Bệnh nhân N.T.T, 53 tuổi ở Đoan Hùng, Phú Thọ đến BV đa khoa Hùng Vương thăm khám trong tình trạng đau họng, khó nói, cổ sưng, nóng đỏ, nuốt khó, không ăn được kèm theo sốt nhẹ.

Bà T. cho biết, cách đây 1 tuần, trong lúc ăn cơm với thịt gà, bà không may bị hóc 1 mảnh xương nhỏ. Dù đã thực hiện nhiều mẹo dân gian nhưng không hiệu quả. Đến khi họng đau đớn, không thể ăn uống, bà mới quyết định đến bệnh viện.

Sau khi thăm khám và thực hiện nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện dị vật cắm sâu vào thành thực quản, cách cung răng trên khoảng 20 cm, tạo 2 ổ áp xe chảy nhiều dịch mủ. Các bác sĩ đã tiến hành gắp bỏ dị vật là mảnh xương gà dài khoảng 4 cm, làm sạch ổ mủ và cầm máu. 

{keywords}
Thực quản bệnh nhân mưng mủ do hóc xương gà

Bác sĩ cho biết, do bệnh nhân không đến bệnh viện ngay khi hóc xương nên mảnh xương đã cắm sâu vào thành thực quản tạo thành ổ áp xe lớn, gây nhiễm trùng nặng thực quản.

Tại BV Tai mũi họng TƯ, BS Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu cũng cho biết, mỗi ngày BV cũng tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bị hóc xương, hầu hết những vụ hóc xương đều do nhiều gia đình giữ thói quen chế biến không loại bỏ xương trước khi nấu hoặc người dân có thói quen vừa ăn, vừa nói chuyện và cười đùa.

Nhiều ca phải phẫu thuật, nằm lại điều trị nhiều ngày. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân thường nghĩ hóc nhẹ sẽ tự hết, đến khi thực quản bị nhiễm trùng, sưng đau mới đến bệnh viện.

Bệnh nhân không nên tự ý móc, gắp xương ra vì sẽ khiến dị vật trôi xuống sâu hoặc đâm sâu hơn vào thực quản. Đồng thời, bệnh nhân cũng không nên để dị vật tồn tại quá lâu vì vết loét có thể sẽ gây nhiễm trùng nặng hơn.

Bác sĩ khuyến cáo người dân, khi bị hóc xương cần đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời. Nếu phát hiện dị vật thông qua soi ống cứng, dị vật sẽ được gắp ra luôn. Trong những trường hợp phức tạp hơn, bác sĩ có thể mở cạnh cổ để xử trí. Tuy nhiên do cổ họng chứa nhiều mạch máu lớn, vết đâm dễ bị nhiễm trùng, dị vật dễ bị lẫn với gân, cơ nên cần bác sĩ có nhiều kinh nghiệm để tránh chảy máu.

Thúy Hạnh