Trong 2 giờ, chuyên gia đã giải đáp các thắc mắc về bệnh truyền nhiễm mùa Đông như sởi, cúm... và tư vấn cách xử trí đúng, tránh biến chứng nguy hiểm của các bệnh này.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng, không khí lạnh và ẩm dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, làm giảm sức đề kháng tại chỗ, giúp một số mầm bệnh xâm nhập cơ thể. Đó là lý do bệnh nhân sởi, cúm, thủy đậu, quai bị, rubella, ho gà... nhập viện thường gia tăng mỗi khi trời trở lạnh, nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch lớn, bệnh lây qua đường hô hấp và lây lan nhanh trên diện rộng, nhất là trong các không gian kín.

Sởi và cúm là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dễ gây dịch khi mùa lạnh đến; đặc biệt sởi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam vào cuối năm 2013 đầu năm 2014, dịch sởi bùng phát khiến hàng ngàn trẻ em mắc bệnh; hơn 100 ca tử vong vào đỉnh điểm của dịch.

Ngày nay, nhờ nhiều tiến bộ trong điều trị và đặc biệt, nhờ có vắc xin tiêm phòng nhiều bệnh truyền nhiễm, Việt Nam đã khống chế dịch thành công; tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm đã giảm rất nhiều.

Tuy nhiên, đây đó, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn bị coi là những khó chịu vặt vãnh sẽ tự khỏi bằng cách kiêng khem. Một số gia đình nghi ngại tác dụng phụ của vắc xin, đã trì hoãn tiêm phòng, khiến 2 - 3% trẻ em chưa được tiêm chủng.

Để giúp các gia đình hiểu biết về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhờ vậy, mọi trẻ em Việt Nam được hưởng quyền lợi chủng ngừa, được tiêm vắc xin đúng lịch, và được điều trị kịp thời, đúng cách, tránh biến chứng không đáng có, báo VietNamNet phối hợp với Bộ Y tế tổ chức

Giao lưu trực tuyến: Sai lầm trị bệnh truyền nhiễm mùa lạnh.

Khách mời: Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương

{keywords}
Nhà báo Đỗ Hữu Khôi - Phó Tổng Thư kí tòa soạn báo VietNamNet tặng hoa BS. Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, khách mời của buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Minh Hà , Nữ - 28 Tuổi
Thưa BS. Cứ mỗi lần đổi mùa là con tôi lại ho hắng, sụt sùi vì thời tiết. Xin bác sĩ cho biết tại sao. Có cách nào giúp cháu tăng sức đề kháng để bớt ốm không ạ? Xin BS tư vấn giúp. Cảm ơn BS

BS Nguyễn Hồng Hà: Về mùa đông do thay đổi thời tiết nên rất nhiều dị nguyên kích thích hệ miễn dịch gây các dị ứng đường hô hấp hoặc nổi mẩn trên da nên đối với những cháu có cơ địa như vậy thì cần phải mặc đủ ấm tránh gió lùa và hạn chế đi ra ngoà trời và những nơi đông người có ô nhiểm không khí. Còn khi bị dị ứng thì có thể dùng một số loại thuốc chống dị ứng.

Nguyễn Thị Hồng Minh , Nữ - 30 Tuổi
Nhà cháu có con nhỏ, mùa đông mẹ chồng thường cho 1-2 giọt dầu gió vào chăn hoặc áo của trẻ để phòng cảm. Làm vậy có đúng không ạ? Nhà cháu có làm tỏi đen, hàng ngày cháu cho con trên 1 tuổi ăn 1/2-1 tép tỏi, vậy có được không ạ? cháu cảm ơn bác sĩ

BS Nguyễn Hồng Hà: Khi mùa đông lạnh có thể cho 1 vài giọt dầu vào lòng bàn tay bàn chân, tránh bôi nhiều gây bỏng do da trẻ mỏng. Tỏi đen có tác dụng giảm mỡ máu nên trẻ em không cần thiết phải dùng.

