- Bệnh nhân sốt liên tiếp gần 3 tháng không khỏi, khi đến viện các bác sĩ phát hiện van tim đã bị mục nát, cơ tim nhiều ổ áp xe.

Sau hơn 2 tháng điều trị tại Viện Tim mạch quốc gia, BV Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn Thị Hoà (44 tuổi, Bắc Ninh) đã hồi phục ngoạn mục và được xuất viện dù khi nhập viện, các bác sĩ nhận định cơ hội sống hết sức mong manh.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tim mạch (C8) cho biết, từ tháng 6/2016, chị Hòa bị sốt cao liên tục, đi khám và uống thuốc nhưng không dứt.

Đến giữa tháng 9, tình trạng sốt ngày càng tăng lên, khiến người chị tím tái, bị ngất, được chuyển thẳng đến BV Bạch Mai cấp cứu.

“Khi vào viện, bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng, vi khuẩn ăn thủng hết van động mạch chủ, sang cơ tim, suy tim, trong cơ tim có nhiều ổ áp xe...”, TS Hùng thông tin.

{keywords}
Bệnh nhân hạnh phúc ngày xuất viện

Trước khi mổ, bệnh nhân được chỉ định điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn, tuy nhiên uống kháng sinh vẫn không kiểm soát được và cần nhiều thời gian. Trong khi bệnh nhân phải can thiệp càng sớm càng tốt dù tỉ lệ sống - chết là 50-50.

Xác định đây là ca mổ khó, hậu phẫu cần chăm sóc dài ngày, chi phí điều chị tốn kém, TS Hùng đã cùng các bác sĩ thảo luận, quyết tâm mổ cho bệnh nhân với phương châm “còn nước còn tát”, “tiền nong mỗi người một chân một tay, sẽ đi xin”.

TS Hùng cho biết, đây là ca mổ phức tạp. Thông thường, bác sĩ sẽ thay van tim nhân tạo cho bệnh nhân, nhưng với bệnh nhân Hoà không thể thực hiện do van tim đã mủn, không còn “bản lề” để đỡ van nhân tạo nên dễ bị rời ra.

Hơn nữa, khi tình trạng nhiễm khuẩn chưa được kiểm soát, việc đưa van nhân tạo vào sẽ khiến tình trạng nhiễm khuẩn càng nặng hơn, tỉ lệ bung cao.

Theo đó, các bác sĩ quyết định hoán đổi, cắt van động mạch phổi để ghép sang van tim. Sau đó lấy màng tim để tạo ra một van nhân tạo khác thay thế van động mạch phổi bị cắt.

Ca mổ kéo dài 6 tiếng. Trong quá trình phẫu thuật, toàn bộ mùn được lấy sạch. Sau đó là chuỗi ngày hồi hộp chờ bệnh nhân hồi phục.

Sau 2 tuần hậu phẫu bệnh nhân mới ổn định rút ống thở, được chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, tiếp tục điều trị nhiễm khuẩn cho triệt để dùng kháng sinh mạnh, kháng sinh đắt tiền. Bệnh nhân hồi phục dần, lên cân, ăn uống biết ngon miệng, hết nhiễm trùng và được xuất viện, đã có thể chống gậy đi lại được 10m.

“Chúng tôi không nghĩ bệnh nhân có thể sống sót khi có những tổn thương kinh khủng như thế. Gia đình cũng không thể ngờ”, BS Hùng vui mừng chia sẻ.

Trên thế giới, kỹ thuật ghép van tim tự thân được một phẫu thuật viên người Anh thực hiện lần đầu năm 1967. Tuy nhiên từ đó đến nay, rất ít trung tâm trên thế giới thực hiện được vì phức tạp và nhiều rủi ro.

Phương pháp này chỉ dùng cho những trường hợp đặc biệt, nhiễm trùng nặng hoặc với trẻ có van nhỏ, không có van nhân tạo để thay van động mạch chủ... Khi ghép tự thân, bệnh nhân sẽ không cần dùng thuốc chống đông, dễ ngâm kháng sinh giúp kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.

Thúy Hạnh