kỳ vọng về mặt lý thuyết). Kết quả của một xét nghiệm âm tính cũng không có nghĩa là người đó không bị nhiễm virus. Ngược lại, nếu một kết quả xét nghiệm cho kết quả dương tính, cũng cần phải xem xét khả năng dương tính giả.

Do vậy, việc phối hợp xét nghiệm với đánh giá các yếu tố trên lâm sàng cũng như tiền sử dịch tễ là rất quan trọng.

{keywords}
 

Một điều cần lưu ý nữa là độ chính xác của kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố khác nhau như khi lấy bệnh phẩm có đúng vị trí không; có đủ lượng dịch, lượng virus trong dịch không; bệnh phẩm có được vận chuyển, bảo quản đảm bảo các điều kiện tối ưu không.

Bên cạnh đó, những yếu tố khác như việc xử lý bệnh phẩm có đúng quy định không, RNA của virus có bị phá huỷ không, các khâu của quá trình xét nghiệm có được đảm bảo theo yêu cầu của Hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở y tế hay không cũng cần được làm tốt.

Hiện nay, việc phát hiện ARN của SARS-CoV-2 từ bệnh phẩm vẫn là kỹ thuật tốt nhất để xác định người nhiễm virus.

Liên quan đến câu hỏi chúng ta cần xét nghiệm bao nhiêu lần cho một người nếu lần đầu xét nghiệm âm tính để có thể nói rằng người đó không nhiễm hay đã “sạch virus”, đây là điều khá khó.

Chúng ta cần nghiên cứu thêm và cần có cập nhật cho hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và giám sát tại cơ sở y tế và cộng đồng, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế tại quốc gia, khu vực, lãnh thổ và từng địa phương.

Kỹ thuật phát hiện kháng thể đặc hiệu với SARS-CoV-2

Bên cạnh các xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện RNA của SARS-CoV-2, các loại kỹ thuật xét nghiệm khác như phát hiện IgM, IgA, IgG hoặc kháng thể tổng số trong máu (có thể gọi là xét nghệm huyết thanh học) được nhiều nhà khoa học và các công ty nghiên cứu và phát triển.

Đối với các bệnh lý nhiễm trùng nói chung và nhễm SARS-CoV-2 nói riêng, sự hình thành kháng thể phụ thuộc thời gian nhiễm bệnh và vật chủ (người).

{keywords}
 

Trong trường hợp SARS-CoV-2, một số nghiên cứu cho thấy, phần lớn bệnh nhân chuyển đổi huyết thanh (có sự xuất hiện kháng thể trong máu) trong khoảng thời gian từ 7 đến 11 ngày sau khi nhiễm virus, mặc dù trong thực tế, một số bệnh nhân có thể có kháng thể sớm hơn.

Do sự đáp ứng muộn (tự nhiên) này, kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể không hữu ích trong bối cảnh bệnh lý cấp tính.

Các nghiên cứu cũng không xác định chắc chắn rằng, liệu những người bị nhiễm SARS-CoV-2 sau khi phục hồi, kháng thể được hình thành sẽ có tác dụng bảo vệ hoàn toàn hay một phần nếu bị nhiễm trong tương lai hoặc khả năng miễn dịch bảo vệ có thể kéo dài bao lâu.

Bằng chứng gần đây, một nghiên cứu trên động vật không cho thấy khả năng bảo vệ của kháng thể sau khi nhiễm virus tiên phát. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu về vấn đề này.

Các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể đối với SARS-CoV-2 có thể dùng để điều tra nguồn lây nhiễm, giám sát huyết thanh học ở địa phương, khu vực và quốc gia và nhận dạng những người đã nhiễm virus và do đó có thể có miễn dịch bảo vệ.

Thông tin về huyết thanh học có thể được sử dụng để đánh giá người bệnh trong giai đoạn phục hồi.

Xét nghiệm huyết thanh học ứng dụng trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid– 19 bằng huyết tương của người đã khỏi bệnh. Trong một số trường hợp, các kỹ thuật này có thể được sử dụng nhằm kiểm tra các bệnh nhân có kết quả âm tính với xét nghiệm dựa trên nguyên lý PCR, do virus xuất hiện muộn trong giai đoạn bệnh.

{keywords}
Bảng so sánh 2 kỹ thuật xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 hiện nay

Tóm lại, các kỹ thuật sinh học phân tử và huyết thanh học đều rất hữu ích trong việc phát hiện người nhiễm, chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu về SARS – CoV – 2, bệnh Covid – 19. Các kỹ thuật xét nghiệm đóng vai trò quyết định, bên cạnh sự hiểu biết về virus học, bệnh học, dịch tễ học.

Ngoài ra, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là những biện pháp quyết liệt như “giãn cách xã hội” là những yếu tố quyết định góp phần chiến thắng đại dịch này.

Nguyễn Thị Thu Hằng HP ghi 
Ảnh: Phạm Hữu Hải

Thêm 2 ca Covid-19, 1 người đến khám tại Bạch Mai, 85 ca đã khỏi bệnh

Thêm 2 ca Covid-19, 1 người đến khám tại Bạch Mai, 85 ca đã khỏi bệnh

 - Sáng 4/4, có thêm 2 ca Covid-19 mới, nâng tổng số mắc tại Việt Nam lên 239 trường hợp. Trong đó, có 85 người đã khỏi bệnh, 154 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.