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thu Ngân , Nữ - 24 Tuổi
Chào Bác sĩ! Bé nhà em được gần 2 tháng cách đây 2 tuần bé bị viêm tiểu phế quản đã điều trị khỏi. Mấy hôm nay trời lạnh em rất lo con bị tái phát lại. Ngoài việc ủ ấm cho bé, em có nên cho bé uống thêm siro ho để phòng ho? Làm gì để con khỏe mạnh trong tiết trời này ạ. Cảm ơn BS

BS Nguyễn Hồng Hà: Thuốc ho chỉ sử dụng khi trẻ bị ho chứ không dùng để dự phòng. Trong tiết trời này nên cho trẻ mặc đủ ấm, đặc biệt là ngực và cổ tránh những nơi gió lùa, nhiệt độ phòng nên để từ 25 đến 27 độ tránh cho trẻ đi ra ngoài vào những hôm quá lạnh.

Hồng Hạnh , Nữ - 26 Tuổi
Chào BS. Vào thời tiết mùa đông, đi ra đường mà cháu không che chắn cẩn thận thì rất hay bị nổi mẩn cả người và ngứa không chịu được. Kể từ ngày đẻ xong đứa đầu cháu mới bị như vậy? Có phải là do cháu bị dị ứng thời tiết hay không? Xin BS tư vấn giúp cháu địa chỉ khám uy tín ạ

BS Nguyễn Hồng Hà: Khi bị lạnh hoặc quá nóng thì các tế bào mastocyt ở dưới da giải phóng ra chất histamin gây ra nổi mẩn hoặc ngứa. Vì vậy tránh để bị lạnh quá hoặc nóng quá nên mặc quần áo bằng chất liệu bông dễ hút mồ hôi. Khi bị chỉ cần lau sạch mồ hôi và nghỉ ngơi là tự hết. Nếu không đỡ có thể dùng các thuốc kháng histamin. Bạn có thể đến các chuyên khoa về dị ứng miễn dịch lâm sàng.

Vân Dung , Nữ - 27 Tuổi
Thưa BS, vì sao mùa đông dễ mắc các bệnh như cúm, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng hay sốt xuất huyết... ạ. Có cách nào phòng chống các bệnh này ạ? Cảm ơn BS

BS Nguyễn Hồng Hà: Về mùa đông khi nhiệt độ hạ các gió mùa làm cho kích thích các niêm mạc hô hấp dễ bị tổn thương, virus cúm có điều kiện tồn tại ở nhiêt độ thấp dễ nhiễm vào cơ thể khi tiếp xúc với người bị cúm. Bạn cần phải phân biệt bệnh cúm do virus cúm có biểu hiện sốt viễm nhiễm ở đường hô hấp và các biểu hiện ở toàn thân. Với các trường hợp bị cảm lạnh do thời tiết chỉ có biểu hiện viêm đường hô hấp không sốt. Khi có biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp kèm theo sốt trên 38 độ đặc biệt ở trẻ nhỏ hoặc người già hoặc người có bệnh từ trước cần đến các bác sĩ chuyên khoa và sử dụng các loại kháng cúm đặc biệt để hạn chế những biến chứng nặng.

{keywords}
BS Nguyễn Hồng Hà trả lời các thắc mắc của bạn đọc về các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Vũ Hải Hà , Nữ - 30 Tuổi
Tôi được biết trẻ em rất hay mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, dị ứng.. vào mùa lạnh. Khi nào thì cần đưa con đến BS sau khi con có biểu hiện sổ mũi, ho, sốt, phân lỏng hay ngứa ngáy... Cảm ơn BS

BS Nguyễn Hồng Hà: Những trẻ bị nhiễm trùng sốt cao không chịu chơi, ngủ li bì bỏ bú hoặc không muốn ăn hoặc tiêu chảy nhiều, dị ứng quá mức cần phải đưa đến bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân để được điều trị sớm.

