Đại gia đình 20 người đến bệnh viện chờ người nhà sinh

BS. Chiến quê ở Phủ Lý (Hà Nam). Tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Kết thúc năm thứ nhất đại học, anh như vỡ òa khi mình giành được suất học bổng toàn phần sang Cu Ba.

Năm 2001, tạm biệt gia đình, Nguyễn Ngọc Chiến sang nước bạn với hành trang ít ỏi là vài bộ quần áo và sách vở.

“Tôi nhớ, khi ấy mỗi tháng tôi được 40 đô la tiền học, mọi sinh hoạt được nước bạn tài trợ. Nước bạn nghèo nên cuộc sống của tôi cũng phải cố gắng tiết kiệm tối đa mọi chi phí. Toàn bộ thời gian, tôi và các bạn chủ yếu là học và thực tập tại bệnh viện của trường đại học”, BS. Chiến nói.

Sau 11 năm học tập nơi xứ người, BS. Chiến về nước làm việc. Bằng kinh nghiệm tích lũy được, anh Chiến đã giúp đỡ nhiều trường hợp khó được vượt cạn thành công.

Công tác trong khoa sản nhiều năm, chứng kiến khoảnh khắc các thiên thần nhỏ chào đời, với BS. Chiến, đó là niềm hạnh phúc vô bờ.

{keywords}
 

“Quá trình “vượt cạn” luôn tiềm ẩn những rủi ro. Bác sĩ phải giữ đầu óc tỉnh táo, theo dõi bệnh nhân, vì chỉ cần sơ sẩy, không cấp cứu kịp, dễ xảy ra điều đáng tiếc”, anh cho biết.

Anh nhớ như in một ca đỡ đẻ cấp cứu vào lúc 3 giờ sáng với tình trạng chảy máu nặng, sản phụ bị nhau tiền đạo, tính mạng nguy kịch, thai suy. Để cứu tính mạng người mẹ, bác sĩ trong khoa đã tiến hành mổ bắt thai gấp.

Ê kíp mổ gặp khó khăn khi thai nằm ngang nên các bác sĩ đã vất vả mới đưa được em bé ra khỏi bụng người mẹ. Sau khi mổ, người phụ nữ này được dùng thuốc co nhưng vẫn bị đờ tử cung, máu chảy ồ ạt. Cuộc hội chẩn khẩn cấp diễn ra với quyết định: “Cắt bỏ tử cung để cầm máu”.

Trải qua ca phẫu thuật sinh tử, sản phụ may mắn hồi tỉnh. Chứng kiến người mẹ nén đau, vịn giường ngồi dậy, bế đứa con đỏ hỏn từ tay y tá, sống mũi BS. Chiến cay cay. Bởi nếu chậm trễ một chút thôi, đứa trẻ có thể mồ côi mẹ.

{keywords}
 

BS. Chiến tâm sự, trong khoa, anh là người thường xuyên tiếp nhận, đỡ đẻ cho các trường hợp là người nước ngoài, vì anh thông thạo 3 ngoại ngữ, lại từng có thời gian dài sống ở nước ngoài.

Theo lời anh, đỡ đẻ cho các ca người nước ngoài đòi hỏi kiên nhẫn hơn. Bởi họ kỹ tính, yêu cầu rất khắt khe.

Các cặp đôi người nước ngoài thường yêu cầu được sinh thường, không can thiệp bằng các biện pháp y khoa như: Rạch tầng sinh môn, gây chuyển dạ bằng thuốc…, trừ trường hợp bất đắc dĩ.

Điển hình là bệnh nhân ngoại quốc cách đây vài tháng, mang thai 39 tuần, bị cạn ối. Nếu người khác đỡ đẻ, họ sẽ khuyên sản phụ mổ hoặc gây chuyển dạ.

Tuy nhiên, chị kiên trì chờ đợi và nhờ BS. Chiến đỡ đẻ bằng phương pháp tự nhiên nhất có thể. Bệnh nhân gửi gắm, BS. Chiến căng thẳng vận dụng hết những kiến thức mình có được, giúp chị sinh thường thành công.

