Ngày 25/1, Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng Khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u tụy khổng lồ cho chị B.T.T.X.T (36 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Chị T. cho biết, gần 1 năm trước, chị nhận thấy bụng to dần, nghĩ do mập nên chị chỉ tìm cách tập thể dục và nịt bụng khi ngủ. Sau đó, chị bị một số cơn đau nhưng không nghiêm trọng nên chị không thăm khám.

{keywords}

Hiện chị T. ổn định sức khỏe và sẽ được xuất viện

Thời gian gần đây, chị thường xuyên đau mạn sườn bên phải. Nghĩ do đau dây thần kinh liên sườn nên chị đi khám xương khớp. Tuy nhiên, tình trạng đau càng tăng và không thuyên giảm nên chị được người nhà hướng dẫn đi khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ ghi nhận chị T. nhập viện trong tình trạng bụng phải to, ấn không đau, không vàng da, có từng đợt sưng phù, đau chân phải kéo dài khoảng 2-3 ngày sau đó tự xẹp. Ngoài ra, bệnh nhân để ý từ lúc phát hiện khối u thì búi trĩ lớn hơn lúc trước và bị lòi ra ngoài.

Các bác sĩ phát hiện chị T. vùng bụng bên phải có khối u đầu - thân tụy khổng lồ. Khối u to chèn ép cuống gan và các mạch máu xung quanh.

Sau khi hội chẩn, ngày 11/1, các bác sĩ đã tiến hành cắt mổ khối u cho chị T.

Bác sĩ Mỹ cho biết, khối u của  bệnh nhân rất to, dính vào động mạch, tĩnh mạch… nên quá trình bóc tách gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tụy nằm ở ngang rốn nhưng vì khối u quá lớn, ê-kíp phải mở rộng vết mổ xuống dưới rốn 25 cm.

Qua 10 tiếng phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u dài 20 cm, nặng 2,2 kg ra khỏi bụng bệnh nhân.

Theo bác sĩ Mỹ, thông thường khối u đầu tụy chỉ nặng từ 1 đến 1,5 kg. Khối u của chị T. được ghi nhận là khối u đầu - thân tụy lớn nhất được phát hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ trước tới nay.

Khối u được mang đi giải phẫu và cho kết quả đây là bướu cơ trơn, một dạng bướu mô đệm đường tiêu hóa.

Sau ca mổ, bệnh nhân được cho điều trị dinh dưỡng, kháng sinh, tập vận động. Hiện bệnh nhân ổn định, ăn uống được, vết mổ lành tốt, tình trạng trĩ cải thiện.

{keywords}

Khối u nặng 2,2 kg được các bác sĩ cắt bỏ

Tuy nhiên, bác sĩ Mỹ cũng chia sẻ, do chị T. bị cắt hơn 80% tụy nên chị bị mắc đái tháo đường.

Bác sĩ Mỹ giải thích: “Nguyên nhân chính của đái tháo đường là do tuyến tụy không có khả năng sản xuất ra insulin. Do đó, khi có khối u lớn phải cắt bỏ tuyến tụy, bệnh nhân sẽ bị đái tháo đường. Điều này cũng được bác sĩ giải thích cho bệnh nhân trước khi mổ”. 

BS Mỹ cho biết, u bướu vùng tụy thường khó phát hiện vì hầu như không có triệu chứng, đa phần được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi khám sức khỏe hoặc khám các bệnh lý khác. Đa số u vùng tụy là u ác tính nhưng thường bị chẩn đoán nhầm sang các loại bệnh khác như viêm gan (do có dấu hiệu vàng da), viêm dạ dày (dấu hiệu đau bụng, đau thượng vị), trĩ… 

Hầu hết bệnh nhân bị u vùng tụy thường đến bệnh viện trong giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn, chèn ép các cơ quan nội tạng. Trong trường hợp trên, khối u đã xâm lấn rất nhiều mạch máu, nếu để lâu nữa sẽ xâm lấn đến động mạch gan, cuống gan… Mức độ xâm lấn càng nhiều thì khả năng điều trị càng thấp, thậm chí không thể phẫu thuật được.

Liên Anh

Nghiện rượu từ cấp 3, thanh niên Hà Nội lúc nhúc sỏi trong tụy

Nghiện rượu từ cấp 3, thanh niên Hà Nội lúc nhúc sỏi trong tụy

Nam bệnh nhân đến viện do đau bụng nhiều và gầy sút. Bác sĩ phẫu thuật lấy ra hơn 20 viên sỏi tụy.