Trần Hạnh Dung , Nữ - 27 Tuổi
Hiện nay nhiều thực phẩm trên thị trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại. Liệu đồ ăn độc hại cũng là một nguyên nhân khiến con người ngày càng mắc các bệnh truyền nhiễm ngoài tầm kiểm soát như thế không?

BS Nguyễn Hồng Hà: Khi ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể gây bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm. Có thể nhiều người cùng bị nhiễm. Biểu hiện này có thể do độc tố của vi khuẩn hoặc tồn tại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn trong thực phẩm hoặc các độc tố khác. Cần phải được xét nghiệm mẫu thực phẩm để xác định chính xác căn nguyên. Người bệnh khi bị nhiễm trùng thực phẩm cần đến bệnh viện để xử lý kịp thời đặc biệt với những trường hợp có sốt cao và mất nước. Khi định ăn bất cứ một loại thực phẩm gì chúng ta phải quan sát, ngửi, nến thử nếu thấy đảm bảo mới ăn tiếp, nghi ngờ bị ôi thiu thì không nên ăn.

Huyền Phạm , Nữ - 27 Tuổi
Em thường xuyên bị cúm mỗi khi trời lạnh, sốt nhẹ khoảng 2 hôm, viêm họng rồi ho, sụt sịt mũi. Gia đình thường mua thuốc kháng sinh cho em uống nhưng em không muốn uống kháng sinh, do sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Xin hỏi bác sĩ trường hợp nào thì được uống kháng sinh? Thường là amoxylin hoặc cephalexin

BS Nguyễn Hồng Hà: Nếu sốt trên 38 độ có biểu hiện viêm họng hoặc viêm amidan nên đến bác sĩ để xét nghiệm thêm nếu bạch cầu tăng hoặc CRP tăng thì nhiễm trùng đường hô hấp này có thể nhiễm khuẩn do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn điều trị thường có thể dùng cefadrocine hoặc amocyline/axit clavulanic. Trong trường hợp bạn nghi bạn có tiếp xúc trực tiếp với người có biểu hiện cúm hoặc đang có dịch cúm lưu hành cần được khám và xét nghiệm để phát hiện cúm và phải điều trị bằng thuốc kháng virut cúm (oseltamivir). Còn trường hợp không sốt chỉ có xuất tiết đường hô hấp thì đấy là trường hợp cảm lạnh do thời tiết thì bạn có thể dùng một số thuốc chống dị ứng đường hô hấp.

Thu Minh , Nữ - 28 Tuổi
Hôm trước cháu thấy một mẹ nói con mẹ ấy đã tiêm phòng lao đầy đủ nhưng xét nghiệm kháng thể lao thì lại không đủ phải tiêm phòng lại. Vậy làm sao để biết và yên tâm với các mũi tiêm phòng vắc-xin đã ghi trong sổ của con ạ? Xin BS tư vấn giúp. Cảm ơn BS

BS Nguyễn Hồng Hà: Tiêm phòng lao chỉ tiêm khi trẻ trong 1 tháng tuổi, không tiêm nhắc vào các lứa tuổi khác. Việc tiêm vắc xin phòng lao có thể chưa tạo được miễn dịch nhưng không vì thể mà tiêm nhắc lại. Nước ta là một nước có bệnh lao lưu hành cao cho nên bất cứ người nào cũng đều phơi nhiễm với vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao có thể tổn tại trong tế bào rất nhiều năm và sẽ tái hoạt khi sức đề kháng của cơ thể giảm (trẻ suy dinh dưỡng, sau nhiễm sởi, người nhiễm HIV, tiểu đường, người già yếu, hoặc dùng một số thuốc làm suy hụt miễn dịch của cơ thể như sử dụng corticoid kéo dài). Nếu có các biểu hiện về lâm sàng sốt về chiều,ho kéo dài trên 2 tuần, sụt cân, nổi hạch hoặc đau đầu kéo dài thì cần phải đi khám để phát hiện.