“Người nước ngoài thường theo xu hướng thuận tự nhiên (đẻ thường, đợi cơn chuyển dạ. Nhiều tài liệu tôi nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ mổ lấy thai ở Pháp là 15-20%, trong khi ở Việt Nam là 50-60%.

Bản thân tôi khi đỡ đẻ, cũng thường khuyên sản phụ sinh thường. Vì sinh mổ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, sản phụ cũng chậm hồi phục sức khỏe”, bác sĩ Chiến cho hay.

Nhiều năm hành nghề, BS. Chiến cho biết thêm, cũng gặp không ít trường hợp dở khóc dở cười. Như trường hợp sản phụ tên Hương sinh năm 1989 ở Hải Dương.

Gia đình 2 bên nội ngoại của sản phụ rất giàu có, em bé lại là đứa cháu đầu tiên nên họ rất trông ngóng.  Ngày Hương sinh, hai bên kéo 20 người đến bệnh viện chờ tin.

Cách 15 phút, người nhà lại vào phòng hỏi bác sĩ xem tình hình sản phụ ra sao?  Giây phút anh Chiến bế cháu bé ra ngoài, trao cho gia đình, mọi người bên ngoài sảnh reo hò vang dội vì quá đỗi sung sướng.

{keywords}
 

Hành trình đón em bé mang hai dòng máu Pháp - Việt

Bên cạnh đỡ đẻ, ThS.BS Nguyễn Ngọc Chiến khá mát tay trong mảng thụ tinh ống nghiệm (IVF). Nhiều bệnh nhân là Việt kiều, định cư lâu năm ở nước ngoài qua người giới thiệu cũng bay về Việt Nam nhờ anh hỗ trợ.

Cặp đôi BS. Chiến giúp đỡ gần đây là trường hợp vợ chồng chị Vũ Thị Lanh và anh Thierry.

{keywords}
 

Vợ chồng chị Lanh gặp khó khăn trong vấn đề thụ thai khi chị bị tắc vòi trứng. 2 năm trời ròng rã chạy chữa hiếm muộn bên Pháp nhưng không thành công.

Chị Lanh bàn với chồng, quay về Việt Nam tìm bác sĩ điều trị vô sinh. Nhân duyên, chị gặp bác sĩ Chiến.

Đầu năm 2019, chị Lanh bắt đầu hành trình thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, ngày đi kiểm tra, xác định xem phôi có làm tổ hay không, bác sĩ thông báo quá trình thụ tinh thất bại.

Chị Lanh định nghĩ đến việc nhờ người mang thai hộ nhưng BS. Chiến phân tích, đó là trường hợp bất khả kháng. Anh hứa sẽ cố gắng giúp chị Lanh mang thai bằng được. May mắn, khi tiến hành tạo phôi lần 2, chị Lanh được 6 phôi loại tốt. 

Lần này, hạnh phúc đến mỉm cười khi BS. Chiến báo tin, phôi thai đã làm tổ, đang phát triển tốt.

Gần ngày sinh nở, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chồng chị Lanh bị “mắc kẹt” bên Thượng Hải, không kịp bên cạnh vợ lúc sinh nở được. Anh gọi điện cho BS. Chiến để nhờ bác sĩ giúp vợ vượt cạn an toàn.

Chị Lanh nhập viện khi thai tròn 39 tuần, em bé tiên lượng nặng 3,5 kg. Từ sáng nhưng đến chiều vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Chị đặt vấn đề xin được mổ đẻ.

{keywords}
 

Với sự tận tâm của mình, BS. Chiến động viên chị Lanh sinh thường. 6h tối ngày 17/6/2020, chị Lanh sinh con gái thành công.

Ôm con gái trong tay, chị Lanh ngỡ như mơ, bởi sau nhiều năm hiếm muộn, chạy chữa chị mới hái được quả ngọt.

“Tôi thực sự thấy may mắn khi gặp được bác sĩ Chiến. Lúc vợ chồng tôi bế tắc nhất, anh vẫn động viên, khuyên chúng tôi làm theo đúng phác đồ. Ngày đi sinh, mặc dù có một mình, mẹ đẻ chưa kịp lên, tôi vẫn yên tâm vì tin vào y đức và chuyên môn của bác sĩ”, chị Lanh nói.

Thúy Ngà