Có mặt tại Triển lãm cưới Marry Wedding Day ngày 19/5, Ths.BS Đặng Lê Dung Hạnh -Trưởng khoa Khám bệnh, BV Hùng Vương nhấn mạnh các cặp đôi cần chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bởi căn bệnh này có thể cướp đi thiên chức làm mẹ.

{keywords}
(Từ trái sang) Ca sĩ Lân Nhã, Ths. BS. Đăng Lê Dung Hạnh - BV Hùng Vương, Ths. BS. Nguyễn Thị Thu Hường (Viện Pasteur), Ths.BS Nguyễn Minh Ngọc (Viện Pasteur), MC Quang Bảo tại Marry Wedding Fair 2018

-  Bác sĩ có thể giải thích ung thư cổ tử cung (UTCTC) có khả năng gây vô sinh như thế nào không?

UTCTC đến giai đoạn nặng thì khi điều trị có thể phải cắt bỏ một phần hoặc thậm chí toàn bộ tử cung. Tử cung mất đi thì chắc chắn mình không mang thai được. Ở những giai đoạn sớm, chỉ xử lý trên cổ tử cung thôi, có nhiều cách xử lý tùy tình trạng bệnh nặng nhẹ, như chỉ cắt bỏ tổn thương bằng dao điện, khoét chóp CTC hay cắt cụt CTC, 2 thủ thuật sau sẽ làm cổ tử cung yếu đi, dễ sảy thai hoặc sinh non.

- Hiện nay, đã có những biện pháp nào để chữa trị căn bệnh này?

Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị khá đơn giản. Lúc đó, bác sĩ sẽ phá huỷ vùng tổn thương, thủ thuật này nhẹ nhàng không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Nhưng đến giai đoạn thực sự là ung thư rồi thì chắc chắn phải phẫu thuật,nhẹ nhất là mất đi cổ tử cung, nặng thì mất đi cả tử cung, chắc chắn không thể mang thai, nặng hơn nữa chỉ là điều trị nâng đỡ cơ thể .

{keywords}
Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh truyền tải rất nhiều thông tin hữu ích để giúp phái nữ phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bảo vệ thiên chức làm mẹ.

-  Đâu là dấu hiệu để nhận biết UTCTC, thưa bác sĩ?

UTCTC ở giai đoạn sớm thì triệu chứng mơ hồ, dễ lẫn lộn với những bệnh thông thường (viêm nhiễm), ví dụ như khí hư nhiều hơn bình thường, có mùi, màu khác lạ. Khi có triệu chứng đặc hiệu là cổ tử cung dễ chảy máu sau khi quan hệ thì ung thư đã ở giai đoạn nặng rồi. Muộn hơn nữa thì người phụ nữ sẽ bị suy kiệt sức khoẻ nhanh chóng, có thể ảnh hưởng lên đường tiểu ví dụ như bí tiểu. Triệu chứng để nhận biết UTCTC sớm rất là mơ hồ. Chúng ta cần đi khám phụ khoa định kỳ khoảng 2 năm/ lần, làm xét nghiệm kiểm tra thì mới phát hiện được.

- Có những biện pháp nào giúp phòng ngừa căn bệnh này không?

Đa số các trường hợp UTCTC là do vi rút HPV gây ra. Để đối phó với HPV, đã có vắc xin, nên tiêm phòng chính là biện pháp phòng bệnh thứ nhất. Thứ hai, vi rút HPV thường lây qua đường tình dục nên chúng ta cần có đời sống tình dục an toàn, lành mạnh để giảm nguy cơ lây lan. Thứ 3, khám phụ khoa định kỳ, làm xét nghiệm tìm  UTCTC mỗi 2-3 năm. Đó là 3 cách để phòng ngừa UTCTC.

{keywords}

Rất nhiều bạn nữ đến tham quan gian hàng để được chia sẻ các thông tin bổ ích về bệnh

- Cảm ơn bác sĩ!

Ung thư CTC là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ, với 95% trường hợp do vi rút HPV gây ra. Theo Kế hoạch Dự phòng và Kiểm soát Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%. Cũng theo tài liệu này, mỗi năm, ở Việt Nam có 2.500-2.700 phụ nữ tử vong do căn bệnh này.

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, có nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình. Hành động ngay để bảo vệ bản thân và những người phụ nữ yêu thương của bạn bằng cách tìm hiểu thêm thông tin về bệnh, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ và quan trọng nhất là tiêm vắc xin HPV.

Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về vi rút HPV, tiêm vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh liên quan, truy cập Fanpage HPV Việt Nam hoặc website http://www.hpv.vn/vi/

Lệ Thanh