Mai Hương , Nữ - 23  Tuổi

Theo em được biết, hiện đã có vacxin phòng chống bệnh sởi, vậy tất cả mọi người đều có thể tiêm hay có những trường hợp nào không nên tiêm, mong bác sỹ chỉ rõ ạ?

BS Nguyễn Hồng Hà: Tất cả trẻ em từ 9 tháng đến 1 tuổi tiêm mũi thứ nhất và nhắc mũi thứ hai từ 4 đến 6 tuổi. Những người chỉ mới tiêm một mũi thì nên tiêm nhắc lại mũi thứ hai ở bất cứ tuổi nào. Chỉ có những trẻ bị nhiễm HIV ở giai đoạn suy hụt miễn dịch nặng thì không nên tiêm vắc-xin sống giảm hoạt lực. 

Phương My , Nữ - 23  Tuổi

Theo em được biết, bệnh sởi là bệnh khá phổ biến vì hàng năm có rất nhiều người mắc phải. Vậy bác sỹ có thể cho em biết cụ thể bệnh thường lây qua đường nào và cách phòng tránh, em xin cảm ơn!

BS Nguyễn Hồng Hà: Bệnh sởi rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp. Người bị sởi có thể phát tán virus trước khi phát ban 4 ngày và sau khi phát ban 4 ngày. Những trẻ chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm quá lâu đều có nguy cơ bị mắc bệnh. Hiện nay vắc-xin sống giảm hoạt lực có tính sinh miễn dịch cao nhưng cần phải tiêm và nhắc lại đầy đủ. Phụ nữ trong lứa tuổi chuẩn bị xây dựng gia đình và có con nên tiêm nhắc lại vắc-xin sởi, quai bị, rubenla để phòng lây nhiễm các bệnh này trong giai đoạn có thai và có đủ kháng thể để truyền lại cho trẻ em sau khi sinh để dự phòng trẻ mắc các bệnh này ở giai đoạn cho con bú. 

Huyền My , Nữ - 32  Tuổi

Tháng trước con tôi bị viêm tai giữa và viêm mũi nhầy. Tôi có đưa con đi khám ở PK tai mũi họng và được kê đơn thuốc. Sau 1 tuần thì con tôi khỏi viêm tai giữa nhưng cháu vẫn bị sụt sịt mũi. Tôi vẫn tiếp tục cho con dùng thuốc nhỏ và xịt nước muối cho con theo tư vấn BS. Tuy nhiên, cháu bị sổ mũi kéo dài. Mẹ tôi khăng khăng bắt tôi đi mua kháng sinh cho con uống cho cháu chóng khỏi. Tuy nhiên tôi không đồng ý. Cuối cùng sau 3 tuần sụt sịt cháu mới khỏi hẳn. Xin BS tư vấn giúp việc cháu bị sổ mũi kéo dài 3 tuần có bất thường không? Kháng sinh dùng không theo kê đơn có giúp các cháu nhanh khỏi bệnh và ảnh hưởng như thế nào về sau ạ?

BS Nguyễn Hồng Hà: Trẻ em rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm tai giữa, viêm VA. Trường hợp con bạn đã được chuẩn đoán viêm tai giữa và được bác sĩ kê đơn và trị khỏi là rất tốt. Những tổn thương niêm mạc gây ra xuất tiết mũi gây chảy nước mũi và ho có thể một vài tuần mới có thể hết được. Nếu trẻ không sốt thì bạn không cần phải cho uống kháng sinh chỉ cần hút sạch chất xuất tiết hoặc nhỏ thuốc mũi. Nếu dùng thuốc kháng sinh không theo đơn sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa, dễ làm cho vi khuẩn quen thuốc kháng sinh, tạo ra các chủng vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Trong trường hợp nếu trẻ bị viêm VA tái đi tái lại nhiều lần, ngủ phải há miệng để thở ảnh hưởng đến phát triển thì nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để xem xét nạo VA hay không.

