- Được thầy lang tiêm thuốc tại nhà, cả 2 bệnh nhân khi nhập viện đều có hiện tượng hoại tử, nhiễm khuẩn huyết vùng tiêm, tiên lượng nặng.

Ngày 3/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đang điều trị cho 2 trường hợp có biến chứng sau tiêm rất nặng do tiêm sai cách.

{keywords}

Bệnh nhân tiến triển tốt sau 10 ngày điều trị

Cả 2 bệnh nhân đều nhập viện ngày 26/4 vừa qua. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Nguyễn Văn Vĩnh (37 tuổi, Hải An, Hải Phòng).

Anh Vĩnh bị thoái hoá đĩa đệm đã 5 năm nay, thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau. 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân được thầy lang tiêm giảm đau corticoid vào khớp gối và thắt lưng.

Ngày hôm sau, vùng đùi phải bất ngờ sưng to, tấy đỏ. Khi đến khám tại Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng, anh Vĩnh được chuyển tiếp ngay lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, anh được đặt ống thống catheter tĩnh mạch phải, dùng kháng sinh rồi chuyển tiếp sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Trường hợp thứ hai là anh bệnh nhân Phạm Đức Tuấn (43 tuổi, Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhập viện trong tình trạng vùng đùi và mạn sườn trái sưng nề to, nổi phỏng nước dịch, sốc nhiễm trùng nặng.

Cách đó một tuần, khi thấy đau nhức chân, anh Tuấn tự đi khám thầy lang gần nhà, được tiêm thuốc vào mông, khoeo chân. Tiêm được 4 ngày, anh Tuấn có biểu hiện sốt, nóng, gai rét, vùng đùi trái dần sưng nề, tấy đỏ, đau nổi phỏng nước.

Khi đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết nên chuyển ngay lên Bệnh viện Bạch Mai xử trí đặt catheter sau đó chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cả 2 trường hợp này đều được thầy lang tiêm tiêm theo kiểu đau chỗ nào tiêm chỗ đó.

Khi nhập viện cả 2 đều có hiện tượng hoại tử, nhiễm trùng, bệnh tiến triển rất nhanh, khi vào viện tiên lượng nặng nhưng may mắn bệnh nhân còn trẻ nên sức đề kháng tốt nên sau 10 ngày điều trị, sức khoẻ đã tốt lên.

BS Cấp cho biết, trước đây, bệnh viện cũng gặp một vài trường hợp tương tự. Nguyên nhân nhiễm trùng do kỹ thuật tiêm không chuẩn, không đảm bảo vô trùng khiến vi trùng trên da xâm nhập qua vết tiêm gây nhiễm trùng. Chưa kể đến việc liều thuốc sử dụng không đúng.

“Tất cả bác sĩ đông, tây y, điều dưỡng đều được học về giải phẫu, kỹ thuật tiêm truyền, dược lý nên có thể sử dụng thuốc để tiêm truyền. Còn thầy lang chỉ được học về châm cứu, bấm huyệt nên tự động tiêm truyền rất nguy hiểm, có thể tiêm vào vùng nguy hiểm”, BS Cấp cảnh báo.

T.Hạnh

* Tên bệnh nhân đã thay đổi