Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, lực lượng do Bộ Y tế điều động tham gia hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam có hơn 20.000 cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên tình nguyện. Tại nhiều bệnh viện, các y bác sĩ đăng ký tình nguyện lên đường vượt quá cả số lượng dự kiến ban đầu.

Chia sẻ về điều này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhấn mạnh, đây là tình thế bắt buộc. Khi TP.HCM bắt đầu bùng phát dịch, y tế địa phương phải huy động tối đa. Số lượng ca quá lớn, lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh gây ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện. “Sự vào cuộc của Bộ Y tế là đương nhiên. Đó chính là mệnh lệnh của cả nước”, ông nói.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: VietNamNet

Trong bối cảnh như vậy, các bệnh viện lớn cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng cũng phải điều động nhân lực vào miền Nam. Nhưng một bài toán đặt ra là làm sao vừa huy động được lực lượng tinh nhuệ vào miền Nam nhưng vẫn đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân của bệnh viện.

Theo ông Hiếu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn thêm nhiệm vụ là thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (cơ sở ở quận Hoàng Mai). “Chúng tôi phải chia 3 đơn vị, ở cơ sở Tôn Thất Tùng, cơ sở ở Hoàng Mai (Hà Nội) và Bình Dương. Tất nhiên, dịch bệnh bùng phát số bệnh nhân giảm hơn. Tại đơn vị Tôn Thất Tùng, chúng tôi chỉ giữ khoảng 70% nhân lực, 20% đi vào Bình Dương, 10 % luân chuyển đến Hoàng Mai (Hà Nội)”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói thêm.

Điều may mắn là bệnh viện có thêm nhiều tình nguyện viên trong số các y bác sĩ đang điều trị ở Bình Dương (khoảng 100 người). Họ là y bác sĩ đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh khác… cùng đăng ký với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội vào tâm dịch. “Đây là lực lượng vô cùng quý, xuất phát từ lòng quyết tâm, không phải do mệnh lệnh, nhiệm vụ nào cả. Tình nguyện viên là người rút khỏi Trung tâm Hồi sức Covid-19 sau cùng và chỉ có một số bạn phải đi học, đi làm nên rút. Còn khoảng 50 tình nguyện viên vẫn làm cùng chúng tôi ở Bình Dương”, ông Hiếu chia sẻ.

Mặc dù công việc của các nhân viên y tế tại tâm dịch hết sức vất vả nhưng ông Hiếu nhận định đây cũng là một cơ hội lớn cho chính họ.

“Tôi nghĩ qua đợt dịch Covid-19 này, các nhân viên y tế được nâng cao trình độ, nâng cao hiểu biết. Anh em điều dưỡng mới ra trường có thêm kinh nghiệm vô giá. Ngoài chữa bệnh, họ được học tập nhiều kiến thức mới. Các y bác sĩ trẻ rất hiểu điều đó và hăng hái tham gia chống dịch”, ông Hiếu phân tích.

{keywords}
Nhân viên y tế Bệnh viện ĐH Y Hà Nội lên đường vào tâm dịch Bình Dương. Ảnh: BV Đại học Y Hà Nội

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tỉnh Bình Dương, các nhân viên y tế chia 3 ca 4 kíp để làm việc. 3 ca nghĩa là một ngày chia làm 8 tiếng. Người làm tua sáng sẽ đi từ 6h30 về lúc 3h. Người làm tua chiều sẽ bắt đầu từ 3h đến 10h tối. Người làm tua đêm từ 10h đến 6h sáng. 4 kíp là kíp làm thâu đêm sẽ được nghỉ 1 hôm.

Họ luân chuyển 3 ca 4 kíp, quay vòng nhau. Đấy là một cách làm việc không phải tối ưu, tối ưu phải 4 ca 5 kíp. Nhưng hiện nay chúng ta cố gắng làm 8 tiếng và trong mỗi kíp chúng tôi cũng chia để anh em không làm trong khu ICU quá liên tục 8 tiếng. Cứ 3 tiếng, bác sĩ lại ra ngoài nghỉ xong lại vào làm.

Theo ông Hiếu, các y bác sĩ ban đầu cũng mệt nhưng sau khoảng 1, 2 tuần đã quen công việc. Khó nhất là nhiều y bác sĩ không phải chuyên khoa hồi sức cấp cứu. Họ có cả tình nguyện viên các bệnh viện khác như đông y, phụ sản... Có bác sĩ chưa nhìn thấy máy thở bao giờ.

Nhưng sau một thời gian đào tạo, mỗi người được phân làm một nhiệm vụ. Ví dụ y bác sĩ Đông y sẽ được phân sang vận chuyển bệnh nhân, y bác sĩ phụ sản sẽ phụ trách khoa sản nhi của bệnh viện Covid-19… Từ những bài học thực tiễn, họ đã có thêm nhiều kinh nghiệm để có thể ứng phó với các làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, sau đại dịch Covid-19, bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Ông Hiếu cho rằng: “Trước đây, chúng ta phát triển quá mạnh mẽ các kỹ thuật cao ở các bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh. Điều này cũng tốt như đầu tàu kéo tất cả tiến lên. Nhưng trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở của chúng ta còn rất kém, cụ thể là vấn đề con người, chuyên môn”.

Trong thời gian tới, các địa phương cần bồi dưỡng cho nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống rất khó để tập trung vào nâng cao tay nghề.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tỉnh Bình Dương có những điều dưỡng, bác sĩ bị mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng. Họ cách ly trong khu điều trị và làm việc như nhân viên y tế thông thường. “Chế độ làm việc được tính như các y bác sĩ khác. Đồng thời bệnh viện có thưởng, chia sẻ động viên tinh thần kịp thời”, ông Hiếu nói.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Bộ Y tế chưa có quy định về chế độ của nhân viên y tế nhiễm Covid-19.  

"Trong đợt này, chúng ta không chỉ bàn chế độ cho nhân viên y tế nhiễm bệnh mà chế độ cho các y bác sĩ nói chung cần rõ ràng hơn nữa. Hết dịch, chúng ta nên nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế. Ở vùng sâu vùng xa, tuyến càng thấp, thu nhập nhân viên y tế càng khó khăn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Lê An - Nguyễn Liên

Nỗ lực không mệt mỏi nơi tâm dịch Covid-19: Đừng gọi chúng tôi là anh hùng

Nỗ lực không mệt mỏi nơi tâm dịch Covid-19: Đừng gọi chúng tôi là anh hùng

Trong chương trình giao lưu trực tuyến do báo VietNamNet tổ chức, 3 vị khách mời chia sẻ về nỗ lực không mệt mỏi, những sự hy sinh của các y bác sĩ tham gia chống dịch ở miền Nam.