{keywords}
BS Nguyễn Hồng Hà: "Dùng thuốc kháng sinh không theo đơn gây nhiều tác hại như  rối loạn tiêu hóa, dễ làm cho vi khuẩn quen thuốc kháng sinh tạo ra các chủng vi khuẩn kháng lại kháng sinh". Ảnh: Lê Anh Dũng

Thanh Sơn , Nữ - 29 Tuổi

Về tiêm chủng sởi, bác sỹ có thể cho biết những tác dụng phụ khi tiêm và có đảm bảo được rằng khi tiêm sởi sẽ hoàn toàn không mắc lại bệnh này đúng không ạ?

BS Nguyễn Hồng Hà: Vắc-xin sởi là vắc- xin sống giảm độc lực có tính sinh miễn dịch cao đã được tiêm rộng rãi trên toàn thế giới, hơn 20 năm đem lại những giá trị vô cùng to lớn vì vậy bạn nên yên tâm cho con mình tiêm phòng sởi đầy đủ.

Hoài Nga , Nữ - 29 Tuổi
Con tôi 22 tháng vẫn chưa tiêm phòng thủy đậu. Đầu xuân tới tôi định cho cháu đi lớp. Nhưng tôi nghe nói bệnh thủy đậu hay bùng phát vào mùa đông xuân và rất dễ lây ở lớp học. Vậy bây giờ tôi cho cháu đi tiêm phòng có kịp không ạ. Xin cảm ơn BS

BS Nguyễn Hồng Hà: Vắc-xin thủy đậu được tiêm phòng khi trẻ được 1 tuổi trở lên. Bạn nên tiêm cho cháu ngay để có miễn dịch sớm khi cháu đi học, giao lưu với các bạn giảm nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với nhiều bạn.

Hương Lan , Nữ - 29 Tuổi
Bé nhà em giờ được hơn 12 tháng và hồi tháng 11 cháu có tiêm phòng sởi. Hiện tại em có nhu cầu tiêm thêm cả quai bị và rubella thì ko biết là em có thể cho cháu tiêm mũi 3 trong 1 sởi-rubella-quai bị được không ạ? Nhờ a/c tư vấn cho em. Em xin trân trọng cảm ơn.

BS Nguyễn Hồng Hà: Bạn có thể cho con tiêm vắc-xin 3 trong 1 sởi-rubella-quai bị sau mũi tiêm sởi lần đầu trên 1 tháng.

Quốc Trung , Nam - 31 Tuổi
Bệnh sởi là bệnh dễ lây nhiễm khi thay đổi thời tiết, bác sỹ có thể cho biết triệu chứng diễn biến của bệnh này và mức độ nguy hiểm của bệnh để mọi người dễ dàng phòng tránh được không ạ?

BS Nguyễn Hồng Hà: Trẻ em chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ có tiếp xúc với người bị sởi hoặc sốt phát ban nghi sởi có thể mắc bệnh sởi. Khi trẻ mắc bệnh sởi biểu hiện sốt cao, viêm long ở đường hô hấp như ho, chảy mũi đôi khi khản tiếng viêm xuất tiết kết mạc mắt. Đôi khi có thể ở trẻ sốt sau 3 ngày thì trẻ xuất hiện phát ban màu hồng mịn to bằng cánh bèo tấm xuất hiện trên da vùng gáy sau tai đến mặt và sau 3 ngày mọc toàn thân trẻ có thể giảm sốt và xuất hiện bay theo thứ tự từ trên xuống dưới.

Khi ban đã bay hết thì trẻ hết sốt, nếu trẻ vẫn còn sốt cao thì có khả năng biến chứng bội nhiễm. Bệnh sởi làm cho trẻ suy giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, nếu vệ sinh kém thậm chí có thể sinh ra viêm hoại tử niêm mạc miệng (trước đây thường gọi là cam tẩu mả), viêm kết mạc ngoài giác mạc đặc biệt là trẻ thiếu vitamin A có thể gây ra mù lòa.

