Bộ Y tế đặt mục tiêu đến 2020, thuốc sản xuất trong nước sẽ đáp ứng 70% nhu cầu điều trị và mỗi năm giá trị xuất khẩu thuốc mỗi năm từng 5-10%.

Thuốc nội mới đáp ứng 50%

Trong giai đoạn 1 (2012-2016) của đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sau 4 năm thực hiện đề án, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% cho công tác phòng, chữa bệnh với 520 hoạt chất trên tổng số 953 hoạt chất hiện đang lưu hành trên thị trường.

Đặc biệt, nước ta đã tự cung cấp được 10/12 loại vắc-xin; cơ quan quản lý vắc-xin của nước ta được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý vắc xin NRA.

{keywords}
 

Tuy nhiên tỉ lệ sử dụng thuốc nội tại các BV tuyến tỉnh chỉ tăng 1,5% lên mức 35,4% so với trước khi triển khai đề án.

Tỷ lệ này tại các BV tuyến huyện là 69,4%, tăng gần 8% so với trước. Có những địa phương có tỉ lệ sử dụng thuốc trong nước tại tuyến huyện lên tới 80%, tuyến tỉnh là 60% như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng và Long An…

Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng thuốc nội tại BV tuyến trung ương rất thấp và có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2013, tỉ lệ này là 11,57%; năm 2014 là 11,31% và đến năm 2015 chỉ còn 10,02%.

{keywords}
 

Nhiều BV lớn sử dụng dưới 6% thuốc nội (năm 2015): Phụ sản TƯ (3,14%); BV K (3,3%); Bạch Mai (3,97%); Bệnh viện Việt Đức (5,87%); Tai mũi họng TƯ (5,63%)…

Bộ Y tế đánh giá, người dân nói chung và không ít thầy thuốc nói riêng vẫn còn có quen dùng thuốc ngoại đắt tiền để chữa bệnh trong khi hiệu quả so với thuốc sản xuất tại Việt Nam là tương đương.

Chính những thói quen này gây tốn kém, lãng phí kinh phí cho chữa bệnh rất lớn, vì thuốc nhập ngoại thường có giá thành đắt hơn nhiều trong khi đó thuốc sản xuất tại Việt Nam thì được sử dụng rất thấp.

Phấn đấu tuyến TƯ sử dụng 30% thuốc nội

Trong thời gian còn lại của đề án, Bộ Y tế cho biết sẽ có giải pháp để thúc đẩy các thuốc thay thế để tỉ lệ sử dụng thuốc Việt trong các BV tuyến TƯ đạt 30%, trừ một số bệnh viện chuyên khoa; 50% ở bệnh viện tuyến tỉnh (tăng 2% - 4%/năm) và 75% ở bệnh viện tuyến huyện.

Theo đó sẽ tăng tỉ lệ kê đơn cấp thuốc sản xuất tại Việt Nam cho bệnh nhân điều trị ngoại trú hàng năm tăng 5 - 10%.

Mục tiêu chung, thuốc sản xuất trong nước sẽ đáp ứng 70% nhu cầu điều trị và giá trị thuốc Việt Nam xuất khẩu mỗi năm tăng từ 5 - 10% so với năm trước.

Bộ Y tế cho rằng, khi nhận thức đúng về chất lượng, hiệu quả thuốc sản xuất tại Việt Nam và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dược tại Việt Nam qua đó sẽ làm thay đổi thói quen sử dụng thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước. Điều này cũng góp phần giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam.

Ông Trương Quốc Cường khẳng định: “Bộ Y tế sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao chất lượng thuốc nội, tăng cường marketing quảng bá thương hiệu. Cùng với đó, các nhà máy dược phẩm cần tiếp tục cố gắng đầu tư thiết bị máy móc hiện đại; tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao cùng với thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để có thể sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc xin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao”.

T.Thư