Ngày 17/6, Bộ Y tế quyết định chuyển 836.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho TP.HCM. Đây là quyết định của Bộ trong bối cảnh TP.HCM liên tục có nhiều ca bệnh, nhiều ổ dịch trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.

Theo quy định, sẽ có 10 nhóm người được ưu tiên mở rộng lần này là: công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lực lượng tham gia phòng chống dịch, người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, người dân vùng nguy cơ cao bùng phát dịch...

Tại lễ phát động sáng 19/6, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thành phố, với tốc độc triển khai chỉ trong 7 ngày. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu, mỗi ngày sẽ tiêm 200.000 liều vắc xin Covid-19 cho người dân.

{keywords}
Một người tại TP.HCM đang được tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo đó, sẽ có 650 điểm tiêm trong cộng đồng mỗi ngày, được tổ chức tại trung tâm y tế, trạm y tế, trường học và khu công nghiệp… Để đảm bảo giãn cách, mỗi ngày một điểm sẽ tiêm cho 200 người. Ông Hưng nhấn mạnh: “Mặc dù triển khai thần tốc, quyết liệt nhưng mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống Covid-19, thành phố sẽ thực hiện theo phương châm tiêm tới đâu đảm bảo an toàn tới đó".

Tuy nhiên, theo bản tin 6h sáng 24/6 của Bộ Y tế, tính đến 16h ngày 23/6, Việt Nam đã tiêm tổng cộng 2.626.337 liều vắc xin Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 137.682 người.

Trong đó, TP.HCM có số lượng được tiêm cao nhất là 40.667 người. Trong ngày 22/6, thành phố tiêm hơn 64.800 người. Như vậy, tổng cộng đến hết ngày 23/6, chỉ mới hơn 100.000 người thuộc diện ưu tiên của thành phố được tiêm vắc xin, đạt 20% yêu cầu đặt ra. Số vắc xin được cấp còn lại hiện tại là hơn 700.000 liều, nếu theo đúng kế hoạch, TP.HCM sẽ phải tiêm hết trong 3 ngày tới.

Trước tình hình đó, ngày 23/6, Bộ Y tế gửi công văn đề nghị lãnh đạo TP.HCM  khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vắc xin được cấp. 

Để đảm bảo đúng tiến độ đặt ra, ngày 24/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh gửi công văn khẩn cấp, yêu cầu 17 bệnh viện cử 240 đội, hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân từ chiều nay.

Sở Y tế cũng giao Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ hoạt động cấp cứu cho chiến dịch, đảm bảo có các kíp cấp cứu tại chỗ xử trí ban đầu nếu xảy ra sự cố, huy động báo động đỏ xe cấp cứu tại các bệnh viện được phân công, hỗ trợ chuyển bệnh an toàn nếu có chỉ định. Quy trình báo động đỏ của các bệnh viện đảm bảo sẵn sàng khi nhận được tín hiệu.

Theo đó, mỗi đội tiêm tối thiểu 5 người, gồm một bác sĩ khám sàng lọc, hai nhân sự tiêm vắc xin, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm. Các bệnh viện cử thêm lực lượng hỗ trợ công tác hành chính như tiếp nhận, cấp giấy xác nhận, hướng dẫn người dân trước và sau tiêm... 

Ngày 23/6, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM phát thông báo kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ tham gia vận chuyển phòng, chống dịch Covid-19. Một phần nội dung thông báo nêu rõ, TP.HCM đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 với quy mô lớn, tổ chức rất nhiều điểm tiêm cộng đồng không thuộc các cơ sở y tế.

Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, kịp thời xử lý các tình huống phản vệ sau tiêm và đưa về bệnh viện an toàn cực kỳ quan trọng nên rất cần nguồn lực đảm bảo vận chuyển. 

Tú Anh

Một người làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 trong 30 phút

Một người làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 trong 30 phút

Chỉ trong vòng 30 phút, ông Minh được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19. Hiện sức khỏe của người này bình thường.