Bệnh sởi cũng dễ làm cho trẻ bị tái hoạt bệnh lao, một số ít trường hợp sau khi sởi bay vài ngày đến 1 tuần có thể xuất hiên viêm não.

Trần Ngọc Hân , Nữ - 29 Tuổi
Xin BS tư vấn giúp có thể xét nghiệm định lượng kháng thể sau khi tiêm vắc xin ở đâu? Tôi có đọc được thông tin vắc xin bảo quản không đúng, tiêm không đúng, không đủ thì không có hiệu quả.

BS Nguyễn Hồng Hà: Bạn không cần phải xét nghiệm để định lượng kháng thể vì tốn kém và không cần thiết. Còn trường hợp bạn không yên tâm có thể đi xét nghiệm ở các bệnh viện có phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ như viện Nhi Trung ương, bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương, Medlatec nhưng không phải vắc-xin nào cũng được triển khai.

Mi Vân , Nữ - 27 Tuổi
Con tôi đang uống kháng sinh (không nhớ), có tiêm được không ạ? Hay là phải ngừng uống, nếu ngừng uống thì ngừng bao lâu mới tiêm được?

BS Nguyễn Hồng Hà: Không nên cho con bạn đi tiêm khi cháu đang trong giai đoạn mắc bệnh cấp tính. Khi tiêm vắc-xin trẻ phải đang ở giai đoạn khỏe mạnh và thương các trung tâm sẽ khám sàng lọc trước khi tiêm. 

Thanh Loan , Nữ - 30 Tuổi
Em đang có thai 8 tuần, cho hỏi, em muốn biết phụ nữ có thai nên tiêm các loại vacxin gì? tiêm ở đâu, thời điểm nào tiêm là phù hợp nhất?

BS Nguyễn Hồng Hà: Bạn đã có thai 8 tuần thì cần phải tiêm phòng vắc-xin uốn ván vào tháng thứ 7 theo quy định.

Chu Hạnh , Nữ - 26  Tuổi

Chào bác sĩ, con em 20 tháng tuổi bị nghẹt mũi, em đã nhỏ nước muối sinh lý 0.9% thì cháu bị sổ mũi. 1 - 2 hôm sau, cháu ho có đờm kèm theo sốt 38oC và thở mạnh, khò khè. Em cho cháu đi khám, dùng thuốc được 2 - 3 ngày, cháu lại húng hắng ho trở lại và hơi sốt. Liệu có phải bé nhà em bị viêm phế quản co thắt hay viêm tiểu phế quản ạ? Em thấy bảo viêm phế quản không nên dùng kháng sinh mà đi khám bác sĩ nào cũng kê kháng sinh hết thế có đúng không ạ? Làm thế nào để phòng ngừa viêm phế quản hiệu quả ạ? Cám ơn bác sĩ nhiều.

BS Nguyễn Hồng Hà: Khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, bạn đi khám bác sĩ đã chẩn đoán và kê kháng sinh. Nếu đúng bệnh cháu sẽ hết sốt và đỡ nhưng ho có thể kéo dài vì đây là phản xạ để đẩy các chất xuất tiết ra ngoài cơ thể. Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi hoặc phế quản phế viêm thì trẻ sẽ sốt lại biểu hiện khó thở, thở nhanh thì bạn cần phải cho cháu đi đến khám bác sĩ nhi khoa để được khám cẩn thận nghe phổi nếu cần thiết thì chụp x-quang. Để phòng ngừa viêm phế quản bạn nên cho cháu tiêm phòng vắc-xin chống lại vi khuẩn heamophylus influenza tuýp B (HIB), vắc-xin phòng phế cầu, vắc-xin cúm. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, bị nhiễm mưa.

