Trường hợp không được chữa trị sớm, túi phình động mạch cảnh sẽ gây rối loạn dòng chảy, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch não, dẫn tới tử vong.

Đơn vị Tim mạch can thiệp Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) vừa điều trị thành công cho em Nam An (14 tuổi, quê Gia Lai) bị túi phình động mạch cảnh sau bên trái với đường kính lên tới 25mm, loại bỏ nguy cơ tai biến gây liệt, tử vong.

{keywords}

Túi phình động mạch cảnh khiến bệnh nhân sẽ mất các chức năng vận động, nguy cơ đột tử rất cao.

Suốt thời gian dài, An thường cảm thấy hơi đau nhẹ vùng đầu, cổ khi xoay gấp đầu sang trái nên gia đình đã đưa đi thăm khám tại một cơ sở y tế ở TP.HCM.

Bác sĩ phát hiện có túi phình động mạch khá lớn vùng dưới tai của cậu bé. Do đây là trường hợp phức tạp, túi phình lớn, nằm ở vị trí khó can thiệp, An được chuyển đến BV Bình Dân.

Qua thăm khám lâm sàng, ThS.BS Dương Duy Trang - Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp nhận thấy khối u đập theo nhịp tim gồ lên ở vùng phía dưới tai trái của bệnh nhân.

Trên phim chụp CT và chụp mạch máu xóa nền (DSA), khối phình lớn ở động mạch cảnh trong, vùng góc hàm, gần sàn sọ. Túi phình lớn gấp 5 lần kích thước trung bình của động mạch cảnh, nguy cơ vỡ rất cao.

Trong trường hợp biến chứng xảy ra, bệnh nhân sẽ mất các chức năng vận động, nguy cơ đột tử rất cao.

E-kíp phẫu thuật đã tiến hành can thiệp nội mạch qua ống nội soi đi từ động mạch vùng đùi lên tiếp cận động mạch cảnh trong bên trái để đặt stent giá đỡ có màng, chặn đường cung cấp máu cho túi phình.

Sau phẫu thuật, phim chụp kiểm tra cho thấy không còn hình ảnh túi phình. Ca can thiệp đã thành công, hậu phẫu nhẹ nhàng và bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày hôm sau.

Cậu bé 14 tuổi có thể sớm trở lại với sinh hoạt bình thường nhưng cần theo dõi thường xuyên, dùng thuốc kháng tiểu cầu để ngăn chặn hình thành máu đông quanh stent vừa đặt.

{keywords}

Sau khi được điều trị, sức khỏe Nam An đã khá lên nhiều.

Theo BS Trang, túi phình động mạch cảnh là bệnh lý nguy hiểm nhưng triệu chứng thường rất mơ hồ với tỉ lệ mắc khoảng 1-2% trong cộng đồng.

Khi bệnh nhân thấy đau, choáng váng thì lúc đó thường là khối phình đã rất lớn. Túi phình gây rối loạn dòng chảy và có thể hình thành cục máu đông, nguy cơ trôi lên não, gây tắc mạch não, nhẹ thì gây nên cơn thiếu máu não thoáng qua, nặng thì có thể gây tai biến dẫn tới tử vong.

Để điều trị túi phình động mạch trước đây người ta phải tiến hành mổ mở, nguy cơ tai biến rất cao, đặc biệt với những túi phình nằm ở vị trí khó, gần khu vực các dây thần kinh và mạch máu quan trọng.

Với kỹ thuật can thiệp mạch máu, khối phình được loại bỏ nhanh chóng, nguy cơ tai biến giảm đi tối đa. Đây là kỹ thuật cao, đòi hỏi phẫu thuật viên thực hiện can thiệp mạch máu phải là người có kinh nghiệm và tay nghề cao.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Văn Đức