Sáng nay, Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 công bố thêm 186 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành, nâng tổng số tử vong cả nước lên 1.881 trường hợp, trong đó TP.HCM có hơn 1.400 ca . Riêng đợt dịch từ 27/4 đến nay, cả nước có 1.846 bệnh nhân Covid-19 tử vong.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, qua thống kê các trường hợp tử vong tại Việt Nam, nhóm trên 70 tuổi trở lên chiếm đa số với 30,1% và hầu hết đều có bệnh nền; nhóm 61-70 tuổi chiếm 28,6%; bệnh nhân độ tuổi từ 51-60 tuổi chiếm 22,8%; nhóm 41-50 tuổi chiếm 11,4%. Nhóm bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi chiếm 7,2%.

Như vậy đến nay tỉ lệ tử vong tại Việt Nam là 1,13%, tăng khá nhanh so với giai đoạn trước nhưng đang thấp hơn tỉ lệ chung của thế giới là 2,13%.

{keywords}

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện quận Gò Vấp, TP.HCM

PGS Khuê đánh giá, biến chủng Delta lây nhiễm rất nhanh, mạnh, có những địa phương kịch bản chưa kịp đáp ứng khi số mắc tăng nhanh.

Dù vậy so với các đợt dịch trước đây, tỉ lệ bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ít thay đổi.

Số liệu phân tích trên 25.648 ca F0 cho thấy, 83,4% bệnh nhân không triệu chứng (hơn 21.388 bệnh nhân); 8,5% bệnh nhân mức độ trung bình (2.181); 8,1% bệnh nhân nặng, nguy kịch (2.079).

Trong số các bệnh nhân nặng, có 1.298 bệnh nhân phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính (5,1%); 301 người thở oxy dòng cao HFNC (1,2%); 73 ca thở máy không xâm nhập (0,3%); 389 ca thở máy xâm nhập (1,5%); 18 ca ECMO (chiếm 0,1%).

Hiện tại, Việt Nam đã áp dụng mô hình tháp 3 tầng trong điều trị bệnh nhân Covid-19, thậm chí tại TP.HCM đã chia thành 5 tầng. Trong đó tầng 1 bao gồm các khu cách ly, bệnh viện dã chiến chỉ tiếp nhận các trường hợp không triệu chứng hoặc ít triệu chứng, các tầng giữa là bệnh viện tuyến quận, huyện tiếp nhận bệnh nhân trung bình, tầng trên cùng tiếp nhận bệnh nhân nặng, rất nặng, cần can thiệp các kĩ thuật cao như lọc máu, thở máy, ECMO.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, nếu chuẩn bị kỹ và với chiến lược hiện tại, Việt Nam có thể đáp ứng được 80% số ca bệnh tại các cơ sở tuyến dưới.

Tầng 1 có thể chỉ cần 1-2 bác sĩ để dồn lực cho các tuyến cao hơn. Từ tầng 2 phải có hệ thống oxy trung tâm.

Bộ trưởng Long cũng yêu cầu Tiểu ban điều trị tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị cho từng tầng, thành quy chuẩn để các cơ sở áp dụng.

“Chúng ta giờ không thể có đầy đủ bác sĩ chuyên môn sâu ở từng tầng để chỉ định làm cái này, cái kia. Trong đại dịch không thể làm thế được. Giờ phải có quy trình chuẩn chung, phải đơn giản, dễ làm, làm sao bác sĩ răng hàm mặt cũng có thể điều trị được, nếu phác đồ chuyên khoa phải bác sĩ hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm mới làm được thì không đủ người”, Bộ trưởng Y tế lưu ý.

Theo ông Long, cuộc chiến Covid-19 sẽ còn dài, vì vậy ngành y tế phải vừa làm vừa chiến đấu, vừa làm vừa nuôi quân, dưỡng quân.

Thúy Hạnh

Việt Nam sẽ cấp phép thuốc ông Trump từng dùng để điều trị Covid-19

Việt Nam sẽ cấp phép thuốc ông Trump từng dùng để điều trị Covid-19

Việt Nam sẽ sớm cấp phép thuốc Remdesivir để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ngay tháng 8, Việt Nam sẽ có 500.000 lọ.