Vân Anh , Nữ - 36 Tuổi
Thưa bác sỹ, bác sỹ có thể cho biết về cách điều trị bệnh cúm A/H7N9 được không ah?
Cần phải sử dụng thuốc kháng virus Oseltaminvir ( Tamiflu) càng sớm càng tốt.

BS Nguyễn Hồng Hà: Theo dõi và xử trí các rối loạn về hô hấp và các biểu hiện khác, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở có điều kiện để chuẩn đoán và điều trị được như bênh viện bệnh nhiệt đới trung ương.

Xuân Minh , Nam - 30 Tuổi
Thưa bác sỹ, sau khi lắng nghe ý kiến của một người dân bày tỏ sự quyết tâm chờ đợi vắc xin dịch vụ 5 trong 1 chứ không tiêm Quinvaxem và 1 người thì băn khoăn không biết có nên cho con đi tiêm phòng vắc xin này, ông có bình luận gì?

BS Nguyễn Hồng Hà: Hiện tại vắc-xin Quinvaxem đã được các tổ chứ y tế thế giới đánh giá vẫn sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc theo yêu cầu, việc tiêm chủng do bạn quyết định.

Đinh Thắng , Nam - 30 Tuổi
Thưa bác sỹ, bác sỹ có thể cho biết tầm nguy hiểm của bệnh cúm H7N9 và cách phòng tránh được không ạ?

BS Nguyễn Hồng Hà: Cúm H7N9 là một chủng cúm mới gây bệnh mới nổi từ gia cầm sang người, xuất hiện lần đầu vào năm 1913 ở Trung Quốc, thường vào cuối mùa đông xuân từ tháng 12 đến tháng 3. Bệnh này bùng phát cho đến nay đã có khoảng 1.280 ca bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc tỉ lệ tử vong rất cao khoảng 34%. Hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc và HongKong đều có gia cầm mang virus và có ca bệnh ở người. Tỉnh Quảng Tây và Vân Nam giáp Việt Nam cũng có ca bệnh, dịch H7N9 ở gia cầm thì không rõ ràng, có cả những gia cầm không bị ốm mà mang virus cho nên những người tiếp xúc đi đến những trang trại nuôi gia cầm hoặc đi chợ bán gia cầm sống, hoặc giết mổ gia cầm thì có nguy cơ mắc bệnh cao.

Hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy virus lây từ người sang nguời nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ. Khi nghi ngờ bị bệnh cúm H7N9 điều quan trọng là phải hỏi điều tra phơi nhiễm với gia cầm đặc biệt là với gia cầm có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc không rõ nguồn gốc hoặc đi du lịch đến các vùng của Trung Quốc.

Khi bị bệnh bệnh nhân thường sốt cao đau mỏi toàn thân, ho khan hoặc có đờm, tức ngực, kho thở dẫn đến suy hô hấp tím tái, sốc và tổn thương nhiều phủ tạng.

Nước ta là một nước có đường biên tiếp xúc với Trung Quốc khá dài vấn đề buôn bán gia cầm không được kiểm soát qua biên giới rất có khăn không kiểm soát được nên nguy cơ bị lây truyền dịch H7N9 là rất cao. Cho đến nay, chưa phát hiện được H7N9 ở người cũng như là xét nghiệm phát hiện ra virus ở gia cầm nên chúng ta phải luôn cảnh giác với ca bệnh nghi ngờ có yếu tố dịch tễ.

Mai Lan , Nữ - 27 Tuổi
Thưa ông, trong trường hợp không may sau khi tiêm, trẻ gặp tai biến liên quan đến vắc xin thì chúng ta có quy trình xử lý ra sao? Liệu y tế tuyến xã, phường, quận, huyện có đảm bảo năng lực cấp cứu nếu trẻ gặp rủi ro sau tiêm?

