Một lãnh đạo khoa Dược, BV K cho biết, gần 1 tháng trở lại đây, BV bị thiếu các loại thuốc generic chứa hoạt chất pemetrexed để điều trị ung thư phổi, u trung biểu mô. Pemetrexed là hoá chất giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.

Khi BV liên hệ với nhà thầu là Liên danh Codupha- An Thiên (trúng thầu mặt hàng Pemehope 100mg) và Công ty TNHH dược phẩm và trang thiết bị y tế Hoàng Đức (trúng thầu mặt hàng Podoxred 500mg) để lên kế hoạch nhập hàng thì các nhà thầu thông báo chỉ có thể cung ứng hàng sau 2- 4 tháng nữa.

Theo giá trúng thầu quốc gia vào ngày 23/4 vừa qua, 2 thuốc generic chứa hoạt chất pemetrexed là Podoxred 500mg có giá trúng thầu là 2,6 triệu đồng/lọ, thuốc Pemehope 100mg trúng thầu giá 882.000 đồng/lọ.

{keywords}
Do 2 thuốc generic chưa có để cung ứng, người bệnh ung thư phổi muốn tiếp tục liệu trình điều trị phải dùng biệt dược gốc Alimta với chi phí đắt hơn 7 lần


Tuy nhiên do chưa có 2 thuốc nói trên, nếu bệnh nhân muốn tiếp tục điều trị, buộc phải dùng thuốc biệt dược gốc Alimta 500mg có giá trúng thầu lên tới 24 triệu đồng/lọ hoặc Alimta 100mg có giá gần 5,7 triệu đồng. Tuy nhiên thuốc này hiện mới được BHYT thanh toán 50%.

Trong phác đồ điều trị ung thư phổi, liệu trình điều trị cho bệnh nhân ít nhất 6 chu kỳ, mỗi chu kỳ 21 ngày, liều trung bình 800mg/chu kỳ.

Như vậy, nếu sử dụng điều trị bằng thuốc biệt dược gốc thì bệnh nhân phải đồng chi trả số tiền là khoảng 20 triệu đồng/chu kỳ nhân với 6 chu kỳ, tổng là 120 triệu đồng.

Nếu điều trị bằng thuốc generic, bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả số tiền là 2,6 triệu đồng/chu kỳ nhân với 6 chu kỳ, tổng khoảng 15,6 triệu đồng.

Như vậy, số tiền bệnh nhân phải đồng chi trả chênh lệch giữa sử dụng thuốc biệt dược gốc và thuốc generic lên tới hơn 7 lần.

“Trường hợp bệnh nhân không có tiền điều trị biệt dược gốc sẽ phải dừng điều trị. Việc gián đoạn điều trị sẽ dẫn tới hậu quả là các bệnh nhân đang sử dụng giữa chừng bị mất đi toàn bộ chi phí điều trị trước đó mà không mang lại kết quả”, cán bộ khoa Dược BV K lo ngại.

Theo vị này, sở dĩ các doanh nghiệp cung ứng thuốc chậm do kế hoạch đấu thầu thuốc quốc gia bị chậm.

Theo đúng kế hoạch ban đầu, Trung tâm Đấu thầu thuốc quốc gia sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc năm 2019 - 2020 trước ngày 31/12/2018.

Trong trường hợp kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 27/4/2018 thì cơ sở y tế chỉ được dự trù, trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu nhằm đảm bảo thuốc điều trị và cơ số tồn kho đến hết ngày 31/12/2018.

Đến ngày 14/2, Trung tâm mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 nhằm cung cấp thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2019- 2020 cho các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Và đến ngày 23/4 vừa qua, Trung tâm mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 2 cung cấp thuốc generic năm 2019-2020 và gói thầu số 5 cung cấp thuốc generic năm 2019- 2020 cho các tỉnh miền Bắc.

Theo thông tin của VietNamNet, đến hiện tại, các BV vẫn chưa nhận được thoả thuận khung của Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia với các nhà thầu nên BV chưa thể ký hợp đồng cung cấp thuốc. Sau khi có hợp đồng, các đơn vị trúng thầu mới đi làm thủ tục nhập hàng, đặt số lượng sản xuất nên chưa thể có thuốc ngay.

Tại BV Ung bướu Hà Nội, được biết từ cuối tháng 1/2019, 2 loại thuốc nói trên đã gần hết. Sau đó BV đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội xin phép mua thêm thuốc generic có thành phần tương tự là Allipem (Pemetrexed) loại 500mg và 100mg có giá lần lượt là gần 6 triệu đồng và hơn 1 triệu đồng để dự trù, dự kiến dùng đến hết tháng 4 trong lúc chờ kết quả đấu thầu thuốc quốc gia.

Được UBND TP. Hà Nội và Sở Y tế tạo điều kiện, sau đó vài ngày, BV đã có thuốc để điều trị. Tuy nhiên đến cuối tháng 4 vừa qua, lọ thuốc Allipem cuối cùng cũng đã hết.

Hiện tại, các bệnh nhân muốn điều trị cũng phải tạm chuyển sang dùng Alimta với giá đắt hơn gấp nhiều lần, dù hiệu quả hơn nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện.

Phía BV cho biết, đang phải rà soát lại các công ty cung ứng thuốc xem nơi nào còn thuốc Aliipem để có báo cáo Sở, tuy nhiên với tình trạng thiếu thuốc đồng loạt như hiện nay, e doanh nghiệp cũng không còn thuốc.

Thúy Hạnh

2018, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ ung thư thế giới?

2018, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ ung thư thế giới?

Theo công bố mới nhất của WHO, số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165.000 ca.