Trong buổi làm việc sáng nay (22/10) của đoàn công tác Bộ Y tế với TP.HCM, PGS. BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, TP.HCM đã trải qua hơn 4 tháng hết sức khó khăn vì dịch Covid-19. TP đã áp dụng rất nhiều chiến lược và đạt thành công bước đầu.

{keywords}

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (áo trắng) trong buổi chuyển giao Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai cho TP.HCM ngày 15/10

Trong thời gian qua, TP.HCM nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Trung ương và các địa phương. Khoảng 24.000 nhân viên y tế của tất cả các đơn vị, bộ ngành đã có mặt tại TP.

Sau khi các Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện thu dung điều trị hoàn thành nhiệm vụ,  ngành y tế tiến hành rút quân và bàn giao lại cho TP.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc chuyển giao phải có kế hoạch chi tiết, giao nhận rõ ràng giữa các đơn vị, đặc biệt là khi chuyển giao các Trung tâm Hồi sức Covid-19 cho TP.

Đến nay, Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được bàn giao cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định (ngày 15/10) và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (ngày 14/10).

Hiện các lực lượng y tế vẫn đang được duy trì tại TP.HCM để đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị trên địa bàn. Lúc này, lực lượng y tế của các đơn vị quân đội vẫn đang duy trì nhiệm vụ, như tại Bệnh viện 5G (tại quận 6).

Còn tại Bệnh viện dã chiến số 14, lực lượng của Bệnh viện Trung ương Huế vẫn ở lại.

“Lực lượng sẽ rút từ từ để đảm bảo nhu cầu thu dung điều trị của TP.HCM chứ không phải rút toàn bộ”, Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trong công tác chuyển giao, những gì các bệnh viện chi viện đã đưa vào TP.HCM sẽ được chuyển về cùng khi rút quân.

“Tuy nhiên, những gì được hỗ trợ từ TP, doanh nghiệp, các đơn vị cho các Bệnh viện hồi sức, phải bàn giao lại cho TP để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sau khi tái cơ cấu trong tình hình mới, TP sẽ luân phiên các bác sĩ đến bệnh viện đa tầng để đào tạo chuyên ngành hồi sức, nâng cao chất lượng điều trị.

Giám đốc Sở Y tế TP cũng nhận định, các bệnh viện không thể sạch Covid-19 và cần xác định Covid là lâu dài.  Do đó, các bệnh viện đa khoa phải thành lập khoa Covid-19, đảm bảo đủ chuẩn, đáp ứng điều trị và cấp cứu.

Trong buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TP đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Trung ương và tất cả các tỉnh thành.

“Trong thời gian ngắn nhất, chúng ta đã thiết lập được các trung tâm hồi sức chất lượng cao. Nếu không có hệ thống Trung tâm hồi sức, tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, ông Dương Anh Đức nhận định.

Ông Đức gửi lời cảm ơn của TP đến lực lượng y tế đã hy sinh, đồng hành, chia sẻ suốt thời gian qua. Đặc biệt là sự có mặt trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã tạo thuận lợi cho TP trong giai đoạn chống dịch.

“TP.HCM trước nay có truyền thống vì cả nước, nhưng thời gian vừa rồi, cả nước đã vì TP”, ông Đức bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, TP hiện có 7 trung tâm hồi sức Covid-19. Khi các bệnh viện Trung ương rút quân, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân lực và trang thiết bị cho TP.HCM.  Đồng thời, công tác chuyển giao không được ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hiện tại, số ca mắc của TP vẫn còn khoảng 1.000 ca mỗi ngày, số tử vong giảm (ngày 21/10 còn 33 ca), số ca nặng giảm liên tục.

TPHCM hiện đang thực hiện tái cơ cấu hệ thống y tế cho phù hợp trong tình hình mới. Bên cạnh đó,  năng lực y tế cơ sở cần phải được củng cố, nâng cao để đảm bảo yêu cầu về công tác phòng chống dịch.

Đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ lắng nghe những khó khăn, đề xuất của ngành y tế TP để có phương án tháo gỡ.

Linh Giao

Phút mặc niệm bệnh nhân Covid-19 tử vong trước giờ chuyển giao Trung tâm Hồi sức

Phút mặc niệm bệnh nhân Covid-19 tử vong trước giờ chuyển giao Trung tâm Hồi sức

Buổi chuyển giao Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai đã dành một phút mặc niệm những người tử vong vì Covid-19 trong đại dịch.