Tính đến ngày 9/3, Việt Nam đã ghi nhận 30 ca nhiễm Covid-19, trong đó riêng 3 ngày, từ 6-8/3 có 14 ca mắc mới (9 người nước ngoài, 5 người Việt).

Đáng lưu ý, ca bệnh số 17 tại Việt Nam sau khi đến London, Anh đã đi qua Italy, Pháp rồi trở lại Anh và về Việt Nam ngày 2/3 vừa qua đã không khai báo trung thực hành trình của mình, sau khi về nước đã lây bệnh ra cộng đồng ít nhất 2 người gồm: Bác ruột và tài xế lái xe riêng của gia đình.

Hành khách N.Q.T, 61 tuổi ngồi cùng dãy ghế số 5 trên chuyến bay VN0054 cùng bệnh nhân số 17 cũng đã được xác định dương tính với Covid-19 sau đó, trở thành bệnh nhân số 21.

Sau khi xác định, số người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 17 và 21 thuộc diện nghi ngờ mắc bệnh đã lên tới gần 100 người, cùng với đó Hà Nội cũng áp dụng cách ly tại cộng đồng 66 hộ dân, 189 nhân khẩu từ số nhà 125 – 139 phố Trúc Bạch, tạm đóng cửa BV Hồng Ngọc…

{keywords}

Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện khai báo y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ảnh: VOV

 

Vậy những người có biểu hiện bệnh nhưng che giấu, không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực sẽ bị xử lý như nào?

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định, hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, trốn cách ly… làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, mức cao nhất có thể bị truy tố hình sự.

Với dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, tại Việt Nam, Thủ tướng cũng đã ký quyết định 173/QĐ-TTg để công bố dịch và Bộ Y tế bổ sung Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Đối chiếu những quy định trên thì Covid-19 là bệnh rất nguy hiểm, chưa có thuốc chữa và chưa có vắc xin phòng bệnh, việc khai báo y tế được xem là biện pháp hữu hiệu để phòng và điều trị tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.

Chiếu theo pháp luật, hành vi trốn khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh thì tùy mức độ vi phạm sẽ có mức xử lý khác nhau từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

{keywords}

Luật sư Nguyễn Hữu Toại

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị xử phạt từ 5 triệu – 10 triệu đồng.

Ngoài ra nếu người nào trốn tránh khai báo y tế mang mầm bệnh làm lây nhiễm cho người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

Nếu bị truy tố thì có thể bị xử phạt tù từ 1 năm đến 12 năm tù tùy mức độ gây thiệt hại. Trong đó sẽ phạt tù từ 5-10 năm nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người.

Trường hợp làm lây lan dịch dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên sẽ bị phạt từ từ 10-12 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm. 

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Thúy Hạnh

Từ 10/3, khai báo y tế toàn dân như thế nào?

Từ 10/3, khai báo y tế toàn dân như thế nào?

- Từ 10/3, tất cả người dân Việt Nam bắt buộc phải khai báo y tế. Vậy người dân có thể khai báo ở đâu, các bước như thế nào?