Ngày 2/8, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Trung Quốc là 90 người, tỷ lệ rất nhỏ với tổng dân số 1,4 tỷ người. Nhưng đất nước châu Á vẫn đánh giá đây là mức tăng cao khi trong những tháng qua, có thời điểm số ca mắc mới mỗi ngày xuống 1 con số (9 ca vào ngày 1/4). Trung Quốc đang điều trị cho 1.157 bệnh nhân Covid-19, có 2% số ca đang trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Ngoài các biện pháp thắt chặt về giãn cách, phong tỏa, Trung Quốc cũng tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn bắt đầu từ ngày 15/2/2020 tới nay. Mỗi ngày, nước này có thể tiêm tới 15 triệu liều vắc xin. Hiện tại, cả Trung Quốc đã tiêm được 1,67 tỷ liều, khoảng 60% dân số đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

{keywords}

Ảnh minh họa: Rappler

Công nghệ vắc xin bất hoạt là gì?

Trung Quốc tự sản xuất vắc xin cho chiến dịch chủng ngừa toàn quốc. Hai loại vắc xin chính là Sinovac và Sinopharm. Cả hai sản phẩm đều dựa trên công nghệ sản xuất vắc xin bất hoạt truyền thống.

Phương thức trên lần đầu tiên được biết tới nhờ sáng chế ra vắc xin đậu mùa của nhà khoa học Anh Edward Jenner vào thế kỷ 18. Tới nay, đa số các loại vắc xin quen thuộc đang được sử dụng đều ứng dụng công nghệ đó như vắc xin ngừa ho gà, thương hàn, tả, dịch hạch, bại liệt, bệnh dại, cúm, viêm gan A.

Đánh giá về công nghệ này, ông Michael Kinch, chuyên gia vắc xin tại Đại học Washington (Mỹ) nói: "Chúng ta phải tìm hiểu về lịch sử và không quên những gì đã hiệu quả trong quá khứ. Đừng quá cầu kỳ khi sự đơn giản cũng sẽ làm được điều đó cho bạn”.

Theo đó, các mầm bệnh (virus, vi khuẩn) được làm bất hoạt bằng cách sử dụng hóa chất, nhiệt hoặc bức xạ. Quy trình này đòi hỏi phải có những phòng thí nghiệm đặc biệt để nuôi cấy mầm bệnh.

Vắc xin bất hoạt có ưu điểm không chứa tác nhân gây bệnh còn sống nên an toàn khi sử dụng trên người, kể cả các trường hợp suy giảm miễn dịch.

Tuy nhiên, người tiêm cần sử dụng liều lặp lại bởi chỉ dùng một liều sẽ không tạo được đủ đáp ứng miễn dịch cần thiết. Hiện tại, các nhà khoa học cũng đang tính tới phương án tiêm liều bổ sung thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 liều Sinopharm, khoảng cách giữa 2 liều là 3-4 tuần.

Hiệu quả của vắc xin Sinopharm

Tháng 5/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong điều kiện khẩn cấp vắc xin Sinopharm. WHO khẳng định đã đánh giá kỹ lưỡng dữ liệu về chất lượng, độ an toàn, hiệu quả của vắc xin và khuyến nghị sử dụng vắc xin cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn ở nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng tiêm đủ 2 liều Sinopharm có hiệu quả chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79%. Tác dụng phát huy 14 ngày sau khi tiêm liều thứ 2.

 {keywords}

Số vắc xin Trung Quốc phân phối trên thế giới. Ảnh: Bridgebeijing

Ông Jin Dong-yan, giáo sư về virus học phân tử làm việc tại Đại học Hong Kong nhận định, nếu muốn giảm số ca bệnh nặng và tử vong “thì hai loại vắc xin ngừa Covid-19 Sinopharm và Sinovac có thể giúp”.

Giáo sư dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm Ben Cowling làm việc tại Đại học Hong Kong cũng đồng tình với quan điểm trên: “Các vắc xin Trung Quốc đang hoạt động hiệu quả và chắc chắn chúng cứu sống rất nhiều người”.

