Thời gian tới, người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc.

Quản lý trên 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc

Để kiểm soát chất lượng thuốc và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không cần đơn, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020, cũng như lên kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc.

Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc. Cơ quan Nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong việc quản lý thuốc.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bấm nút khai trương hệ thống CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc.

Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.

Ngay sau đó Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc, kết nối hơn 700 điểm cầu.

Tại hội nghị, Bộ Y tế chính thức cho vận hành hệ thống quản lý nhà thuốc và cơ sở dữ liệu quốc gia, đánh dấu lộ trình chính thức triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quản lý bán thuốc tại Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới. Ở đâu cũng mua được kháng sinh, điều này không những ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn gây tình trạng kháng kháng sinh.

Theo Phó Thủ tướng, thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có 22.000 loại thuốc đang được lưu hành với nhiều tên gọi khác nhau nhưng giá cả thế nào thì các loại thuốc thông dụng gần như không quản lý được.

{keywords}
Toàn bộ các nhà thuốc BV sẽ được kết nối trong năm 2018

Hiện người dân cũng như cơ quan quản lý không có công cụ nào để biết rõ được đường đi, xuất xứ, hạn sử dụng, công dụng của thuốc. Do vậy, cần sớm hoàn thành việc kết nối mạng của hơn 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc trong cả nước.

Phía Bộ Y tế cho biết, khi kết nối, toàn bộ hơn 61.000 cơ sở bán lẻ (nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã), 22.000 loại thuốc cùng 63 tỉnh, thành sẽ cùng tham gia vào hệ thống liên thông nhà thuốc vào năm 2019.

Bộ Y tế thí điểm kết nối mạng các nhà thuốc nhằm tránh thuốc giả, ổn định giá, chỉ bán thuốc theo đơn.

Hiện tại, CSDL Dược Quốc gia đã chuẩn hóa được 52.000 trên khoảng 60.000 danh mục thuốc y tế. Bộ Y tế đã xây dựng Platform quản lý Core Dược quốc gia và các chuẩn liên thông dữ liệu (API) cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác, phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) cho bệnh viện, phần mềm của các cơ sở sản xuất và xuất nhập khẩu.

Tra được giá thuốc, nhận được cảnh báo thuốc giả

Hệ thống ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc do Viettel xây dựng gồm: Hệ thống quản lý nhà thuốc; Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; Cổng tra cứu trên web và ứng dụng tra cứu thuốc trên di động cho người dân, đồng thời cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả tới cơ quan quản lý.

Theo đó, hệ thống mới khai trương  sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề lớn là kết nối người dân với cơ sở y tế, cán bộ y tế và chia sẻ những thông tin chính xác, kịp thời, các công việc thường nhật được dần điện tử hóa.

Chủ nhà thuốc có thể giảm thiểu từ 50 - 70% thời gian quản lý kiểm đếm kho, quản lý hóa đơn, doanh thu, mỗi giao dịch chỉ cần từ 30 giây đến 1 phút. Với cơ quan quản lý, 100% báo cáo các cấp được xóa bỏ, việc dự trù, lập kế hoạch, điều phối thuốc, quản lý số liệu được được thực hiện theo thời gian thực từ bất kể nơi đâu, bất kể lúc nào.

Với nhà thuốc hệ thống giúp tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý bán hàng, kho, hóa đơn điện tử, đảm bảo liên thông những dữ liệu được yêu cầu lên Hệ thống quản lý Dược Quốc gia; Quản lý được chuỗi nhà thuốc; Quản lý triệt để hoạt động của nhân viên, tránh thất thoát hàng hóa; Giảm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Đối với Bộ Y tế, Sở Y tế, hệ thống giúp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; Kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; Kiểm soát chặt chẽ kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào 1 số nhà cung cấp; Truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường, đảm bảo công tác thu hồi thuốc đúng đủ theo quy định.

Đối với người dân, hệ thống giúp tra cứu, truy xuất được giá cả, hạn sử dụng, nguồn gốc thuốc, tránh sử dụng thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc hết hạn sử dụng đồng thời người dân cũng nhận cảnh báo hoặc báo cáo cơ quan chức năng ngay khi nghi ngờ thuốc giả, kém chất lượng…

T.Thư