Mỗi năm có thêm 15.000 ca mắc ung thư vú mới

Phát biểu tại lễ ký kết đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 - 2025” diễn ra tại Hà Nội, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, phòng chống bệnh ung thư là một trong những nội dung thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia, cho thấy bệnh ung thư đang là một vấn đề lớn với sức khỏe của toàn xã hội. Trong đó, ung thư vú có tỷ lệ mắc cao nhất ở nữ giới, là vấn đề cần được quan tâm và cần có các hoạt động can thiệp.

{keywords}
 Tổng hội Y học Việt Nam cùng Roche Việt Nam ký kết đề án

Tại Việt Nam, mỗi năm có thêm 165.000 ca mắc mới, 115.000 ca tử vong, trong đó ung thư vú đang xếp vị trí thứ 4 với hơn 15.000 ca mắc mới (chiếm 9,2%) và có hơn 6.000 ca tử vong. So với thế giới, tuổi mắc ung thư vú tại Việt Nam đang có xu hướng mắc sớm hơn so với các nước phát triển, nhiều trường hợp 18 - 20 tuổi đã mắc bệnh.

Thứ trưởng Thuấn cho biết, tỷ lệ được điều trị khỏi trong ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng ngày càng cao. Kết quả này có được là nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong y học như các kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm hay các liệu pháp điều trị sinh học mới cùng với việc phát hiện sớm và người bệnh tiếp cận được với các liệu pháp điều trị tiên tiến.

“Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Liên, bị ung thư vú giai đoạn cuối di căn toàn thân đến phổi, não, xương… Nếu như trước đây, bệnh nhân chắc chắn tử vong sau 1 - 4 tuần, nhưng nhờ các liệu pháp kháng thể đơn dòng, trúng đích, xạ trị và được Roche cùng bệnh viện hỗ trợ tiếp cận thuốc tiên tiến. Sau hơn 1 năm, giờ bệnh nhân rất khoẻ mạnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Hay trường hợp nữ sinh viên trường ĐH Ngoại Thương Đặng Trần Thủy Tiên mắc ung thư vú giai đoạn 2 khi mới 19 tuổi. Sau 1 năm điều trị, “Hoa khôi truyền cảm hứng” thông báo bản thân đã trở lại cuộc sống bình thường.

Theo GS.Thuấn, 10 năm trước có đến 70% bệnh nhân ung thư vú đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn 3,4, nhưng khảo sát gần nhất cho thấy tỷ lệ này đã giảm xuống, hiện ở mức 55%.

“Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại khi số lượng bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn vẫn lớn do kiến thức phòng chống bệnh còn hạn chế, nhiều thuốc phát minh còn đắt đỏ khiến người bệnh gặp khó khăn, đặc biệt là bệnh nhân nghèo”, GS. Thuấn đánh giá.

Vì vậy, việc Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Roche thực hiện đề án trong 5 năm tới sẽ giúp thêm nhiều bệnh nhân ung vú nguy cơ cao được tiếp cận với những phương pháp điều trị tiên tiến.

Theo BHXH Việt Nam, dù BHYT đã bao phủ hơn 90% dân số, song tỷ lệ chi cho y tế từ tiền túi của người dân vẫn còn cao, chiếm khoảng 40% tổng chi, trong đó một số xét nghiệm sàng lọc ung thư chưa được chi trả.

Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú

Trong 5 năm tới, đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao” với sự đồng hành của Roche Việt Nam phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam, các bệnh viện lớn trên khắp cả nước sẽ triển khai song song 4 hoạt động.

Thứ nhất, đề án phối hợp nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư vú, gia tăng số lượng người được chẩn đoán sớm tại các bệnh viện tham gia đề án; Thứ hai, tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư vú đến năm 2025; Thứ ba, tối ưu hóa dữ liệu sẵn có của Bảo hiểm và Viện Ung thư quốc gia, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú; Thứ tư, tăng tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú nguy cơ cao (HER2) được tiếp cận với liệu pháp điều trị kháng HER2 dương tính.

Sau 5 năm, đề án kỳ vọng tạo ra những thay đổi tích cực mang tính bền vững và ảnh hưởng sâu rộng, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với ung thư của Việt Nam, tương đương các nước phát triển hơn trong khu vực.

Trong các loại ung thư vú, HER2 dương tính được xem là một trong những nhóm bệnh có tiên lượng xấu. Nghiên cứu cho thấy, cứ 3 phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn sớm có HER2 dương tính sẽ có 1 phụ nữ tiến triển sang ung thư vú di căn, mặc dù đã được điều trị với liệu pháp điều trị tốt nhất hiện nay.

Tuy nhiên, theo dữ liệu Viện Ung thư quốc gia (2016 - 2018), chỉ có 8% bệnh nhân ung thư vú HER2 dương tính được điều trị sớm bằng các liệu pháp tiên tiến. Vì vậy, trong đề án này, các bệnh viện sẽ được nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, tiếp cận với các liệu pháp tiên tiến trong điều trị ung thư vú bằng mô hình đa mô thức.

TS Phạm Xuân Dũng, GĐ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị 4.500 bệnh nhân ung thư vú (chiếm gần 20%). Dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán nhưng hiện tại chi phí điều trị ung thư khá đắt đỏ.

“Tôi hy vọng chương trình này khi triển khai sẽ giải quyết được bài toán đó, tạo ra niềm tin, hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư vú”, TS Dũng nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết, đây là đề án đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho bệnh ung thư vú với quy mô và số lượng đối tác lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân. Đối với bệnh viện, đề án này giúp nâng cao năng lực chữa trị ung thư vú cho nhiều y bác sĩ hơn, qua đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng chữa trị trên mỗi bệnh nhân.

{keywords}
Ông Girish Mulye, Trưởng đại diện Roche Việt Nam

Girish Mulye, Trưởng đại diện Roche Việt Nam cho biết, là công ty tiên phong toàn cầu trong lĩnh vực dược phẩm và chẩn đoán, Roche cam kết đồng hành cùng Việt Nam giải quyết những thách thức về chăm sóc sức khỏe, thông qua nhiều hoạt động khác nhau.

“Đồng hành cùng Tổng hội Y học thực hiện đề án vô cùng ý nghĩa này chính là một trong những hành động thể hiện sự cam kết đó với mong muốn mang niềm hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam”, ông Girish Mulye nói.

Doãn Phong