Đối tượng dễ mắc bệnh

Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2019, số người cao tuổi (NCT) là 11,4 triệu người, chiếm 11,9% dân số. Phần lớn số người khuyết tật là NCT, trong tổng số 3,27 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên thì có 2,36 triệu NCT khuyết tật, chiếm tỷ lên 72,2% tổng số người khuyết tật. Theo tổng kết của một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một NCT Việt Nam trung bình mắc 2,6 bệnh, con số này sẽ là 6,8 bệnh ở nhóm trên 80 tuổi.

{keywords}
 

Việc phòng bệnh là rất quan trọng đối với NCT do đây là đối tượng có sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra. Nhiều nghiên cứu cho thấy NCT, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19, bệnh nặng hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Trong thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe NCT. Bộ Y tế mới đây đã có Quyết định 1588 ban hành tài liệu “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe NCT, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng, chống dịch cho NCT tại cộng đồng”.

Tài liệu này nhằm hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở trong việc phối hợp với y tế tuyến trên cùng với chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ dự phòng lây nhiễm Covid-19 cho NCT vừa bảo đảm điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh. Việc áp dụng tài liệu này tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước sẽ giúp tăng cường quản lý, chăm sóc, sức khỏe NCT, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chú trọng phòng bệnh

Để có thể giảm bớt nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý đường hô hấp, các chuyên gia khuyến cáo NCT cần được biết về các bước tự phòng tránh và bảo vệ bản thân theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. NCT cần được cảnh báo về mức độ rủi ro mà họ đang gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là những người đã mắc các bệnh nền từ trước.

Theo đó, NCT cần phải nâng cao thể trạng, bao gồm điều trị đúng, đủ và hiệu quả các bệnh lý nền đang mắc, ví dụ kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch...

Chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe, NCT cần ăn đủ chất, uống đủ nước; NCT cũng nên hạn chế ra ngoài khi thời tiết khắc nghiệt (quá lạnh hoặc quá nóng), khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là những người có thể trạng yếu, có nhiều bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền chưa được điều trị ổn định. Môi trường sinh hoạt của NCT nên được thông thoáng, không khí nên được trao đổi, thường xuyên mở cửa sổ tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, NCT nên hạn chế ra ngoài, đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Nếu có việc phải ra ngoài, nên tránh nơi tập trung đông người ở không gian hẹp, mang khẩu trang đúng cách, dùng nước sát khuẩn để vệ sinh tay, mang theo giấy khô đề phòng ho, khạc.

Trong trường hợp NCT có vấn đề về sức khỏe, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã. Khi thực sự cần thiết như cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi, điều trị mới đến các cơ sở y tế. Đối với những NCT mắc các bệnh mạn tính như viêm phổi mãn tính, thận, đái tháo đường, tăng huyết áp... cần thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ điều trị về sử dụng thuốc điều trị thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng bệnh lý.

Ng.Hân