Quan chức đứng đầu Bộ Y tế Mông Cổ, Enkhsaihan Lkhagvasuren, cho biết, nước này đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 53% dân số, với 80% trong số đó được tiêm vắc xin Sinopharm.

“Khoảng 1/5 số ca mắc ở Mông Cổ đã được tiêm đủ 2 mũi, nhưng 96% số ca tử vong do Covid-19 là những người chưa được tiêm chủng hoặc mới chỉ tiêm một mũi. Để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, hơn 80% dân số cần được tiêm chủng. Chúng tôi không thể phân biệt vắc xin này tệ hay vắc xin kia tốt. Tất cả các loại vắc xin hiện có đều giảm nguy cơ diễn biến nặng”, bà Lkhagvasuren nói.

Cô Odgerel Chuluunbat, chủ một doanh nghiệp được tiêm phòng đầy đủ tại Thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, dương tính với SARS-CoV-2 hồi tháng Sáu và hồi phục tại nhà. Cô tin rằng tình trạng bệnh của bản thân có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu không có vắc xin Sinopharm.

“Tôi không hối hận khi tiêm vắc xin. Nếu không có nó, tình hình dịch bệnh ở Mông Cổ sẽ hết sức tồi tệ”, cô Chuluunbat nói.

Trong khi đó, một nghiên cứu được Đại học Sri Jayewardenepura của Sri Lanka công bố hồi tháng trước cho thấy, vắc xin Sinopharm có hiệu quả cao khi chống lại biến thể Delta của Covid-19.

“Vắc xin được phát hiện rất hiệu quả khi chống lại biến thể Delta. Những phản ứng của kháng thể đối với biến thể Delta tương tự với mức độ sau khi lây nhiễm tự nhiên”, bản nghiên cứu được đăng trên trang web của Đại học Sri Jayewardenepura.

“Có 95% người được tiêm hai mũi vắc xin Sinopharm đã phát triển kháng thể tương tự như người nhiễm bệnh tự nhiên. Hai liều vắc xin Sinopharm đã sản sinh ra kháng thể trung hòa ở 81,25% người được tiêm, và mức kháng thể này tương tự như với người khỏi Covid-19 tự nhiên”, bản nghiên cứu viết thêm.

Sinopharm đã tiến hành thử nghiệm ở UAE, Ai Cập và Maroc, các quốc gia sau đó đã mua lần lượt 18 triệu, 20 triệu và 18 triệu liều vắc xin.

Hiện tại, Trung Quốc đã cung cấp vắc xin cho 103 quốc gia trên thế giới (bao gồm cả tài trợ). Họ đã bán được 952 triệu liều, tặng 33 triệu liều. Trong đó, Châu Á Thái Bình Dương và Mỹ Latinh là hai khách hàng mua vắc xin lớn nhất của Trung Quốc.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe toàn cầu năm 2021, Trung Quốc đã chia sẻ về sự hỗ trợ đối với các nhà sản xuất vắc xin để chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển khác. 

Hiện có 14 quốc gia đã hợp tác cùng Trung Quốc để sản xuất các loại vắc xin như Hy Lạp, UAE, Brazil, Mexico…

>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất

Xuân Anh - Tuấn Trần (Theo CNN, Xinhuanet, Worldometer)

Bộ trưởng Y tế: Có vắc xin nào tiêm vắc xin đó, không nên lựa chọn

Bộ trưởng Y tế: Có vắc xin nào tiêm vắc xin đó, không nên lựa chọn

Bộ trưởng Y tế khẳng định, các vắc xin Việt Nam sử dụng đều đã được WHO cấp phép và các nước khác cũng đang sử dụng.  

Thông tin về chất lượng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc

Thông tin về chất lượng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc

Hai vắc xin Sinopharm, Sinovac do Trung Quốc sản xuất, sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống đã được WHO phê duyệt.