BS Nguyễn Hồng Hà: Bất cứ một loại thuốc nào đưa vào cơ thể dù tiêm hay uống đều có thể có phản ứng không mong muốn. Tiêm phòng vắc-xin cũng vậy mặc dù tỉ lệ rất thấp có thể 1 phần triệu nhưng để đề phòng các tái biến cho vắc-xin các cơ sở tiêm phòng vắc-xin đều có quy trình khám sàng lọc trước tiêm, kiểm tra, chuẩn bị các phương tiện để xử lý cấp cứu các trường hợp xảy ra, theo dõi phản ứng sau khi tiêm. Mặc dù vậy đôi khi vẫn có thể xảy ra những tai biến đáng tiếc không mong muốn, mà không có cách nào xử lý mặc dù tỉ lệ rất thấp. Nhưng không vì vậy mà chúng ta quá lo lắng không cho con đi tiêm phòng đủ vắc-xin để bảo vệ rất nhiều bệnh nguy hiểm đối với trẻ.

Lan Hương , Nữ - 27 Tuổi
Cháu có 1 bé trai hiện giờ đã được 30 tháng tuổi, bé bắt đầu bị viêm họng khi được 7 tháng tuổi từ đó tới giờ bé hay bị viêm họng cứ mỗi lần như vậy bé thường kèm theo triệu trứng ho, sốt, biếng ăn, khi ăn vào hay bị nôn trớ. Và cháu rất hay bị tái phát viêm họng. Xin hỏi BS nếu bé thường xuyên bị viêm họng như vậy thì có ảnh hưởng gì về sau và bệnh viêm họng có thể chữa dứt điểm được không và cần chữa trị bằng phương pháp nào? Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc con em của mình ra sao để bé không bị mắc bệnh viêm họng? Cảm ơn BS

BS Nguyễn Hồng Hà: Cần đưa cháu đến chuyên khoa tai mũi họng để xem cháu có bị viêm VA mãn tinh hay không. Nếu cháu bị viêm VA tái đi tái lại nhiều lần có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, nếu không sau 3 tuổi các biểu hiện viêm đường hô hấp trên có thể giảm đi.

Trần Mạnh Hùng , Nam - 30 Tuổi
Con gái tôi 26 tháng, thay đổi thời tiết thì ho và viêm họng... đưa cháu đi khám và uống kháng sinh liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không?

BS Nguyễn Hồng Hà: Thuốc kháng sinh dùng điều trị một đợt không có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Minh Vương , Nam - 31 Tuổi
Thưa bác sỹ, bác sỹ có thể cho em biết nguyên nhân của bệnh cúm và cúm gia cầm ạ?

BS Nguyễn Hồng Hà: Bệnh cúm là do virus cúm gây ra. Bệnh cúm mùa (chúng ta thường hay bị) hiện nay là do các chủng cúm H1N1 đại dịch 2009, 2010; H3N2; cúm B. Cúm gia cầm hiện nay có 3 chủng cúm A H5N1 xuất hiện lần đầu tiên ở HongKong cho đến nay có ở khoảng 15 quốc gia ở Châu Á, Đông Nam Á, Trung Đông khoảng 850 ca mắc. Ở Việt Nam cũng đã có dịch ở gia cầm và bệnh ở người từ năm 2003 đến nay có khoảng 130 mắc tử vong chiếm gần 50%. Cúm A H7N9 chủ yếu ở Trung Quốc từ 2013 đến nay khoảng 1.280 trường hợp tử vong khoảng 34%. Cúm A H10N8 mới phát hiện được 2 ca ở Trung Quốc năm 2014.

Ngọc Minh , Nữ - 36 Tuổi

Thưa bác sỹ, bác sỹ có thể cho biết để phòng ngừa bênh cúm A/H7N9 hàng năm có nên tiêm phòng cúm không ah?

BS Nguyễn Hồng Hà: Hiện nay chưa có vắc-xin phòng cúm H7N9 và H5N1. Vắc-xin phòng cúm hiện nay chỉ phòng được các chủng cúm mùa (cúm A H1N1, H3N2, cúm B) và phải tiêm nhắc lại hàng năm.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

• VietNamNet