Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà”. Việc làm này nhằm tránh tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cũng như tạo tâm lý thoải mái cho F0 nhanh hồi phục sức khỏe.

Theo Sở Y tế, có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Thứ nhất là những F0 không có triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày sau đó.

Thứ hai là những F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.

{keywords}
Một ca F1 đang cách ly tập trung. Ảnh: Tú Anh.

Theo Sở Y tế, F0 cần làm những việc sau:

Đeo khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.

Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên.

Đo thân nhiệt tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất một lần qua ứng dụng khai báo y tế điện tử.

Cần gọi ngay nhân viên y tế khi có các triệu chứng sau: sốt cao, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị giác, khó thở khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây để được hướng dẫn xử trí phù hợp.

Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu…

Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.

Đối với người chăm sóc, người ở cùng với F0: 

Người chăm sóc, ở cùng F0 phải khai báo y tế điện tử cho bản thân và cho F0 (trong trường hợp người bệnh không tự khai báo được) mỗi ngày một lần và biết phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng.

Đối với F0 mới tại cộng đồng thì người chăm sóc, người ở cùng phải cam kết với chính quyền địa phương tuân thủ các điều kiện cách ly tại nhà.

Thực hành các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Sở Y tế khuyến cáo, khi F0 có các dấu hiệu sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khi nhịp thở > 20 lần/phút, cần gọi đơn vị y tế để được hướng dẫn xử trí phù hợp.

Trong trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì gọi ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh quận, huyện để được cấp cứu kịp thời.

Sở Y tế cho rằng, để làm tốt việc triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại nhà, nhiệm vụ của các cơ sở y tế và chính quyền địa phương được cần được phân công rõ ràng. Cụ thể như sau:

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 mỗi quận, huyện lập nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe qua điện thoại cho F0, bao gồm các bác sĩ của trung tâm y tế, trạm y tế, bác sĩ của các cơ sở y tế tư nhân, bác sĩ đã nghỉ hưu cư trú trên địa bàn.

Trung tâm y tế tổ chức đường dây tiếp nhận cuộc gọi của F0 (khi cần) hoạt động 24/7 để hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc tại nhà, khám tại nhà hoặc hướng dẫn người bệnh đến trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Trung tâm cấp cứu 115 TP chịu trách nhiệm tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu của F0 khi có triệu chứng nặng tại nhà. Trung tâm cấp cứu 115 sử dụng hệ thống xe cấp cứu, xe vận chuyển người bệnh, xe taxi (được phân bố theo 5 cụm: Bình Tân, Bình Chánh, quận 10, quận 12, TP Thủ Đức) để chuyển người bệnh đến các bệnh viện gần nhất.

{keywords}
Những F0 được xuất viện về nhà tiếp tục cách ly.

Trung tâm y tế chịu trách nhiệm tổ chức lấy mẫu tại nhà cho người mắc Covid-19 vào ngày thứ 14 làm xét nghiệm test nhanh hoặc PCR để kết thúc thời gian cách ly tại nhà nếu kết quả âm tính.

Trạm y tế chịu trách nhiệm theo dõi kết quả khai báo y tế của người cách ly tại nhà (qua tài khoản quản trị ứng dụng “Khai báo Y tế” do Sở Y tế cấp cho mỗi trạm y tế) và kịp thời liên hệ người cách ly để tư vấn hoặc có hướng xử trí phù hợp khi phát hiện người cách ly có triệu chứng qua khai báo y tế; hàng ngày tổng hợp và báo cáo cho trung tâm y tế quận, huyện tình hình sức khỏe của người cách ly tại nhà trên địa bàn.

Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa chịu trách nhiệm truyền thông vận động F0 cùng gia đình thực hiện đúng bản cam kết đã ký và chấp hành các quy định đang cách ly tại nhà. 

Thành lập Tổ phản ứng nhanh (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện quận, huyện, công an và các tình nguyện viên...), cung cấp số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh để người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà dễ dàng liên hệ khi cần hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp. Tổ phản ứng nhanh sử dụng xe cứu thương của bệnh viện quận, huyện khi cần thiết.

Trong trường hợp F0 không tuân thủ đúng cam kết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ban hành quyết định chuyển F0 đến các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thị trấn, phường, xã và quận, huyện để tiếp tục chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Tùy vào mức độ vi phạm mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương đưa ra các hình thức xử lý phù hợp theo quy định.

>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Tú Anh

Cả ngày 29/7 ghi nhận gần 7.600 F0, hơn 4.000 ca xuất viện

Cả ngày 29/7 ghi nhận gần 7.600 F0, hơn 4.000 ca xuất viện

Chiều 29/7, Việt Nam công bố thêm 4.773 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc cả nước lên trên 128.000 bệnh nhân.

Nhìn bác sĩ ở bệnh viện, F0 từ bỏ ý định trốn viện

Nhìn bác sĩ ở bệnh viện, F0 từ bỏ ý định trốn viện

"Nỗi sợ hãi bệnh tật khiến tôi nung nấu ý định trốn viện nhưng ngày đêm chứng kiến các y bác sĩ, lực lượng hậu cần phải làm việc vất vả âm thầm, tôi đã bình tĩnh lại", một F0 chia sẻ.